Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Dự báo xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tăng cao trong tháng 02 đến tháng 4 năm 2025.
Công điện của Thủ tướng Chính phủ về chủ động ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm ở Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 15/CĐ-TTg ngày 17/2/2025 về việc chủ động ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm ở Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh.
Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, Long An, Đồng Tháp, An Giang và Thành phố Hồ Chí Minh.
Công điện nêu: Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong tuần qua, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh có xu thế tăng theo kỳ triều cường, ranh mặn tại các cửa sông Cửu Long từ 38 đến 48 km, sông Vàm Cỏ từ 45 đến 52 km, sông Cái Lớn từ 35 đến 40 km (mức thấp hơn cùng kỳ năm 2024 từ 03 đến 08 km; thấp hơn cùng kỳ năm 2016 và 2020 từ 25 đến 44 km); tại Thành phố Hồ Chí Minh xâm nhập mặn thấp hơn cùng kỳ năm 2024 và trung bình nhiều năm. Dự báo, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tăng cao trong tháng 02 đến tháng 4 năm 2025, ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, xấp xỉ và thấp hơn năm 2024, thấp hơn các năm 2016 và 2020. Thời kỳ cao điểm xâm nhập mặn, có khả năng xảy ra thiếu nước ngọt cục bộ, nhất là tại khu vực ven biển, xâm nhập mặn sâu vào các cửa sông có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt của Nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Để chủ động ứng phó, hạn chế tác động tiêu cực của những đợt xâm nhập mặn cao điểm trong thời gian tới tại các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Công điện số 128/CĐ-TTg ngày 08 tháng 12 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
2. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chỉ đạo theo dõi sát diễn biến, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin về tình hình, dự báo thủy văn, nguồn nước, nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh đến cơ quan truyền thông, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để thông tin chính xác, kịp thời chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ.
3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân công lãnh đạo Bộ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương, nhất là khu vực ven biển Đồng bằng sông Cửu Long triển khai các biện pháp ứng phó xâm nhập mặn phù hợp với thực tế từng khu vực, hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu trên, nhất là khu vực ven biển Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến và dự báo khí tượng thủy văn, nguồn nước, xâm nhập mặn để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó cụ thể theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, tập trung triển khai các phương án bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh, tuyệt đối không được để người dân thiếu nước sinh hoạt, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục thiếu nước ngọt.
5. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam và Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam chỉ đạo cập nhật thông tin, đưa tin kịp thời, chính xác về tình hình xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt cục bộ (nếu có) và nhất là công tác chỉ đạo, các nhiệm vụ, giải pháp ứng phó của cơ quan có thẩm quyền để người dân biết, chủ động triển khai ứng phó phù hợp.
6. Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc công điện này và tiếp tục chỉ đạo triển khai công tác ứng phó xâm nhập mặn phù hợp với tình hình.
Văn phòng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Công điện này; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách những vấn đề đột xuất, phát sinh.
Thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia được hưởng chế độ bồi dưỡng đặc thù 2.340.000 đồng/người/tháng.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký ban hành Quyết định số 04/2025/QĐ-TTg về chế độ bồi dưỡng đối với thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, người tiến hành tố tụng cạnh tranh, người giám định, người phiên dịch, người làm chứng.
Theo Quyết định, thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia được hưởng chế độ bồi dưỡng đặc thù là 2.340.000 đồng/người/tháng.
Chế độ bồi dưỡng đối với người tiến hành tố tụng cạnh tranh, người giám định, người phiên dịch và người làm chứng tại phiên điều trần
Theo Quyết định, Chủ tịch Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh được bồi dưỡng 150.000 đồng/ngày.
Thành viên Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, điều tra viên việc cạnh tranh tham gia phiên điều trần, thư ký phiên điều trần được bồi dưỡng 100.000 đồng/ngày.
Người giám định được Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh mời được bồi dưỡng 100.000 đồng/ngày.
Người phiên dịch được Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh mời đến phiên dịch tại phiên điều trần được hưởng chế độ bồi dưỡng theo quy định về chi phí dịch thuật trong chế độ chi tiếp đón khách nước ngoài và chi tiêu tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam.
Người làm chứng được Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh triệu tập đến phiên điều trần được bồi dưỡng 100.000 đồng/ngày.
Chế độ bồi dưỡng đối với người tiến hành tố tụng cạnh tranh, người giám định, người phiên dịch, người làm chứng trong quá trình điều tra vụ việc cạnh tranh
Điều tra viên vụ việc cạnh tranh được bồi dưỡng 80.000 đồng/người/ngày trong thời gian được phân công điều tra vụ việc cạnh tranh.
Người phiên dịch được Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh triệu tập, mời tham gia buổi làm việc trong quá trình điều tra vụ việc cạnh tranh được hưởng chế độ bồi dưỡng theo quy định về chi phí dịch thuật trong chế độ chi tiếp đón khách nước ngoài và chi tiêu tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam.
Người giám định, người làm chứng được Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh triệu tập, mời tham gia buổi làm việc trong quá trình điều tra vụ việc cạnh tranh được bồi dưỡng 100.000 đồng/người/ngày.
Chế độ bồi dưỡng đối với người tham gia tọa đàm, họp xử lý vụ việc cạnh tranh, giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh
Chủ tịch Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh được bồi dưỡng 150.000 đồng/ngày.
Thành viên Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, thành viên Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh được bồi dưỡng 100.000 đồng/người/ngày.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2025.
Đẩy mạnh khai thác và sử dụng tối đa các nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện, bảo đảm cung cấp đủ điện, ổn định, chất lượng ngày càng cao.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 266/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch (Kế hoạch).
Kế hoạch đặt mục tiêu tổng quát là chủ động tham gia xu thế toàn cầu phát triển carbon thấp; huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế cho phát triển điện lực; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ đốt kèm nhiên liệu sạch để giảm dần phát thải trong các nhà máy nhiệt điện than; đưa ra lộ trình dừng hoạt động các nhà máy nhiệt điện than đã hết đời sống kinh tế, công nghệ cũ.
Đẩy mạnh khai thác và sử dụng tối đa các nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện, bảo đảm cung cấp đủ điện, ổn định, chất lượng ngày càng cao với giá điện hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Xây dựng và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp toàn diện ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng nhằm thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện
Mục tiêu cụ thể giai đoạn đến năm 2030, nghiên cứu thí điểm lắp đặt hệ thống thu gửi carbon cho nhà máy nhiệt điện than sử dụng công nghệ cũ, hiệu suất thấp; xem xét dừng hoạt động khoảng 540 MW (nhà máy nhiệt điện Phả Lại, công suất 440 MW và nhà máy nhiệt điện Ninh Bình, công suất 100 MW) nếu các nhà máy điện than đã hết đời sống kinh tế, công nghệ cũ, hiệu suất thấp không giải quyết cải thiện được vấn đề hiệu suất và phát thải.
Nghiên cứu, thí điểm áp dụng công nghệ đốt kèm nhiên liệu sinh khối, amoniac tại các nhà máy nhiệt điện than để giảm phát thải C02. Khuyến khích các nhà máy điện than đốt kèm và chuyển dần sang sử dụng nhiên liệu sinh khối, amoniac.
Ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện; tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo (gồm cả thủy điện) đạt khoảng 29,2 - 37,7%.
Phấn đấu hoàn thành đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong khoảng 5 năm, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển và bảo vệ môi trường.
Đến 2050, định hướng không sử dụng nhiên liệu than cho sản xuất điện
Đến năm 2045, phát triển các nguồn điện sạch tối thiểu 1.160MW thay thế để bù vào các nguồn điện, đảm bảo cung cấp đủ điện cho hệ thống điện quốc gia để xem xét dừng hoạt động khoảng 1.160 MW nhiệt điện than đối với các nhà máy điện than đã hết đời sống kinh tế (nếu không chuyển đổi nhiên liệu).
Tiếp tục thực hiện chuyển đổi nhiên liệu các nhà máy điện than sau 20 năm vận hành sang đốt kèm sinh khối, amoniac với tổng công suất 18.642 MW; chuyển hoàn toàn các nhà máy nhiệt điện than sang sinh khối, amoniac với tổng công suất 6.990 MW.
Đến năm 2050, phát triển đủ các nguồn điện sạch thay thế để bù vào các nguồn điện với công suất tối thiểu 3.335 MW, đảm bảo cung cấp đủ điện cho hệ thống điện quốc gia để xem xét dừng hoạt động khoảng 3.335 MW nhiệt điện than đối với các nhà máy điện than đã hết đời sống kinh tế (nếu không chuyển đổi nhiên liệu hoặc lắp đặt hệ thống thu giữ carbon).
Thực hiện chuyển đổi nhiên liệu các nhà máy nhiệt điện than sang sử dụng hoàn toàn nhiên liệu sinh khối, amoniac với tổng công suất 25.632 - 28.832 MW; lắp đặt hệ thống thu giữ carbon cho các nhà máy điện than.
Giai đoạn từ năm 2050, định hướng không sử dụng nhiên liệu than cho sản xuất điện.
Để đạt được các mục tiêu trên, Kế hoạch đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp về chính sách pháp luật, kỹ thuật công nghệ, nhân lực, tài chính và nguồn vốn, hợp tác quốc tế, chuyển dịch công bằng và bảo đảm an sinh xã hội.
Ngày 17/2/2025, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký các Quyết định về việc 6 cán bộ thuộc Bộ Quốc phòng thôi giữ chức lãnh đạo, chờ nghỉ hưu.
Theo Quyết định số 306/QĐ-TTg, đồng chí Thiếu tướng Bùi Tố Việt thôi giữ chức Phó Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân, Bộ Quốc phòng, nghỉ công tác kể từ ngày 1/5/2025 để nghỉ hưu theo chế độ kể từ ngày 1/5/2026. Trong thời gian chờ nghỉ hưu, đồng chí Thiếu tướng Bùi Tố Việt được bảo lưu các chế độ hiện hưởng theo quy định hiện hành.
Theo Quyết định số 307/QĐ-TTg, đồng chí Chuẩn Đô đốc Phan Tuấn Hùng thôi giữ chức Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Bộ Quốc phòng, nghỉ công tác kể từ ngày 1/3/2025 để nghỉ hưu theo chế độ kể từ ngày 1/7/2025. Trong thời gian chờ nghỉ hưu, đồng chí Chuẩn Đô đốc Phan Tuấn Hùng được bảo lưu các chế độ hiện hưởng theo quy định hiện hành.
Theo Quyết định số 308/QĐ-TTg, đồng chí Thiếu tướng Đặng Văn Hùng thôi giữ chức Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân khu 7, Bộ Quốc phòng, nghỉ công tác kể từ ngày 1/3/2025, để nghỉ hưu theo chế độ kể từ ngày 1/9/2025. Trong thời gian chờ nghỉ hưu, đồng chí Thiếu tướng Đặng Văn Hùng được bảo lưu các chế độ hiện hưởng theo quy định hiện hành.
Theo Quyết định số 309/QĐ-TTg, đồng chí Trung tướng Trần Duy Giang thôi giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng, nghỉ công tác kể từ ngày 1/3/2025 để nghỉ hưu theo chế độ kể từ ngày 1/7/2025. Trong thời gian chờ nghỉ hưu, đồng chí Trung tướng Trần Duy Giang được bảo lưu các chế độ hiện hưởng theo quy định hiện hành.
Theo Quyết định số 310/QĐ-TTg, đồng chí Thiếu tướng Lê Văn Phúc thôi giữ chức Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng, nghỉ công tác kể từ ngày 1/5/2025 để nghỉ hưu theo chế độ kể từ ngày 1/1/2026. Trong thời gian chờ nghỉ hưu, đồng chí Thiếu tướng Lê Văn Phúc được bảo lưu các chế độ hiện hưởng theo quy định hiện hành.
Theo Quyết định số 311/QĐ-TTg, đồng chí Thiếu tướng Hoàng Văn Hữu thôi giữ chức Phó Tư lệnh Quân khu 1, Bộ Quốc phòng, nghỉ công tác kể từ ngày 1/3/2025, tiếp tục làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đến hết nhiệm kỳ thì nghỉ hưu theo chế độ quy định. Trong thời gian chờ nghỉ hưu, đồng chí Thiếu tướng Hoàng Văn Hữu được bảo lưu các chế độ hiện hưởng theo quy định hiện hành./.