Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 02/2025/NĐ-CP ngày 1/1/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành Luật Bảo hiểm y tế, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023.
Nghị định số 02/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung quy định về mức hưởng bảo hiểm y tế đối với các trường hợp quy định tại Điều 22 của Luật Bảo hiểm y tế. Cụ thể: 1. Các đối tượng quy định tại các khoản 3, 4, 5, 8, 9, 11, 17 và 20 Điều 3 Nghị định này được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 22 của Luật Bảo hiểm y tế.
2. Các đối tượng được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 22 của Luật Bảo hiểm y tế và không áp dụng tỷ lệ thanh toán theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 21 của Luật Bảo hiểm y tế, bao gồm:
a) Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945;
b) Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;
c) Bà mẹ Việt Nam anh hùng;
d) Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
đ) Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh khi điều trị vết thương, bệnh tật tái phát;
e) Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
g) Trẻ em dưới 6 tuổi.
3. 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp chi phí cho một lần khám bệnh, chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở.
4. 95% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2, các khoản 12, 18 và 19 Điều 3 và các khoản 1, 2 và 5 Điều 4 của Nghị định này.
5. Lộ trình thực hiện và tỷ lệ mức hưởng khi khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp cơ bản theo quy định tại điểm e và điểm h khoản 4 Điều 22 của Luật Bảo hiểm y tế như sau:
a) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2025, khi khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp cơ bản đạt số điểm dưới 50 điểm hoặc được tạm xếp cấp cơ bản, người tham gia bảo hiểm y tế được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 100% mức hưởng;
b) Từ ngày 01 tháng 7 năm 2026, khi khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp cơ bản đạt số điểm từ 50 điểm đến dưới 70 điểm, người tham gia bảo hiểm y tế được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 50% mức hưởng;
c) Từ ngày 01 tháng 7 năm 2026, khi khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp cơ bản mà trước ngày 01 tháng 01 năm 2025 đã được cơ quan có thẩm quyền xác định là tuyến tỉnh hoặc tuyến trung ương hoặc tương đương tuyến tỉnh hoặc tuyến trung ương, người tham gia bảo hiểm y tế được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 50% mức hưởng;
d) Từ ngày 01 tháng 7 năm 2026, khi khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu mà trước ngày 01 tháng 01 năm 2025 đã được cơ quan có thẩm quyền xác định là tuyến tỉnh hoặc tương đương tuyến tỉnh theo quy định tại điểm h khoản 4 Điều 22 của Luật Bảo hiểm y tế, người tham gia bảo hiểm y tế được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 50% mức hưởng.
6. Trường hợp quy định tại điểm a khoản 5 Điều này được tính để xác định số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm quy định tại điểm d khoản 1 Điều 22 của Luật Bảo hiểm y tế.
7. Đối với trường hợp người tham gia bảo hiểm y tế đi khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu:
a) Người có thẻ bảo hiểm y tế đi khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo phạm vi được hưởng (nếu có) theo quy định tại Điều 22 của Luật Bảo hiểm y tế. Phần chi phí chênh lệch giữa giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu với mức thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế do người bệnh thanh toán cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
b) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm bảo đảm về nhân lực, điều kiện chuyên môn, thiết bị y tế, khả năng cung ứng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo đúng hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đã ký với cơ quan bảo hiểm xã hội và công khai những khoản chi phí mà người bệnh phải chi trả ngoài phạm vi được hưởng và mức hưởng bảo hiểm y tế, phần chi phí chênh lệch và phải thông báo trước cho người bệnh.
8. Trường hợp người tham gia bảo hiểm y tế thay đổi nhóm đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế theo các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dẫn đến thay đổi mức hưởng bảo hiểm y tế và phải đổi thẻ bảo hiểm y tế, thông tin về thẻ bảo hiểm y tế thì mức hưởng bảo hiểm y tế mới được tính từ thời điểm thẻ bảo hiểm y tế, thông tin về thẻ bảo hiểm y tế được cấp mới cho người tham gia bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng.
Nghị định số 02/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 2/1/2025 phê duyệt Đề án xây dựng và quản lý Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch.
Đề án được thực hiện trên phạm vi cả nước, áp dụng trong lĩnh vực quản lý nhà nước về quy hoạch tại các bộ, ngành, địa phương. Dữ liệu được thu thập, tổng hợp, xử lý và cập nhật trong Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch gồm cơ sở dữ liệu hồ sơ quy hoạch và sơ đồ, bản đồ quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (nếu có), quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành khác theo quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật chuyên ngành khác có liên quan.
Thúc đẩy cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quy hoạch
Mục tiêu của Đề án là hình thành Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch, kết nối, liên thông, tích hợp, chia sẻ thông tin dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu liên quan đến quy hoạch của các bộ, ngành, địa phương trên môi trường điện tử nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về quy hoạch, phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, giúp đơn giản hóa, thúc đẩy cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quy hoạch, bảo đảm thuận tiện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong khai thác, sử dụng thông tin quy hoạch.
Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% cơ sở dữ liệu hồ sơ quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện được thu thập, xây dựng trên nền tảng công nghệ ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS hóa) để cập nhật vào Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch và được cung cấp, chia sẻ cho các tổ chức, cá nhân theo quy định.
Hoàn thành đầu tư 100% các phần mềm, ứng dụng cho phép các cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, người dân kết nối Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch để cung cấp dịch vụ thông tin quy hoạch theo nhu cầu.
Nhiệm vụ của Đề án là: Hoàn thiện thể chế, ban hành quy định, hướng dẫn yêu cầu kỹ thuật để xây dựng và triển khai Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch; xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin bảo đảm triển khai Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch; quản lý, vận hành, khai thác, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch; đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch được cập nhật và duy trì thường xuyên, đảm bảo tính mới nhất và đáng tin cậy
Trong đó, Đề án triển khai xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư để quản trị, vận hành, khai thác và chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch đáp ứng an toàn hệ thống thông tin tối thiểu đạt cấp độ 3; đồng thời xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự phòng phục vụ triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch hoạt động song song, bảo đảm năng lực sao lưu dữ liệu và có khả năng phục hồi sau thảm họa.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch bao gồm một tập hợp các thông tin, dữ liệu quy hoạch được sắp xếp, tổ chức để truy cập, cung cấp, chia sẻ, quản lý, khai thác và cập nhật thông qua phương tiện điện tử, bao gồm:
- Cơ sở dữ liệu hồ sơ quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt và được lưu trữ theo quy định tại Điều 44 Luật Quy hoạch.
- Cơ sở dữ liệu hồ sơ quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành theo quy định tại Luật Quy hoạch, quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, quy hoạch đô thị và nông thôn.
- Cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia được chuẩn hóa và cập nhật thường xuyên.
- Thông tin, dữ liệu khác liên quan đến quy hoạch.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch được cập nhật và duy trì thường xuyên, đảm bảo tính mới nhất và đáng tin cậy của thông tin quy hoạch.
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 03/TB-VPCP ngày 2/1/2025 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai.
Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai tiếp tục có nhiều điểm sáng, tích cực
Thông báo nêu: Lào Cai là tỉnh biên giới có vị trí chiến lược rất quan trọng, có nguồn lực phong phú với nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh, hội tụ đủ các điều kiện thuận lợi "riêng có" để phát triển thành một cực tăng trưởng của vùng Trung du và miền núi phía Bắc và cả nước, trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Lào Cai đã đoàn kết, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, khắc phục khó khăn, năng động, sáng tạo, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra và đã đạt được những kết quả tích cực, toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đặc biệt là trong các lĩnh vực thu ngân sách nhà nước, giải ngân vốn đầu tư công, phát triển kinh tế cửa khẩu, xây dựng đường biên giới hòa bình, hợp tác và phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân...
Năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai tiếp tục có nhiều điểm sáng, tích cực. Tăng trưởng kinh tế GRDP ước đạt 7,38%, cao hơn năm 2023 (5,11%); GRDP bình quân đầu người đạt 97,5 triệu đồng, tăng 8,9 triệu đồng so với năm 2023. Quy mô kinh tế ước đạt 78.000 tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm 2023. Tổng giá trị xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu ước đạt 3,625 tỷ USD, tăng 68% so với năm 2023; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,65%; lượng khách du lịch ước đạt 7,8 triệu lượt khách, tăng 8%; tổng nguồn vốn tín dụng ước đạt 70.800 tỷ đồng, tăng 10%. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản mặc dù chịu ảnh hưởng của bão số 3, nhưng vẫn cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch. Đặc biệt, Lào Cai luôn nằm trong nhóm các tỉnh có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao của cả nước, năm 2024 ước đạt 120,6% kế hoạch; thu ngân sách nhà nước ước cả năm đạt 12.800 tỷ đồng, vượt 39,5% dự toán trung ương giao và tăng 35,9% so với năm 2023; công tác
xây dựng nhà ở xã hội được triển khai tích cực (trong đó đã và đang thực hiện 06 dự án với quy mô 4.851 căn hộ, đạt 63% mục tiêu Đề án Chính phủ giao đến năm 2030); công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát, nhà bị ảnh hưởng của bão số 3 được thực hiện quyết liệt (đến nay đã thực hiện được khoảng 5.397 nhà, đạt 50% kế hoạch). Quốc phòng, an ninh được bảo đảm; hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng. Việc khắc phục hậu quả mưa bão (sau cơn bão số 3) được thực hiện quyết liệt, nghiêm túc và hiệu quả.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, tỉnh Lào Cai vẫn còn những hạn chế, khó khăn, thách thức. Quy mô nền kinh tế còn nhỏ; chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa bền vững. Kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đối ngoại, hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu du lịch, hạ tầng chuyển đổi số chưa đồng bộ, hiện đại...
Lào Cai cần tập trung phát huy mạnh mẽ tiềm năng, thế mạnh
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ quan điểm định hướng đối với tỉnh Lao Cai là:
Quán triệt, triển khai thực hiện đầy đủ, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị; các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Nghị quyết Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XVI... Vận dụng, thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan, lấy thực tiễn làm thước đo; đặc biệt là trong việc rà soát, xây dựng thể chể, chính sách, phân cấp phân quyền, xóa bỏ cơ chế "xin - cho". Chú trọng sơ kết, tổng kết, đánh giá bài học kinh nghiệm, phát huy mô hình hay, cách làm hiệu quả để tiếp tục nhân rộng, tạo sức lan tỏa cao.
Là địa phương có điểm mạnh và vị trí lợi thế so sánh đặc biệt cả về an ninh, quốc phòng, kết nối phát triển du lịch, dịch vụ, giao thương quốc tế, Lào Cai cần tập trung phát huy mạnh mẽ những tiềm năng, thế mạnh, tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, không trông chờ, ỷ lại, góp phần xây dựng nền kinh tế đất nước độc lập, tự chủ.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo hướng "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, kiểm soát đầu ra; có biện pháp kiểm tra, giám sát hiệu quả việc triển khai của từng cấp.
Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì Nhân dân phục vụ.
Thúc đẩy kinh tế cửa khẩu trở thành điểm đột phá về kinh tế của tỉnh Lào Cai
Thủ tướng yêu cầu tỉnh Lào Cai tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phấn đấu tăng trưởng GRDP đạt trên 10% ngay từ năm 2025. Chú trọng duy trì, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); đồng thời thúc đẩy, tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới (phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; trí tuệ nhân tạo; chuyển đổi số; chuyển đổi xanh; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ; khai thác hiệu quả không gian rừng; tăng cường thu hút đầu tư và các ngành, lĩnh vực mới...).
Cùng với đó là đẩy mạnh phát triển các ngành, lĩnh vực, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm. Điều chỉnh hợp lý chiến lược phát triển các ngành kinh tế; ưu tiên nguồn lực cho phát triển xanh với mục tiêu xuyên suốt là: "Giữ rừng, giữ nước, giữ môi trường, giữ dân, giữ biên giới". Đẩy mạnh phát triển, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, thương mại có thế mạnh như du lịch, vận tải, logistic; đồng thời tăng cường các dịch vụ tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin...
Tiếp tục thúc đẩy kinh tế cửa khẩu trở thành điểm đột phá về kinh tế của tỉnh Lào Cai và vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Tỉnh Lào Cai và các bộ, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Quyết định số 1620/QĐ-TTg ngày 20 tháng 12 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai xây dựng Lào Cai trở thành Trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc.
Thí điểm xây dựng mô hình mới về Khu hợp tác kinh tế quan biên giới
Thủ tướng yêu cầu tỉnh Lào Cai khơi thông, huy động tối đa và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển; nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư, nhất là vốn FDI và hình thức đối tác công tư. Khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện các Đề án: Thí điểm xây dựng mô hình mới về Khu hợp tác kinh tế quan biên giới; Xây dựng cửa khẩu thông minh tại các khu cửa khẩu quốc tế Lào Cai theo Quyết định số 1620/QĐ-TTg ngày 20 tháng 12 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Tiếp tục làm tốt công tác phát triển nhà ở xã hội, bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng, môi trường, tiện ích cho người dân, trong đó có các chính sách mua, thuê mua, tạo thuận lợi nhất cho người dân. Đồng thời, hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn chậm nhất vào tháng 6 năm 2025. Phấn đấu đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống mức thấp nhất, làm cơ sở để phấn đấu đến năm 2030 sẽ cơ bản không còn hộ nghèo.
Tập trung triển khai tích cực, quyết liệt việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 18-NQ/TW. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, phát huy tính chủ động, tự lực, tự cường của các cấp; kiên quyết xóa bỏ cơ chế "xin - cho".
Xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng cao, độc đáo
Đồng thời, tỉnh phải thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)... Chú trọng khôi phục và phát triển các trường bán trú dành cho con em đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, đặc trưng của các dân tộc và con người Lào Cai. Triển khai hiệu quả công tác an sinh xã hội, bảo đảm phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Tổ chức triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Nâng cao chất lượng công tác y tế, giáo dục đào tạo; làm tốt công tác thông tin, truyền thông. Xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng cao, độc đáo gắn với truyền thống văn hóa, bản sắc, nét đẹp của thiên nhiên và con người Lào Cai.
Triển khai hiệu quả các hoạt động đối ngoại, phát triển kinh tế gắn với giữ vững an ninh, quốc phòng; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tiếp tục chú trọng xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững...
Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký Quyết định số 1712/QĐ-TTg công nhận 33 bảo vật quốc gia (đợt 13, năm 2024).
Cụ thể, 33 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia gồm:
1- Đàn đá Đắk Sơn, niên đại: Khoảng 3.500 - 3.000 năm cách ngày nay; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Đắk Nông.
2- Chõ gốm, niên đại: Văn hóa Đông Sơn (khoảng 2.500 - 2.000 năm cách ngày nay); hiện lưu giữ tại Sưu tập tư nhân Phạm Gia Chi Bảo, Thành phố Hồ Chí Minh.
3- Trống đồng Vũ Bản, niên đại: Văn hóa Đông Sơn, thế kỷ III - II TCN; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hà Nam.
4- Trống đồng Đông Sơn (Sưu tập Kính Hoa), niên đại: Thế kỷ III - II TCN; hiện lưu giữ tại Sưu tập tư nhân Nguyễn Văn Kính, thành phố Hà Nội.
5- Trống đồng Đông Sơn (Sưu tập Hoàng Long), niên đại: Thế kỷ III - II TCN; hiện lưu giữ tại Sưu tập tư nhân Lương Hoàng Long, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
6- Thạp đồng Đông Sơn (Sưu tập Hoàng Long), niên đại: Thế kỷ III -I TCN; hiện lưu giữ tại Sưu tập tư nhân Lương Hoàng Long, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
7- Bộ sưu tập trang sức vàng Lai Nghi, niên đại: Từ thế kỷ III TCN - giữa thế kỷ I; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Nam.
8- Hạt mã não hình thú Lai Nghi, niên đại: Từ thế kỷ III TCN - giữa thế kỷ I; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Nam.
9- Tượng đồng tê tê Long Giao, niên đại: Khoảng thế kỷ I - II; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Đồng Nai.
10- Đầu tượng Phật Linh Sơn Bắc, niên đại: Thế kỷ I - III; hiện lưu giữ tại Ban quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang.
11- Mộ vò Gò Cây Trâm, niên đại: Thế kỷ IV - V; hiện lưu giữ tại Ban quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo, tỉnh An Giang.
12- Tượng Avalokitesvara Bắc Bình, niên đại: Thế kỷ VIII - IX; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Thuận.
13- Phù điêu Shiva múa Phong Lệ, niên đại: Thế kỷ X; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Đà Nẵng.
14- Phù điêu Uma Chánh Lộ, niên đại: Thế kỷ XI; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Đà Nẵng.
15- Sưu tập Đầu phượng thời Lý, Hoàng thành Thăng Long, niên đại: Thế kỷ XI - XII; hiện lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội.
16- Sáu (06) Tượng Kim Cương chùa Đọi Sơn, niên đại: Thời Lý (1118 - 1121); hiện được lưu giữ tại chùa Đọi Sơn, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
17- Bia chùa Linh Xứng, niên đại: Ngày 3 tháng 3 năm Bính Ngọ, niên hiệu Thiên Phù Duệ Vũ thứ 7 (đời vua Lý Nhân Tông, 1126); hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
18- Mộc bài Đa Bối, niên đại: Ngày 25 tháng 11 năm Kỷ Tỵ, niên hiệu Thiệu Long thứ 12 (1269); hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
19- Tượng rồng Tháp Mẫm, niên đại: Thế kỷ XII - XIII; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Đà Nẵng.
20- Phù điêu Kala Núi Bà, niên đại: Thế kỷ XIV; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên.
21- Bình Ngự dụng thời Lê sơ, Hoàng thành Thăng Long, niên đại: Thế kỷ XV; hiện lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội.
22- Đôi rồng đá thành bậc đình Trích Sài, niên đại: Thế kỷ XV; hiện lưu giữ tại đình Trích Sài, phường Bưởi, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.
23- Sưu tập gốm sứ cung Trường Lạc thời Lê sơ, Hoàng thành Thăng Long, niên đại: Thế kỷ XV - XVI; hiện lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội.
24- Khánh đá chùa Điều, niên đại: Ngày tốt tháng 8 năm Nhâm Thân, niên hiệu Chính Hòa thứ 13 (đời vua Lê Hy Tông, 1692); hiện lưu giữ tại chùa Điều, xã Vũ Bản, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.
25- Đôi tượng nghê đồng, niên đại: Thế kỷ XVII; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội.
26- Chuông Ngọ Môn thời Minh Mạng, niên đại: Ngày mồng 6 tháng 4, năm Minh Mạng thứ 3 (1822); hiện lưu giữ tại Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế.
27- Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo", niên đại: Tháng 3, năm Minh Mạng thứ 4 (1823); hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, tỉnh Bắc Ninh.
28- Phù điêu thời Minh Mạng, niên đại: Năm 1829; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế.
29- Cặp tượng rồng thời Thiệu Trị, niên đại: Năm 1842; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế.
30- Bộ tượng Tam tổ Trúc Lâm, niên đại: Thế kỷ XIX; hiện thờ tại chùa Vĩnh Nghiêm, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.
31- Ngai Hoàng đế Duy Tân, niên đại: Đầu thế kỷ XX; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế.
32- Bộ kim phẩm đền Nghè, niên đại: Đầu thế kỷ XX; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hải Phòng.
33- Ba chiếc xe ô tô được sử dụng phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh, niên đại: Từ năm 1954 đến 1969; hiện lưu giữ tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch UBND các cấp nơi có bảo vật quốc gia, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, người đứng đầu ngành, tổ chức được giao quản lý bảo vật quốc gia được công nhận ở trên trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý đối với bảo vật quốc gia theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa./.