Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn 2530/VPCP-NC ngày 21/4/2022 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh về vụ cháy nhà dân tại phố Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội làm 05 người chết.
Văn bản nêu rõ, rạng sáng ngày 21/4/2022, xảy ra vụ cháy nhà dân trên địa bàn phố Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm 05 người chết và 02 người bị thương.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh gửi lời chia buồn sâu sắc tới thân nhân, gia đình người bị nạn và có ý kiến chỉ đạo như sau:
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo tổ chức thăm hỏi, động viên, có biện pháp hỗ trợ kịp thời gia đình người bị nạn; chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung khắc phục hậu quả và khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy đối với địa bàn xảy ra vụ cháy.
Bộ Công an, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, kỹ năng, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, đặc biệt là các biện pháp, giải pháp thoát nạn, cứu người để các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân biết, tự giác thực hiện; tăng cường kiểm tra, rà soát các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn, nhất là các khu nhà cao tầng, hộ gia đình, khu vực có đông dân cư sinh sống, khu công nghiệp, chợ, cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí để kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý các vi phạm về an toàn phòng cháy, chữa cháy theo quy định.
Đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, xử lý vướng mắc về mỏ vật liệu xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Công điện 366/CĐ-TTg ngày 21/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành khối lượng còn lại của công tác giải phóng mặt bằng và xử lý vướng mắc về mỏ vật liệu đất đắp nền đường của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.
Công điện gửi: Bộ Giao thông vận tải; Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh: Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang và các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Công nghiệp - Viễn thông Quân đội nêu rõ: Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (Dự án) là dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Chính phủ đã thông qua mục tiêu hoàn thành toàn bộ Dự án (gồm 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 652,86km) trong năm 2024, trong đó 04 dự án thành phần: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây phải hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2022.
Thời gian qua Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành, các địa phương đã rất tích cực triển khai Dự án, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Mặc dù, tổng thể công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) đã đạt 99,99%, các cơ quan, đơn vị đang quyết tâm, nỗ lực tổ chức thi công, tuy nhiên hiện nay vẫn còn một số tồn tại trong công tác GPMB và thủ tục cấp phép mỏ vật liệu đất đắp nền đường tại một số địa phương chưa được giải quyết dứt điểm, làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành Dự án.
1. Các tồn tại tính đến ngày 15 tháng 4 năm 2022 như sau:
a) Về công tác GPMB
- Đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu (tỉnh Nghệ An): phát sinh vướng mắc khu đất nghĩa trang Giáo xứ thuộc xã Quỳnh Trang, thị xã Hoàng Mai và 12 vị trí cột điện cao thế chưa hoàn thành di dời.
- Đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt (tỉnh Nghệ An): còn 56m (4 hộ dân huyện Hưng Nguyên) chưa thực hiện các thủ tục bồi thường, khoảng 2.725m đã bồi thường nhưng chưa bàn giao mặt bằng (huyện Diễn Châu còn 35m qua khu nghĩa trang xóm Tây Thọ, xã Diễn Thọ và 800m rừng phòng hộ xã Diễn Phú; huyện Hưng Nguyên còn 100m qua khu nghĩa trang xóm Đại Huệ, xã Hưng Tây và 1.790m qua 11 khu dân cư). Ngoài ra, còn 30 vị trí đường điện chưa hoàn thành di dời (gồm 3 vị trí điện cao thế, 12 vị trí điện trung thế và 15 vị trí điện hạ thế).
- Đoạn Cam Lộ - La Sơn: hiện còn 01 vị trí đường điện 220KV và phần mặt bằng của một số hạng mục phát sinh do điều chỉnh, xử lý kỹ thuật thuộc tỉnh Quảng Trị và 13 vị trí đường điện cao thế chưa di dời và phần mặt bằng của một số hạng mục phát sinh do điều chỉnh, xử lý kỹ thuật thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế.
- Đoạn Nha Trang - Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa): hiện còn khoảng 1,0km (10 hộ dân và vật liệu đá tập kết của 02 mỏ đá Hoá An 1, Phước Thành chưa di dời), 08 vị trí cột điện cao thế, 36 vị trí cột điện trung thế, 18 vị trí cột điện hạ thế.
- Đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo: hiện còn 01 vị trí cột điện trung thế và 50m cáp viễn thông chưa di dời thuộc tỉnh Khánh Hòa; khoảng 400m đường ống nước thuộc tỉnh Ninh Thuận.
- Đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận): hiện còn 17 vị trí cột điện cao thế 220kV - 500kV. - Đoạn Phan Thiết - Dầu Giây: hiện còn 01 vị trí cột điện 500kV, 10 cột điện hạ thế, 41 cột viễn thông nằm trên tuyến nối cao tốc với QL1A thuộc tỉnh Bình Thuận và tỉnh Đồng Nai hiện còn 01 đường điện 220kV, 01 đường điện 500kV chưa được nâng cao tĩnh không, 14 vị trí cột điện trung thế và 8.020m đường ống nước chưa di dời.
- Cầu Mỹ Thuận 2 (tỉnh Tiền Giang): hiện còn 03 vị trí cột điện cao thế chưa hoàn thành di dời.
b) Về nguồn vật liệu đất đắp nền đường
- Còn thiếu 4,1 triệu m3 chưa hoàn thành thủ tục cấp giấy phép khai thác: Đoạn Mai Sơn - QL45 (tỉnh Ninh Bình) thiếu khoảng 0,4 triệu m3; đoạn Nha Trang - Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa) thiếu khoảng 0,8 triệu m3; đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo (tỉnh Ninh Thuận) thiếu khoảng 2,0 triệu m3; đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) thiếu khoảng 0,9 triệu m3.
- Còn 03 mỏ đất với tổng trữ lượng 1,34 triệu m3 tại tỉnh Bình Thuận thuộc đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã được cấp phép nhưng chưa được khai thác do đang hoàn tất các thủ tục thuê đất, nộp các khoản thuế, phí và thực hiện bồi thường nhà cửa, vật kiến trúc, cây cối, hoa màu trên đất,...
2. Để đảm bảo mục tiêu hoàn thành Dự án, đặc biệt là 04 dự án thành phần hoàn thành năm 2022, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
a) Các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quyết tâm, nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Khẩn trương hoàn thành khối lượng còn lại của công tác GPMB nêu trên để bàn giao toàn bộ mặt bằng cho Dự án trong tháng 4 năm 2022.
- Chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các chủ sở hữu, sử dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật để hoàn thành di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật đáp ứng tiến độ bàn giao mặt bằng nêu trên.
- Chủ động xử lý các vướng mắc, kiến nghị liên quan đến công tác GPMB thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh và địa phương.
- Đẩy nhanh tiến độ giải quyết các điều kiện, thủ tục về giấy phép đối với các mỏ vật liệu còn lại theo quy định đáp ứng đủ nhu cầu vật liệu phục vụ thi công Dự án; rút ngắn các thủ tục hành chính trong thuê đất, nộp phí, lệ phí. Riêng đối với địa bàn tỉnh Ninh Bình và tỉnh Bình Thuận cần hỗ trợ giải quyết dứt điểm các vướng mắc về vật liệu đất đắp nền đường cung cấp cho đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 và đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết hoàn thành trong tháng 4 năm 2022; vận động người dân tạo điều kiện cho Nhà thầu có thể khai thác vật liệu đất từng phần ngay sau khi thực hiện bồi thường các loại nhà cửa, vật kiến trúc, cây cối, hoa màu,... (không phải chờ đến khi hoàn thành bồi thường toàn bộ diện tích mỏ mới được khai thác).
- Thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, tùy tiện nâng giá, ép giá vật liệu xây dựng; công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng hằng tháng đảm bảo có đầy đủ các loại vật liệu xây dựng cho công trình giao thông, phản ánh đúng mặt bằng giá thị trường và mức độ biến động giá vật liệu xây dựng tại khu vực xây dựng Dự án.
b) Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các Ban quản lý dự án và các Nhà thầu:
- Phối hợp chặt chẽ với các địa phương, chủ quản lý, sử dụng công trình hạ tầng kỹ thuật cần di dời trong quá trình thực hiện công tác GPMB, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật bảo đảm tiến độ hoàn thành nêu trên.
- Chủ động rà soát các tồn tại, vướng mắc phát sinh về GPMB và nguồn vật liệu cung cấp cho từng Dự án, kịp thời làm việc với các địa phương để giải quyết, tháo gỡ.
c) Các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Công nghiệp - Viễn thông Quân đội khẩn trương chỉ đạo các chủ quản lý, chủ sử dụng công trình hạ tầng điện, đường cáp viễn thông thuộc phạm vi quản lý, đẩy nhanh tiến độ di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật còn lại bảo đảm tiến độ hoàn thành bàn giao mặt bằng.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị liên quan, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc chậm bàn giao mặt bằng và hoàn thành xử lý vướng mắc về mỏ vật liệu đất đắp nền đường làm ảnh hưởng đến tiến độ Dự án.
Đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác cai nghiện ma túy
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký Công điện số 365/CĐ-TTg ngày 21/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ gửi Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an, Tài chính, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác xác định tình trạng nghiện ma túy và cai nghiện ma túy theo Luật Phòng, chống ma túy năm 2021.
Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022, góp phần quan trọng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực phòng, chống ma túy. Tuy nhiên, quá trình triển khai công tác xác định tình trạng nghiện và cai nghiện ma túy theo quy định mới còn bộc lộ một số hạn chế.
Để tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, xác định tình trạng nghiện, quản lý sau cai, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1- Bộ Y tế:
- Khẩn trương công bố danh sách cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy thuộc thẩm quyền quản lý; tổ chức tập huấn chuyên môn về xác định tình trạng nghiện ma túy theo quy định.
- Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách bảo đảm 100% phòng y tế tại các cơ sở cai nghiện công lập đủ điều kiện là cơ sở xác định tình trạng nghiện.
2- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Chỉ đạo tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyên sâu đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống ma túy và Nghị định số 116/2021/NĐ-CP để kịp thời khắc phục tình trạng tạm dừng tiếp nhận hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc chậm thẩm định hồ sơ để chờ hướng dẫn gây khó khăn cho việc đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Khẩn trương rà soát, xây dựng kế hoạch đầu tư, nâng cấp cơ sở cai nghiện ma túy đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị và phương tiện theo quy định của Nghị định số 116/2021/NĐ-CP.
- Phối hợp với Bộ Y tế có phương án bổ sung đội ngũ bác sĩ cho các phòng y tế thuộc cơ sở cai nghiện công lập đủ điều kiện thực hiện xác định tình trạng nghiện theo quy định tại Nghị định số 109/2021/NĐ-CP.
- Hướng dẫn các địa phương tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo các quy định mới.
3- Bộ Công an: Phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo thực hiện các biện pháp cai nghiện và xác định tình trạng nghiện, lập hồ sơ đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định; làm tốt công tác quản lý sau cai, quản lý, giáo dục người nghiện tại địa bàn cơ sở, nhất là các đối tượng có biểu hiện "ngáo đá", "loạn thần" không để xảy ra các vụ việc gây mất an ninh trật tự xã hội.
4- Bộ Tài chính: Khẩn trương ban hành văn bản quy định, hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ ngân sách nhà nước thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.
5- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Chỉ đạo tổ chức tập huấn cấp chứng nhận về xác định tình trạng nghiện ma túy cho đội ngũ cán bộ y tế công tác tại cơ sở y tế tuyến tỉnh trở xuống theo quy định của Nghị định số 109/2021/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 18/2021/TT-BYT của Bộ Y tế.
- Tổ chức sử dụng có hiệu quả số cán bộ y tế đã được cấp chứng nhận về xác định tình trạng nghiện ma túy; ưu tiên bố trí bảo đảm nguồn nhân lực xác định tình trạng nghiện ma túy cho tuyến cơ sở, cấp xã; chỉ đạo các cơ sở y tế cấp xã, cấp huyện đăng ký cung cấp dịch vụ điều trị, cắt cơn nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.
- Chỉ đạo UBND cấp huyện giao nhiệm vụ cho các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và thực hiện đầy đủ các quy định tại khoản 6, Điều 30, Luật Phòng, chống ma túy.
- Ưu tiên bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách của địa phương cho công tác cai nghiện ma túy, xác định tình trạng nghiện ma túy, lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện, tổ chức cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện.
Tăng cường chỉ đạo công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và quản lý sau cai, không để phát sinh phức tạp về an ninh trật tự do người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy gây ra trên địa bàn.
Hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội
Ngày 21/4, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 57/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội.
Nghị quyết nêu rõ, trong những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã quan tâm, từng bước hoàn thiện, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách giúp thúc đẩy liên kết vùng. Các chủ thể liên quan, bao gồm các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hiệp hội, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo, hộ gia đình... đã tham gia tích cực hơn vào các hoạt động liên kết vùng. Cơ chế thực thi chính sách liên kết vùng bước đầu phát huy được hiệu lực và hiệu quả.
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của liên kết vùng, tạo không gian phát triển mới, có tính gắn kết, liền mạch hơn, góp phần tích cực vào quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động và nỗ lực phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh, đổi mới, sáng tạo và tăng cường liên kết vùng vì sự phát triển chung của đất nước và của vùng, đồng thời quán triệt các quan điểm và nghiêm túc thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội.
Tăng cường chia sẻ thông tin và tiếp cận thông tin
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ đã được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao trong Nghị quyết số 128/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển vùng kinh tế trọng điểm; Nghị quyết số 99/NQ-CP về đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực; Quyết định số 825/QĐ-TTg về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020-2025; Chỉ thị số 19/CT-TTg về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; Chỉ thị số 25/CT-TTg về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 19/11/2019 về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững vùng miền Trung, định kỳ 06 tháng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Rà soát các quy hoạch liên quan (trong thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của mình) để điều chỉnh hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng mới hoặc điều chỉnh các quy hoạch ngành phù hợp với nhu cầu phát triển của vùng và Luật Quy hoạch 2017.
Chủ động phối hợp trong xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin của bộ, ngành, địa phương và thông tin vùng nhằm hướng tới tăng cường chia sẻ thông tin và tiếp cận thông tin, tạo điều kiện cho nâng cao tần suất, hiệu quả phối hợp giữa các địa phương trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, biến đổi khí hậu nhằm mục tiêu chung và thúc đẩy sự phát triển bền vững của các vùng.
Tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy của cán bộ, công chức, viên chức liên quan về lợi ích của liên kết vùng và các hệ lụy do thiếu hợp tác đối với nền kinh tế quốc gia, vùng và địa phương. Rà soát, kiện toàn trong hoạt động đầu tư nâng cấp, tăng cường tiềm lực đối với các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu thuộc các bộ, ngành trung ương đóng tại các vùng kinh tế - xã hội để các cơ sở này có đủ năng lực và điều kiện để giải quyết các vấn đề đặt ra của vùng. Thường xuyên trao đổi, đối thoại với các bộ, ngành, địa phương tham gia điều phối vùng và cộng đồng doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu, các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng và triển khai chính sách phát triển vùng, từ đó có giải pháp hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ kịp thời.
Hoàn thành Quy hoạch các vùng kinh tế - xã hội trong quý IV năm 2022
Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thành xây dựng và trình phê duyệt Quy hoạch các vùng kinh tế - xã hội trong quý IV năm 2022 theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí hoặc hướng dẫn lựa chọn các dự án mang tính chất liên vùng; trên cơ sở đó rà soát, tổng hợp danh mục chương trình, dự án kết nối, có tác động liên vùng đảm bảo phù hợp với định hướng Quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 khi có chủ trương của cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, hằng năm rà soát, xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng.
Chủ trì, làm việc với các đối tác phát triển và các nhà tài trợ xây dựng Chương trình hỗ trợ đầu tư các dự án liên kết vùng giai đoạn 2021 - 2025 (nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi,...), trong đó ưu tiên hỗ trợ đầu tư các dự án trong lĩnh vực giao thông, thủy lợi, quản lý và bảo vệ tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu,... và hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách vùng…
Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương có liên quan nghiên cứu cơ chế phân chia lợi ích, chia sẻ tài chính và các nguồn thu từ các chương trình, dự án liên kết vùng. Chủ trì, nghiên cứu báo cáo Chính phủ đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và các văn bản hướng dẫn dưới luật tạo cơ chế thuận lợi cho việc phối hợp nguồn lực giữa các địa phương nhằm thực hiện các mục tiêu chung của vùng, sau khi Bộ Chính trị thông qua Đề án "Đổi mới cơ chế phân cấp quản lý, phân bổ ngân sách nhà nước để bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và chủ động của ngân sách địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan".
Bộ Giao thông vận tải tập trung nguồn lực nhà nước và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, đồng bộ hóa hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, tạo liên kết vùng như: các công trình trên trục hướng tâm, các vành đai, các đường kết nối cảng biển và hành lang vận tải quốc tế.
Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng đề án thành lập trung tâm vùng để cảnh báo ô nhiễm xuyên biên giới phía Bắc; trung tâm thông tin dữ liệu về tài nguyên và môi trường vùng đồng bằng sông Cửu Long và trung tâm nghiên cứu quốc tế về rác thải nhựa biển.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, dự báo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; định hướng về việc làm, giáo dục nghề nghiệp cho người lao động phù hợp từng địa phương tham gia liên kết vùng.
Các địa phương chủ động triển khai liên kết vùng
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động đề ra giải pháp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm phát triển vùng và chủ động triển khai liên kết vùng; kịp thời đề xuất với các cấp có thẩm quyền những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách vùng. Chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tiến hành rà soát, xây dựng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050, hoàn thành trong quý IV năm 2022. Chủ động huy động tối đa các nguồn lực, kết hợp nguồn vốn giữa trung ương và địa phương, tranh thủ nguồn vốn ODA, vốn tư nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai các dự án trọng điểm, có tính đột phá tạo ra liên kết vùng trên địa bàn tỉnh, thành phố…
Xử lý vướng mắc cho thuê kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia
Về đề nghị của Bộ Giao thông vận tải, ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về việc xử lý vướng mắc trong hoạt động cho thuê và nguồn thu từ cho thuê kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, tại văn bản 2524/VPCP-CN ngày 21/4/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành có ý kiến như sau:
Trong khi chờ Đề án quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đồng ý giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải kịp thời hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp liên quan trong việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, bảo đảm giao thông vận tải đường sắt thông suốt, an toàn, hệ thống mạng viễn thông ổn định và có nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Thành phố Sóc Trăng là đô thị loại II
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Quyết định số 496/QĐ-TTg công nhận thành phố Sóc Trăng là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Sóc Trăng.
Ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 497/QĐ-TTg ngày 21/4/2022 ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 25/9/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Mục đích của kế hoạch là quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, tạo chuyển biến, thống nhất về nhận thức và hành động, đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị có liên quan và địa phương đối với công tác khí tượng thủy văn, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế, chính sách và bố trí nguồn lực đầu tư cho công tác khí tượng thủy văn, đáp ứng yêu cầu phát triển, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng thời, xác định, cụ thể hóa các nhiệm vụ chủ yếu, khả thi nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 10-CT/TW trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương.
6 nhiệm vụ trọng tâm
Tại Quyết định, Phó Thủ tướng phân công các Bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm: 1- Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phổ biến, nâng cao nhận thức và hiệu quả khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu khí tượng thủy văn; 2- Hiện đại hóa hệ thống quan trắc, thông tin, dữ liệu và nâng cao năng lực, chất lượng công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; 3- Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách; 4- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực khí tượng thủy văn; 5- Phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực dành cho công tác khí tượng thủy văn; 6- Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và thúc đẩy hợp tác quốc tế.
Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và cơ quan có liên quan đẩy mạnh chuyển đổi số lĩnh vực khí tượng thủy văn, xây dựng cơ sở dữ liệu khí tượng thuỷ văn quốc gia tập trung, liên thông với cơ sở dữ liệu tài nguyên môi trường, cơ sở dữ liệu quốc gia về phòng, chống thiên tai và các cơ sở dữ liệu chung của quốc gia.
Bộ Tài nguyên và Môi trường ưu tiên đầu tư công nghệ quan trắc, dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn theo hướng hiện đại, đồng bộ, tự động hóa, tích hợp đa mục tiêu, đặc biệt là dự báo mưa, lũ, khí tượng thủy văn biển.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ ngành, địa phương liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về khí tượng thủy văn…
Tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2022
Tại Công văn số 2528/VPCP-KTTH ngày 21/4/2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đồng ý Chính phủ phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2022 (Diễn đàn).
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương trong việc tổ chức Diễn đàn; tổng hợp các nội dung, tài liệu tham luận của các cơ quan của Chính phủ tại các Hội thảo chuyên đề và Phiên toàn thể và đối thoại chính sách cấp cao của Diễn đàn; chủ trì, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và các cơ quan liên quan dự thảo nội dung phát biểu chỉ đạo và các nội dung trao đổi của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên toàn thể và đối thoại chính sách cấp cao, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 28/4/2022.
Các Bộ, cơ quan: Lao động – Thương binh và Xã hội, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để chuẩn bị nội dung thuộc lĩnh vực theo dõi; cử Lãnh đạo cơ quan đồng chủ trì các Hội thảo chuyên đề theo đề nghị của Ban Kinh tế Trung ương và tham dự Phiên toàn thể và đối thoại chính sách cấp cao của Diễn đàn.
Điều chỉnh thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 21/4/2022 điều chỉnh một số thành viên tham gia Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai tại Quyết định số 1527/QĐ-TTg ngày 14/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai.
Cụ thể, ông Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an làm Ủy viên Ban chỉ đạo thay ông Nguyễn Văn Sơn.
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương làm Ủy viên Ban chỉ đạo thay ông Đặng Hoàng An.
Ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông làm Ủy viên Ban chỉ đạo thay ông Phan Tâm.
Ông Phạm Quang Hiệu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao làm Ủy viên Ban chỉ đạo thay ông Tô Anh Dũng.
Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam làm Ủy viên Ban chỉ đạo thay bà Nguyễn Thị Hòa.
Ông Trần Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam làm Ủy viên Ban chỉ đạo thay ông Nguyễn Hải Anh.
Ông Hoàng Hữu Chiến, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng làm Ủy viên Ban chỉ đạo thay ông Lê Quang Đạo.
Gặp gỡ doanh nghiệp, trao đổi về Chiến lược ngành công nghiệp ô tô Việt Nam
Theo văn bản số 2506/VPCP-CN ngày 21/4/2022 của Văn phòng Chính phủ, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) có văn bản gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về việc đề xuất Chiến lược ngành công nghiệp ô tô Việt Nam theo xu hướng thế giới và góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành giao Bộ trưởng Bộ Công Thương gặp gỡ, trao đổi về các đề xuất, kiến nghị của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam để có giải pháp đồng bộ phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao; báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vượt thẩm quyền.
Xây dựng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam ngày một lớn mạnh
Với mong muốn xây dựng một ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam ngày một lớn mạnh và đóng góp ngày một đáng kể cho nền kinh tế, đồng thời cũng bám sát với xu hướng công nghệ và sự chuyển đổi của ngành công nghiệp ô tô trên thế giới, Hiệp hội VAMA đề xuất trao đổi những nội dung: Chương trình phát triển xe ô tô sử dụng điện và lộ trình chuyển đổi từ xe chạy xăng, dầu sang xe sử dụng điện, chương trình hành động để thực hiện cam kết COP26; kiến nghị về những khó khăn trong quá trình thực hiện những quy định của Luật Bảo vệ Môi trường liên quan đến sản phẩm hết niên hạn sử dụng và quy trình tái chế; đề xuất các chính sách để thúc đẩy thị trường, mở rộng sản xuất ô tô, công nghiệp phụ trợ trong nước./.