Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Bộ Công an - Ảnh Chinhphu.vn |
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Bộ Công an: Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 34 đã được Chính phủ chỉ đạo, Bộ Giao thông vận tải đang chủ trì phối hợp với Bộ Công an soạn thảo, tinh thần là áp dụng mức xử phạt cao và các biện pháp mạnh tay đối với 7 nhóm hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.
Khi Nghị định sửa đổi, bổ sung được Chính phủ ký, ban hành, lực lượng Công an sẽ tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt nhằm lập lại trật tự an toàn giao thông.
Trước mắt, sẽ tập trung lực lượng tổ chức tuyên truyền, phổ biến các nội dung mới của Nghị định xử phạt để cho người tham gia giao thông biết để tự giác chấp hành.
Việc xử phạt sẽ được thực hiện nghiêm, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt sẽ tham mưu cho Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội và Bộ Công an có kế hoạch huy động tổng lực các lực lượng (Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự; Công an phường, Công an xã...) tham gia tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đảm bảo bố trí lực lượng thường xuyên trên các tuyến và địa bàn trọng điểm.
Đồng thời kết hợp xây dựng và triển khai hệ thống giám sát giao thông trên các tuyến quốc lộ, khu vực đô thị để áp dụng xử phạt thông qua hình ảnh, kiên quyết thực hiện nguyên tắc "mọi hành vi vi phạm đều bị phát hiện và xử phạt nghiêm".
PV: Hiện nay, việc bố trí cảnh sát giao thông trên các tuyến phố liệu có thời điểm dẫn đến tình trạng thiếu cán bộ không, thưa ông?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên: Hiện nay, mạng lưới giao thông đường bộ có tổng chiều dài gần 300.000 km, trong đó quốc lộ trên 16.000 km, tỉnh lộ trên 25.000 km, đường đô thị trên 17.000 km, còn lại là đường giao thông nông thôn và các đường khác.
Thực tế biên chế lực lượng Cảnh sát giao thông dao động trong khoảng 6.000 cán bộ, chiến sĩ trực tiếp thường xuyên được bố trí trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và đường đô thị. Mặt khác, việc bố trí cán bộ chỉ được thực hiện tối đa 12h/ngày.
Do đó, với thực tế như trên, không thể bố trí đầy đủ cán bộ, chiến sĩ trên tất cả các tuyến quốc lộ và các tuyến phố, mà việc bố trí lực lượng phải căn cứ vào tình hình thực tế tại tuyến, địa bàn, chú trọng các tuyến, địa bàn phức tạp về trật tự an toàn giao thông.
Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, Bộ Công an cũng chỉ đạo huy động Công an xã và các lực lượng Cảnh sát khác; lực lượng dân phố, dân phòng, thanh niên xung phong... tham gia hướng dẫn giao thông trong những trường hợp cần thiết.
Cần giải quyết cơ bản về nâng cao ý thức tự chấp hành giao thông
PV: Thực tế là vào giờ cao điểm, khi có cảnh sát giao thông hướng dẫn thì người dân chấp hành giao thông tốt hơn, không xảy ra ùn tắc, nhưng khi không có cảnh sát giao thông thì cả ở nơi có đèn giao thông vẫn "loạn" lưu thông, hành vi vi phạm thì không được xử phạt. Xin ông cho biết cần biện pháp gì để giải quyết thực trạng này?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên: Câu hỏi trên đã nêu rõ ý thức tự giác chấp hành luật giao thông của người tham gia giao thông còn kém, có Cảnh sát thì người tham gia giao thông chấp hành nghiêm vì sợ bị xử phạt, không có Cảnh sát thì không chấp hành mặc dù có tín hiệu đèn giao thông, mà thực tế Cảnh sát giao thông không thể bố trí thường xuyên trên tất cả các tuyến, địa bàn để giám sát và xử phạt.
Do đó, để giải quyết thực trạng này, cần phải giải quyết cơ bản về nâng cao ý thức tự giác chấp hành của người tham gia giao thông.
Người tham gia gia giao thông phải hiểu việc chấp hành Luật giao thông là một nét văn hóa giao thông, đảm bảo được an toàn cho tính mạng, tài sản của chính người tham gia giao thông và mọi người xung quanh.
Bên cạnh việc xử phạt của Cảnh sát, đòi hỏi các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức chính trị - xã hội... phải nâng cao hơn nữa các biện pháp tuyên truyền, vận động mọi người nâng cao ý thức tự giác chấp hành các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Dự kiến tiếp tục triển khai hệ thống giám sát trên một số tuyến quốc lộ
PV: Nếu áp dụng hệ thống camera giám sát tự động ở đường phố để xử phạt vi phạm giao thông sẽ giúp giảm số lượng cảnh sát giao thông vừa nâng cao khả năng giám sát và nâng cao ý thức người dân chấp hành Luật giao thông. Việc triển khai áp dụng công nghệ này đã được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên: Hiện Bộ Công an đã có dự án về xây dựng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, đã áp dụng thí điểm trên tuyến Pháp Vân - Ninh Bình đạt kết quả tốt, được đánh giá cao, hiện đang tiếp tục triển khai trên các tuyến quốc lộ trọng điểm và một số đô thị.
Tuy nhiên, việc triển khai dự án còn phụ thuộc vào tiến độ dự án và kinh phí được bố trí, do đó, không thể thực hiện được ngay một lúc.
Dự kiến, sẽ triển khai tiếp hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trên một số đoạn tuyến quốc lộ trong năm 2012.
PV: Xin ông cho biết lực lượng cảnh sát giao thông đã thực hiện việc xử phạt hoạt động đua xe trái phép thời gian qua như thế nào và việc cần thiết phải tịch thu phương tiện, phạt cả người cổ vũ hành vi đua xe như trong dự thảo đang đề xuất?
Ảnh minh họa |
Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Cảnh sát khác như Công an phường, Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Cảnh sát cơ động... tổ chức các phương án, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi điều khiển xe ô tô, mô tô chạy tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép.
Riêng trong năm 2011, Cảnh sát giao thông thành phố Hồ Chí Minh đã tạm giữ 803 xe mô tô để xử lý; chuyển hồ sơ vi phạm của 326 trường hợp về Công an quận, huyện nơi đối tượng cư trú để kiểm điểm, giáo dục và quản lý.
Công an Hà Nội cũng đã bắt giữ và xử lý 16 trường hợp điều khiển xe ô tô chạy tốc độ cao, lạng lách, đánh võng qua các tuyến phố gây mất trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng. Công an Bà Rịa - Vũng Tàu tạm giữ 350 xe mô tô để xử lý;...
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc xử lý hành vi này chưa triệt để, nguyên nhân do theo quy định của pháp luật hiện hành, các biện pháp xử lý chưa mạnh, khó xác định được hành vi là đua xe trái phép hay lạng lách, đánh võng, việc xử lý hình sự thường áp dụng xử lý tội gây rối trật tự công cộng; phương tiện sử dụng vi phạm phải trả lại nếu người vi phạm không phải chủ sở hữu...
Công văn số 1702/TTg-KTN ngày 24/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện việc tịch thu phương tiện đối với các trường hợp đua xe trái phép không phân biệt chủ sở hữu, tuy nhiên, hiện còn vướng quy định tại khoản 2, điều 17 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính nên chưa thể thực hiện được và để thực hiện được phải bổ sung quy định này vào Luật xử lý vi phạm hành chính đang soạn thảo, dự kiến trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới.
Việc xử phạt người cổ vũ hành vi đua xe trái phép đã được quy định cụ thể tại khoản 2 điều 37 Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 2/4/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ với mức phạt từ 2 triệu đến 4 triệu đồng.
Hoàng Diên - Thanh Hoài thực hiện
Tin liên quan:
>> Sẽ nâng mức xử phạt một số vi phạm an toàn giao thông
>> Xây dựng ngay Nghị định nâng mức phạt vi phạm giao thông đường bộ
>> Ý kiến người dân đồng tình với việc tăng mức phạt vi phạm giao thông
>> Xử phạt triệt để sẽ khắc phục tình trạng giao thông
>> Bộ Giao thông vận tải dự thảo nâng mức phạt vi phạm giao thông đường bộ
>> Người dân nói về việc xử phạt người đội mũ bảo hiểm rởm
>> Hà Nội đề xuất tăng gấp 2 lần tiền phạt vi phạm giao thông nội đô
>> Kiến nghị tăng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ