Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 124/2024/NĐ-CP ngày 5/10/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 06/6/2018 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.
Nghị định số 124/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tập trung vào các quy định về liên kết giáo dục và đào tạo với nước ngoài.
Nghị định sửa đổi, bổ sung Điều 6 về đối tượng liên kết giáo dục.
Cụ thể, bên Việt Nam: Cơ sở giáo giáo dục mần non tư thục, cơ sở giáo dục phổ thông tư thục do nhà đầu tư trong nước đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động, được thành lập và hoạt động tại Việt Nam.
Bên nước ngoài:
a) Cơ sở giáo dục được thành lập và hoạt động hợp pháp ở nước ngoài, có thời gian hoạt động ít nhất 05 năm ở nước ngoài tính đến ngày nộp hồ sơ và không vi phạm pháp luật của nước sở tại trong thời gian hoạt động, có giảng dạy trực tiếp, có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục còn hiệu lực hoặc được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về giáo dục của nước ngoài công nhận về chất lượng giáo dục.
b) Tổ chức cung cấp chương trình giáo dục được thành lập và hoạt động hợp pháp ở nước ngoài, có thời gian hoạt động cung cấp chương trình giáo dục mầm non hoặc phổ thông ít nhất 05 năm tính đến ngày nộp hồ sơ xin thực hiện liên kết giáo dục.
Bên cạnh đó, Nghị định 124/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 7 về chương trình giáo dục. Theo đó, chương trình giáo dục tích hợp phải bảo đảm mục tiêu của chương trình giáo dục của Việt Nam và đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục nước ngoài; không bắt buộc người học phải học lại cùng một nội dung kiến thức, bảo đảm tính ổn định đến hết cấp học và liên thông giữa các cấp học vì quyền lợi của học sinh, bảo đảm tính tự nguyện tham gia và không gây quá tải cho học sinh.
Nghị định 124/2024/NĐ-CP yêu cầu các bên liên kết có trách nhiệm công khai đầy đủ, chính xác, rõ ràng cho học sinh, cha mẹ học sinh và trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục các thông tin về chương trình giáo dục và kết quả kiểm định, số lượng giáo viên người nước ngoài, số lượng học sinh nước ngoài, phương thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, các nội dung khác theo quy định của pháp luật có liên quan; chịu trách nhiệm về sự chính xác của những thông tin này.
Nghị định 124/2024/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung quy định về liên kết đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.
Theo đó, đối tượng liên kết đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ gồm:
a) Cơ sở giáo dục đại học được thành lập, hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
b) Cơ sở giáo dục đại học được thành lập, hoạt động hợp pháp ở nước ngoài đáp ứng quy định tại khoản 3 Điều 45 Luật Giáo dục đại học (được sửa đổi, bổ sung năm 2018).
Về chương trình đào tạo, Nghị định 124/2024/NĐ-CP nêu rõ: Chương trình đào tạo của nước ngoài được thực hiện tại Việt Nam phải bảo đảm các yêu cầu sau:
- Là chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài, được cơ quan có thẩm quyền của nước đó cho phép đào tạo và cấp bằng hoặc có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng còn hiệu lực do tổ chức kiểm định chất lượng hợp pháp cấp.
- Không có nội dung gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích cộng đồng; không truyền bá tôn giáo, xuyên tạc lịch sử; không gây ảnh hưởng xấu đến văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 20/11/2024.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký Quyết định số 1206/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) nội bộ trong hệ thống hành chính Nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Theo Quyết định, đơn giản hóa 14 TTHC nội bộ thuộc 04 lĩnh vực trong hệ thống hành chính Nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Trong lĩnh vực di sản văn hóa đơn giản hóa 4 TTHC nội bộ:
1-Thủ tục đưa bảo vật quốc gia ra nước ngoài phục vụ hoạt động đối ngoại cấp nhà nước;
2- Thủ tục đưa bảo vật quốc gia thuộc bảo tàng chuyên ngành ra nước ngoài theo chương trình hợp tác quốc tế để giới thiệu, quảng bá lịch sử, văn hóa, đất nước và con người Việt Nam;
3- Thủ tục đưa bảo vật quốc gia đang được bảo vệ và phát huy giá trị tại di tích do bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương quản lý ra nước ngoài theo kế hoạch hợp tác quốc tế về nghiên cứu hoặc bảo quản;
4- Thủ tục lấy ý kiến về dự kiến đặt tên, đổi tên công trình công cộng có quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng, tên đường, phố.
Trong lĩnh vực du lịch sẽ đơn giản hóa thủ tục công nhận khu du lịch quốc gia
Lĩnh vực văn hóa, cơ sở có 6 TTHC nội bộ được đơn giản hóa gồm:
1- Thủ tục cấp Huy chương Vàng, Huy chương Bạc, Giấy khen cho cuộc thi, liên hoan văn nghệ quần chúng cấp toàn quốc và khu vực;
2- Thủ tục thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận ngày truyền thống;
3- Thủ tục xét, công nhận quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh;
4- Thủ tục xét, công nhận lại quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh;
5- Thủ tục xét, công nhận phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh;
6- Thủ tục xét, công nhận lại phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh.
Đối với lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, đơn giản hóa 3 TTHC nội bộ gồm:
1- Thủ tục thỏa thuận cấp giấy phép xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng;
2- Thủ tục phê duyệt quy hoạch tượng đài, tranh hoành tráng cấp tỉnh;
3- Thủ tục điều chỉnh quy hoạch tượng đài, tranh hoành tráng cấp tỉnh.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng, ban hành văn bản thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1212/QĐ-TTg ngày 18/10/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Kế hoạch nêu rõ các chương trình, dự án triển khai thực hiện quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất; nguồn lực và việc sử dụng nguồn lực để thực hiện quy hoạch.
Cụ thể, đối với các dự án đầu tư công, tỉnh Đắk Lắk tập trung triển khai các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn, có tính kết nối liên vùng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh, hạ tầng giao thông nông thôn; hạ tầng phát triển công nghiệp; hạ tầng thông tin và truyền thông; hạ tầng lưới điện; hạ tầng cấp nước, thuỷ lợi; hạ tầng số; hạ tầng kỹ thuật tại các trung tâm đô thị, khu vực động lực tăng trưởng, hành lang kinh tế đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh để thu hút các nguồn vốn đầu tư, bảo đảm cơ cấu đầu tư hợp lý, hiệu quả. Dành nguồn lực để hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Tập trung bố trí vốn đối ứng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án sử dụng vốn ODA.
Tỉnh quan tâm thực hiện các dự án hạ tầng phát triển du lịch; trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh; đầu tư các thiết chế văn hóa, thể thao quan trọng; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất y tế, giáo dục và đào tạo; đầu tư cơ sở bảo trợ xã hội, an sinh xã hội; đầu tư hạ tầng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ phòng cháy chữa cháy, quốc phòng, an ninh.
Đối với các dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công, tỉnh tăng cường huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư hoàn thiện hạ tầng kinh tế, xã hội của tỉnh nhằm phát huy tối đa hiệu quả các công trình hạ tầng đầu tư công.
Thu hút đầu tư phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, thân thiện với môi trường; tăng tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hiện hữu và đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới. Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh như: công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và sản xuất năng lượng tái tạo quy mô lớn; hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Cùng với đó là phát triển dịch vụ - đô thị, dịch vụ tài chính - ngân hàng, bưu chính viễn thông, logistics có trọng tâm, trọng điểm; thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, có năng lực, kinh nghiệm để đầu tư vào các khu du lịch dựa trên các thế mạnh về du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái gắn với lịch sử, văn hóa, tâm linh.
Đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp; thu hút doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái, du lịch trải nghiệm.
Đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các dự án đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp; cơ sở y tế; cơ sở bảo trợ xã hội; cơ sở dịch vụ thể dục thể thao.
Ngày 18/10/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký các Quyết định thi hành kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng.
Cụ thể, tại Quyết định 1217/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với ông Huỳnh Đức Hòa, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2004-2011 do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và đã bị thi hành kỷ luật Đảng; thời gian thi hành kỷ luật kể từ ngày công bố Quyết định số 1662-QĐ/UBKTTW ngày 14/8/2024 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Tại Quyết định 1218/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với ông Đoàn Văn Việt, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021 do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và đã bị thi hành kỷ luật Đảng; thời gian thi hành kỷ luật kể từ ngày công bố Quyết định số 1663-QĐ/UBKTTW ngày 14/8/2024 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Các Quyết định trên có hiệu lực thi hành từ ngày 18/10/2024./.