Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đại tá Vũ Văn Hậu, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an). Ảnh: VGP/ Hoàng Giang |
Phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Đại tá Vũ Văn Hậu, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) về thực trạng thanh thiếu niên sử dụng ma túy tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện (bar, karaoke…) và các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú (nhà nghỉ, khách sạn, căn hộ chung cư, resort nghỉ dưỡng cao cấp)… bất chấp dịch COVID-19.
Thưa ông, trong khi dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, tình trạng các quán karaoke hoạt động “chui” đón khách vào “bay lắc” vẫn xảy ra. Bên cạnh đó, gần đây, nhiều thanh niên chuyển sang thuê các khách sạn, villa, resort… để tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Ông đánh giá tình hình này như nào?
Đại tá Vũ Văn Hậu: Hiện nay, để phòng chống dịch COVID-19, nhiều địa phương đã thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế tập trung đông người, tạm dừng hoạt động của các dịch vụ không thiết yếu như: Vũ trường, quán bar, karaoke, massage… cùng với đó là sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng công an cả nước, nên tình trạng các đối tượng tụ tập hoạt động tại các điểm, tụ điểm, đặc biệt là tại các cơ sở kinh doanh nhạy cảm về cơ bản là giảm mạnh.
Tuy nhiên, vẫn còn một số chủ cơ sở vì yếu tố lợi nhuận vẫn bất chấp, lén lút hoạt động và thậm chí để diễn ra các hoạt động mua bán, chứa chấp, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Đây là hành vi đáng lên án vì vừa vi phạm pháp luật về phòng chống ma túy lại vừa vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch COVID-19 của cả nước.
Đặc biệt, thời gian gần đây xuất hiện xu hướng đáng lo ngại, đó là các đối tượng thuê khách sạn, các biệt thự trong các khu nghỉ dưỡng, các căn hộ cao cấp để tổ chức “bay lắc” nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Gần đây tình trạng này đã xuất hiện ở các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, TPHCM, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định…
Đây là loại hình tiềm ẩn nhiều phức tạp và có thể sẽ là xu hướng mới trong thời gian tới, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) đã kịp thời nắm bắt tình hình và chỉ đạo lực lượng tập trung đấu tranh mạnh với loại hình mới xuất hiện này.
Tại sao lại có sự chuyển hướng từ các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện sang các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú như khách sạn, villa, resort hạng sang? Lực lượng chức năng gặp khó khăn nào khi phá án tại các địa điểm này, thưa ông?
Đại tá Vũ Văn Hậu: Như tôi đã nói, trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh, trật tự phải tạm ngừng hoạt động để phòng, chống dịch COVID-19 nên nhiều thanh niên đã chuyển sang sang thuê nhà nghỉ, khách sạn, căn hộ chung cư, resort nghỉ dưỡng cao cấp để tổ chức sử dụng trái phép ma túy. Có thể nói, đây chính là những nơi trú ngụ “an toàn”, “thiên đường” cho các đối tượng tụ tập sử dụng ma túy.
Bởi đặc trưng chung của các biệt thự, khu nghỉ dưỡng là thường được xây dựng ở các vị trí xa trung tâm, kín đáo, ít người qua lại, việc tiếp cận thuê dịch vụ này không bị ràng buộc về pháp luật, thủ tục thuê dễ dàng, thường được cách âm tốt, có camera gắn cửa, trang bị nhiều lớp khóa, có lực lượng an ninh bảo vệ 24/24. Do đó, khi thấy lực lượng chức năng xuất hiện, các đối tượng thường sẽ có thời gian để cố thủ, xóa dấu vết… Cũng chính vì lẽ đó, để phát hiện, tiếp cận, thu thập tài liệu, chứng cứ và bắt giữ của lực lượng chức năng, cơ quan công an gặp rất nhiều khó khăn. Việc đấu tranh xử lý nếu không tính toán kỹ cũng rất dễ đến vi phạm về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân.
Tuy nhiên, bằng nghiệp vụ nhạy bén, gần đây, rất nhiều vụ việc đã bị cơ quan công an triệt xóa, điển hình như ngày 10/6, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Nghệ An bắt quả tang nhóm 9 đối tượng thanh niên tổ chức sử dụng ma túy tại một khu nghỉ dưỡng ở Cửa Lò; ngày 7/7, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Bình Định bắt quả tang 85 thanh niên nam nữ tổ chức sử dụng ma túy tại một resort ở huyện Phù Cát; Ngày 17/7, Công an Ninh Bình phát hiện 13 thanh niên sử dụng ma tuý trong resort tại Hoa Lư…
Trước tình trạng trên, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã chủ động tham mưu lãnh đạo Bộ Công an và trực tiếp ban hành các điện mật, kế hoạch công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy lợi dụng hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự (ANTT) và dịch vụ nhạy cảm. Tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện và có kế hoạch đấu tranh triệt xóa các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy (nhất là lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm).
Tiến hành phân công, phân cấp cụ thể, thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn và xác định rõ trách nhiệm của đơn vị, cá nhân trong công tác nắm tình hình chủ động phòng ngừa và đấu tranh triệt xóa điểm, tụ điểm theo mô hình Công an 4 cấp; xem xét xử lý trách nhiệm của đơn vị, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu đối với những nơi để xảy ra tình trạng tội phạm và tệ nạn ma túy diễn ra phức tạp, công khai, kéo dài gây nhức nhối trong quần chúng nhân dân mà không được xử lý, theo đúng tinh thần của Chỉ thị 36-CT/TW2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống và kiểm soát ma túy.
Đồng thời chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng trong quản lý hành chính nhà nước về ANTT, làm tốt công tác quản lý nhân hộ khẩu; khai thác có hiệu quả các ứng dụng công nghệ như: Zalo, Facebook…; phát động phong trào quần chúng nhân dân bảo vệ an ninh tổ quốc (ANTQ), tích cực tham gia tố giác tội phạm nói chung và tội phạm ma túy nói riêng. Bên cạnh tuyên truyền cho người dân tham gia phát hiện tố giác thì cần tuyên truyền nhất là về pháp luật cho các chủ cơ sở, quản lý, nhân viên và viết cam kết… Duy trì những địa bàn đã được giải quyết, không để tái phức tạp trở lại, nếu có dấu hiệu phức tạp trở lại thì phải kịp thời giải quyết ngay.
Lực lượng chức năng phát hiện hàng chục thanh niên nam nữ tổ chức sử dụng ma túy tại một resort ở huyện Phù Cát (Bình Định). Ảnh: Công an cung cấp |
Ngoài sự vào cuộc của lực lượng công an, ông có đề xuất gì với các cơ quan chức năng khác, chính quyền địa phương trong công tác quản lý các cơ sở kinh doanh có điều kiện cũng như các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú để ngăn ngừa ma túy thâm nhập vào các địa điểm này?
Đại tá Vũ Văn Hậu: Có thể nói các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy là môi trường gắn nối các đường dây buôn bán ma túy với người sử dụng ma túy, là nơi người nghiện, người sử dụng ma túy tụ tập, nơi nảy sinh các loại tội phạm, tệ nạn xã hội. Hiện nay, mức xử phạt đối với hành vi sử dụng ma túy còn nhẹ, tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” còn có nhiều vướng mắc, khó chứng minh, nhiều cơ sở làm ngơ, dung túng hoặc tiếp tay cho ma túy, trong khi một số cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng chưa thực sự sát sao, kiên quyết ngay từ những vi phạm nhỏ nhất dẫn đến có những trường hợp gây nhức nhối kéo dài.
Lực lượng công an được xác định vai trò chủ trì, chủ công, nòng cốt trong công tác phòng chống ma túy nói chung và đấu tranh, triệt xóa các tụ điểm ma túy nói riêng. Ngoài việc sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, xã hội để phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của địa phương, sự chung tay của cộng đồng, từ gia đình, từng cá nhân phải có sức đề kháng với ma túy ngay trong trong công tác phòng, chống tệ nạn.
Chính quyền địa phương, gia đình, xã hội cần có sự phối hợp trong công tác phòng, chống ma túy. Nâng cao trách nhiệm của gia đình trong việc giáo dục, quản lý con em trong gia đình. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống tội phạm, tệ nạn ma túy, có hình thức phù hợp với từng đối tượng, từng vùng miền; phong phú về nội dung và hình thức nhằm giúp cho người dân hiểu được tác hại của ma túy với đời sống cộng đồng.
Đối với lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT và dịch vụ nhạy cảm, công an các tỉnh, thành phố cần chủ động tham mưu với UBND tỉnh, thành phố tuyên truyền các phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm và tệ nạn xã hội, phổ biến sâu rộng các văn bản quy định về điều kiện ANTT đối với các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đến các cơ quan, doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh trên địa bàn.
Đặc biệt, cần có những điều kiện chặt chẽ và phù hợp hơn liên quan đến cấp giấy phép cho các cơ sở kinh doanh có điều kiện, tránh xảy ra tình trạng nay rút, mai cấp phép lại, cũng như có chế tài đủ sức răn đe đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện nếu vi phạm…
Bên cạnh việc phải tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, hộ kinh doanh làm ăn chân chính, đúng pháp luật thì cần tăng cường công tác nắm tình hình, siết chặt quản lý, kịp thời phát hiện, kiểm tra, nhắc nhở và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm, đặc biệt là với ma túy.
Phải xem xét trách nhiệm của đơn vị, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu đối với những nơi để xảy ra tình trạng tội phạm và tệ nạn ma túy diễn ra phức tạp, công khai, kéo dài gây nhức nhối trong quần chúng nhân dân mà không được xử lý theo đúng tinh thần của Chỉ thị 36-CT/TW2019.
Cảm ơn ông!
Hành vi đáng lên án giữa mùa dịch GS.TS Đặng Cảnh Khanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu truyền thống và Phát triển: Việc những đối tượng thanh niên tụ tập vài chục người nhậu nhẹt, cờ bạc, thuê nhà nghỉ, khách sạn, thậm chí cả khu nghỉ dưỡng sang trọng để “phê” ma túy... thể hiện sự yếu kém trong nhận thức về mặt pháp luật cũng như ý thức bảo vệ sức khỏe tính mạng của chính bản thân và cộng đồng. Những hành động đó không chỉ làm cho bản thân người phạm tội sẽ bị pháp luật xử lý, mà còn gây thêm gánh nặng cho các ngành chức năng, làm gia tăng bất ổn xã hội trong bối cảnh hiện nay. Xét về mặt pháp luật, mức phạt đối với họ có thể không chỉ đóng khung theo quy định, mà khi xử lý, xét theo lương tâm, trách nhiệm xã hội, chúng ta phải coi đó như là những “tình tiết tăng nặng”. Cần tăng cường hơn nữa sự tuyên truyền, giáo dục cũng như xử lý vi phạm để những thanh niên này có thêm những bài học. Tụ tập dùng ma túy giữa mùa dịch, có thể bị xử lý hình sự Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội: Chủ quán karaoke hoạt động “chui” và người sử dụng ma túy ngoài vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy còn vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh. Chưa nói vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy, căn cứ Điều 12 Nghị định 117/2020/CP về hành vi vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch của cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ, đối với cá nhân thì phạt tiền từ 10-20 triệu đồng, với tổ chức vi phạm thì phạt tiền từ 20-40 triệu đồng. Đối với chủ cơ sở mà thực hiện kinh doanh gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng chống dịch bệnh sẽ bị xử lý vì tội vi phạm quy định an toàn nơi đông người theo Điều 295 Bộ luật Hình sự 2015, bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-12 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng. Đối với thanh niên mà tụ tập đông người bị xử phạt về hành vi mà gây lây lan dịch bệnh thì bị xử phạt từ 10-20 triệu đồng theo Khoản 3 Điều 7 Nghị định 117/2020/CP. Ngoài ra, còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người khác theo Điều 240 Bộ luật Hình sự. |
Hoàng Giang (thực hiện)