• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 24/1/2025

(Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 24/1/2025.

24/01/2025 19:37
Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 24/1/2025- Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng và địa phương liên quan thực hiện các giải pháp xử lý triệt để các nguồn thải gây ô nhiễm lưu vực sông Cầu.

Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách tăng cường công tác kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước một số lưu vực sông 

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Chỉ thị số 2/CT-TTg ngày 24/1/2025 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách tăng cường công tác kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước một số lưu vực sông.

Nhằm tăng cường hiệu quả công tác kiểm soát, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường nước các lưu vực sông, thực thi hiệu quả các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tiến tới giảm thiểu và xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm nước tại một số điểm nóng trên các lưu vực sông, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện quyết liệt những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên địa bàn các lưu vực sông khẩn trương thống kê và phân loại các nguồn thải trên địa bàn có tác động đến chất lượng nước các lưu vực sông, lập danh mục (theo loại hình và quy mô xả thải) để kiểm soát chặt chẽ, gửi danh mục nguồn thải về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp trước ngày 31 tháng 12 năm 2025.

Tổ chức thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, gửi báo cáo kết quả thực hiện năm 2024 cho Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30 tháng 6 năm 2025 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch cấp tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đầu tư đồng bộ công trình hạ tầng về bảo vệ môi trường cho các khu đô thị, khu dân cư tập trung, làng nghề, cụm công nghiệp; bố trí quỹ đất và triển khai các thủ tục đầu tư, nâng cấp hạ tầng bảo vệ môi trường theo quy hoạch được phê duyệt; ban hành đơn giá dịch vụ xử lý nước thải; đầu tư kinh phí, hoàn thành đúng tiến độ các dự án, nhiệm vụ bảo vệ môi trường lưu vực sông đã được phê duyệt. Mục tiêu đến ngày 31 tháng 12 năm 2025, 92% các khu công nghiệp, 60% cụm công nghiệp trên địa bàn có hạ tầng thu gom và xử lý nước thải tập trung vận hành đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; 100% các làng nghề có phát sinh nước thải sản xuất có phương án thu gom và xử lý nước thải tập trung, 50% nước thải từ các làng nghề được thu gom và xử lý; 30% nước thải sinh hoạt (NTSH) đô thị được thu gom và xử lý; 40% NTSH nông thôn được xử lý bằng các biện pháp tập trung hoặc phân tán phù hợp.

Tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên đề về chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở do Bộ cấp phép môi trường

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tổng hợp danh mục các nguồn thải có lưu lượng xả nước thải từ 200 m3/ngày đêm trở lên vào các lưu vực sông cần được kiểm soát chặt chẽ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 6 năm 2025; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện các biện pháp kiểm soát các nguồn thải lớn gây ô nhiễm các lưu vực sông.

Tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên đề về chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở do Bộ cấp phép môi trường và xử lý vi phạm theo quy định; tổng hợp kết quả công tác thanh tra, kiểm tra trên các lưu vực sông, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 6 năm 2025.

Rà soát mạng lưới các điểm quan trắc, bổ sung các điểm, trạm quan trắc (bao gồm cả tự động, liên tục) tại vị trí đặc biệt ô nhiễm; trường hợp mực nước thấp, dòng chảy lưu thông kém, thông báo kịp thời cho cơ quan, đơn vị liên quan để điều tiết hoạt động bổ cập nước, tạo nguồn nhằm tăng khả năng tự làm sạch của sông...

Rà soát hạ tầng thu gom và xử lý nước thải tại toàn bộ các đô thị từ loại V trở lên

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương trên các lưu vực sông rà soát hạ tầng thu gom và xử lý nước thải tại toàn bộ các đô thị từ loại V trở lên, đề xuất phương án, giải pháp thúc đẩy các dự án đầu tư xây dựng nhà máy thu gom, xử lý NTSH tập trung, rà soát đơn giá, định mức, đề xuất cơ chế tài chính đối với dịch vụ thu gom, xử lý nước thải nhằm thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, vận hành hệ thống xử lý nước thải, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 6 năm 2025.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo đánh giá mức độ tác động từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp đến môi trường nước tại các lưu vực sông trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ lần thứ nhất trước ngày 30 tháng 6 năm 2025 và cập nhật thông tin hàng năm; đề xuất giải pháp tuần hoàn, sử dụng hợp lý tài nguyên nước (bao gồm cả các loại nước thải) trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Chỉ đạo hoàn thiện và thực hiện quy chế tiếp nhận thông tin để vận hành quy trình điều tiết, bổ cập nước (thông qua hệ thống các trạm bơm, trạm bơm dã chiến) cho các dòng chảy (đặc biệt vào mùa khô) thuộc các lưu vực sông; chỉ đạo xây dựng, điều chỉnh quy trình vận hành hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, trong đó, bổ sung yêu cầu đối với việc duy trì dòng chảy tối thiểu liên tục trong hệ thống, hoàn thành trước ngày 30 tháng 6 năm 2025.

Xử lý nghiêm trường hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường

Bộ Công an tổ chức các hoạt động điều tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với việc xả nước thải, chất thải rắn gây ô nhiễm nguồn nước các lưu vực sông trên; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường để xử lý nghiêm và công khai một số trường hợp điển hình cố tình chây ỳ, không chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, tạo hiệu ứng răn đe trong cộng đồng doanh nghiệp; xem xét xử lý hình sự đối với các hành vi cố tình xả thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo thẩm quyền rà soát các cơ chế, chính sách hiện hành về thu hút đầu tư, xã hội hóa các hoạt động trong lĩnh vực môi trường, trong đó bao gồm thu hút đầu tư, xã hội hóa đầu tư hệ thống thu gom, xử lý NTSH tập trung, phi tập trung, kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới để phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 6 năm 2025; đề xuất phân bổ nguồn lực từ ngân sách nhà nước và các nguồn đầu tư khác (nguồn chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn dự án hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)...) ưu tiên cho xây dựng hạ tầng thu gom, xử lý NTSH tập trung tại các đô thị loại V trở lên theo quy định của Luật Đầu tư công.

Bộ Tài chính nghiên cứu và rà soát phí bảo vệ môi trường đối với nước thải nhằm nâng cao trách nhiệm của đối tượng gây ô nhiễm, tạo nguồn thu vào ngân sách nhà nước để sử dụng cho các hoạt động khắc phục tình trạng ô nhiễm tại các lưu vực sông theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho một số lưu vực sông

Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng đưa ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho một số lưu vực sông.

Cụ thể, đối với lưu vực sông cầu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, UBND thành phố Hà Nội khẩn trương chỉ đạo, thực hiện các giải pháp xử lý triệt để các nguồn thải gây ô nhiễm lưu vực sông, tập trung xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm sông Ngũ Huyện Khê trên địa bàn tỉnh mình, bao gồm: (i) Hoàn thiện hệ thống thu gom để vận hành nhà máy xử lý nước thải làng nghề Phong Khê, hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm 2025; (ii) Vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung của cụm công nghiệp Phú Lâm trước ngày 31 tháng 3 năm 2025; đấu nối, thu gom, xử lý nước thải của cụm công nghiệp Phong Khê 1, 2, hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm 2025; (iii) Buộc các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động tại các làng nghề Phong Khê, Châu Khê, Hương Mạc, Phù Khê, Đồng Quang và các cụm công nghiệp Phú Lâm, Phong Khê 2 phải đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định; hoặc phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải hoặc di dời vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã có đầy đủ cơ sở hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường; (iv) Xử lý các điểm tập kết chất thải rắn không đúng quy định dọc sông Ngũ Huyện Khê; (v) Tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước tại làng nghề Phong Khê, cụm công nghiệp Phú Lâm; (vi) Xem xét tạm thời không cấp phép đầu tư mới hoặc cho phép mở rộng quy mô sản xuất đối với các cở sở có nguồn thải vào sông Ngũ Huyện Khê; (vii) Lập kế hoạch thực hiện để đến năm 2025, các cơ sở hiện đang hoạt động có xả nước thải vào sông Ngũ Huyện Khê có phương án xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng nước mặt hoặc có phương án tuần hoàn, tái sử dụng, không làm phát sinh nước thải.

UBND tỉnh Thái Nguyên xây dựng lộ trình và triển khai các biện pháp khắc phục dứt điểm tình trạng ô nhiễm tại điểm cầu Bóng Tối, hoàn thành và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31 tháng 12 năm 2025.

Đối với lưu vực sông Nhuệ - Đáy, UBND thành phố Hà Nội tập trung xây dựng và triển khai các dự án thu gom, xử lý NTSH; cải tạo phục hồi môi trường nước, nạo vét, khơi thông dòng chảy các đoạn sông nội đô (Tô Lịch, Nhuệ, Lừ, Sét, Kim Ngưu) đang bị ô nhiễm nặng; điều chỉnh quy trình vận hành cống Thanh Liệt và trạm bơm Yên Sở; đẩy nhanh tiến độ xây dựng trạm bơm Liên Mạc, hoàn thành trước ngày 31/12/2025; đẩy nhanh tiến độ xây dựng trạm xử lý nước thải Yên Xá công suất 270.000 m3/ngày đêm, đưa vào vận hành chính thức trước ngày 30 tháng 6 năm 2025; rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành đập Đồng Quan, hoàn thành trước ngày 30 tháng 6 năm 2025.

UBND tỉnh Hà Nam hoàn thiện hệ thống thu gom thoát nước và xử lý nước thải khu đô thị, khu dân cư tập trung; vận hành hiệu quả các trạm xử lý nước thải đã được đầu tư xây dựng; xử lý dứt điểm các hộ sản xuất có phát sinh nước thải tẩy, nhuộm tại làng nghề Nha Xá; rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành trạm bơm cầu Nhật Tựu, Hoành Uyển, hoàn thành trước ngày 30 tháng 6 năm 2025; tổ chức xây dựng và triển khai các dự án cải tạo phục hồi môi trường, khơi thông dòng chảy nhằm giải quyết ô nhiễm nước sông Châu Giang, hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm 2025; thực hiện giải pháp chuyển nguồn cấp nước sinh hoạt cho các nhà máy cấp nước của tỉnh từ các nguồn nước sạch thay thế (sông Hồng).

UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo hoàn thành xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu xử lý, chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt cho thành phố Hòa Bình và các huyện lân cận.

Đối với lưu vực sông Đồng Nai, UBND Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng và vận hành các dự án thoát nước, xử lý nước thải và các dự án cải tạo phục hồi môi trường nước, khơi thông dòng chảy tại các đoạn sông chảy qua các khu vực đô thị, đặc biệt là điểm nóng ô nhiễm trên sông Sài Gòn (đoạn từ cửa sông Thị Tính về phía hạ lưu), hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm 2025; phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm tại tuyến giáp ranh trên kênh Ba Bò, khu vực tuyến Suối Cái (Suối Nhum - Suối Xuân Trường - Suối Cái), hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm 2025.

Đối với hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, các Bộ, UBND 04 tỉnh, thành phố trên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải nghiêm túc thực hiện các yêu cầu, chỉ đạo tại Thông báo số 315/TB-VPCP ngày 09 tháng 8 năm 2023 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Hội nghị về xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, định kỳ tổng hợp thông tin gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo tổ chức đầu tư xây dựng và vận hành hiệu quả trạm bơm Xuân Quan, hoàn thành trước ngày 30 tháng 6 năm 2025, thông báo rộng rãi kế hoạch vận hành các trạm bơm dã chiến để bổ cập nước để các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải biết, điều tiết việc sử dụng nước.

UBND 04 tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức triển khai các hoạt động nạo vét, dọn vệ sinh, khơi thông dòng chảy, nâng cấp sửa chữa hệ thống đê, cống, trạm bơm và các công trình thủy lợi trên địa bàn, hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm 2025; triển khai các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, nhằm hạn chế tối đa các nguồn thải phân tán từ hoạt động sinh hoạt và nông nghiệp đưa trực tiếp vào nguồn nước.

UBND thành phố Hà Nội: (i) Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật thu gom và xử lý NTSH từ các khu đô thị, khu dân cư tập trung và các cụm dân cư phân tán khu vực nông thôn, đặc biệt là từ khu vực quận Long Biên, huyện Gia Lâm thải vào khu vực sông cầu Bây; tổ chức triển khai Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp sông cầu Bây, đảm bảo hoàn thành trong năm 2025; (ii) Đầu tư xây dựng 03 nhà máy xử lý nước thải trên địa bàn quận Long Biên (Nhà máy xử lý nước thải Phúc Đồng, An Lạc và Yên Viên) nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm sông cầu Bây, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung khu đô thị Việt Hưng, Long Biên; (iii) Duy trì, vận hành hiệu quả trạm quan trắc môi trường nước mặt tự động liên tục trên sông cầu Bây tại Trạm bơm Am, thôn Ngọc Động, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm.

UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo đẩy nhanh xây dựng đường ống thu gom tách riêng nước thải đô thị về trạm xử lý nước thải tập trung, hoàn thành trước ngày 30 tháng 6 năm 2025; kiểm soát chất lượng nước và xử lý các nguồn thải gây ô nhiễm nguồn nước các nhánh sông Sặt, Cửu An, Cầy Lường và các kênh T1, T2.

UBND tỉnh Hưng Yên chỉ đạo triển khai quyết liệt Đề án thu gom, xử lý NTSH nhằm giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải trên địa bàn tỉnh; kiểm soát chất lượng nước các nhánh sông Bần Vũ Xá, Đình Dù và kênh Trần Thành Ngọ.

UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo kiểm soát chất lượng nước các nhánh sông Đông Côi, Đồng Khởi, Đại Quảng Bình, Ngụ, Dâu và Bùi.

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 24/1/2025- Ảnh 2.

Khánh Hòa thúc đẩy phát triển nuôi biển công nghệ cao.

Phê duyệt Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa 

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 231/QĐ-TTg ngày 24/1/2025 phê duyệt Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa.

Phát triển nuôi biển theo hướng tăng năng suất, nâng cao thu nhập của người dân

Mục tiêu chung của Đề án là phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển (nuôi biển) tỉnh Khánh Hoà theo hướng: (1) góp phần tăng năng suất, giá trị ngành nuôi trồng thủy sản và nâng cao thu nhập của người dân nuôi biển và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan thông qua việc giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện kinh tế - xã hội, hướng tới xuất khẩu thủy sản với tiêu chuẩn cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu; (2) bảo vệ môi trường biển, hướng tới phát triển kinh tế biển bền vững, từng bước hình thành vùng nuôi biển từ 3 đến 6 hải lý, vừa đảm bảo phát triển kinh tế biển, vừa giảm áp lực nuôi biển ven bờ; (3) bảo đảm giảm thiểu xung đột về không gian phát triển giữa các ngành kinh tế tại các khu vực nuôi biển.

Thời gian thí điểm nuôi biển công nghệ cao đến hết năm 2029, với mục tiêu cụ thể:

- Vùng biển đến 3 hải lý: diện tích thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao đạt 240 ha, sản lượng đạt hơn 3.600 tấn.

- Vùng biển từ 3 đến 6 hải lý, diện tích thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao đạt 200 ha, sản lượng đạt hơn 5.100 tấn.

Phát triển sản xuất giống phục vụ nuôi biển công nghệ cao

Nhiệm vụ của Đề án gồm: Phát triển sản xuất giống phục vụ nuôi biển công nghệ cao; phát triển công nghệ nuôi thương phẩm; quan trắc môi trường, chủ động phòng chống dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu; dịch vụ hậu cần nuôi biển; chuyển đổi công nghệ nuôi biển đến 3 hải lý.

Trong đó, Đề án ưu tiên nghiên cứu, chọn tạo giống phục vụ nuôi biển phù hợp với kế hoạch phát triển của tỉnh, tập trung: Nhóm cá biển (cá song/mú, cá vược/chẽm, cá chim vây vàng); Nhóm giáp xác (tôm hùm xanh, tôm hùm bông); Nhóm nhuyễn thể (mực, hàu…); Nhóm rong tảo biển (rong câu chỉ vàng, rong sụn, rong mứt, tảo biển…) và các đối tượng khác phục vụ nuôi biển.

Quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác nguồn giống thủy sản, đặc biệt quan tâm bảo vệ, khai thác hợp lý đối với một số giống loài nuôi biển đang phụ thuộc vào nguồn giống tự nhiên (như tôm hùm bông, tôm hùm xanh), đảm bảo không xâm hại đến nguồn lợi tự nhiên và phát triển bền vững.

Đồng thời, ứng dụng và phát triển các công nghệ tiên tiến như: công nghệ Internet kết nối vạn vật (IoT) giám sát vật nuôi và an ninh, công nghệ năng lượng mặt trời, công nghệ cho ăn tự động, công nghệ giám sát môi trường tự động, công nghệ vật liệu mới vào nuôi biển nhằm tạo sản phẩm giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường và phát triển xanh.

Xây dựng tiêu chí, phân loại lồng bè ở các mức tiêu chuẩn, công nghệ cao khác nhau (phù hợp khu vực, vùng nuôi, quy mô nuôi, cấp bão chịu đựng,...) để áp dụng trên địa bàn tỉnh.

Nghiên cứu, áp dụng các biện pháp bảo vệ an toàn cho lồng bè, an toàn cho người lao động tham gia nuôi biển trước các điều kiện thời tiết không thuận lợi (gió, bão,...); nghiên cứu, ứng dụng và phát triển nuôi biển tích hợp đa đối tượng, có kết hợp với du lịch biển trong điều kiện đặc thù của vùng biển tỉnh Khánh Hòa...

Áp dụng công nghệ 4.0 nâng cao hiệu quả công tác quan trắc, cảnh báo sớm tác động môi trường và phòng chống dịch bệnh

Đề án áp dụng những thành tựu của công nghệ 4.0 nâng cao hiệu quả công tác quan trắc, cảnh báo sớm tác động môi trường và phòng chống dịch bệnh trên các đối tượng nuôi biển. Tiến tới xây dựng, vận hành hệ thống quan trắc cảnh báo sớm môi trường, dịch bệnh nghề nuôi biển một cách chủ động.

Đầu tư và áp dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào quản lý và sản xuất ở những vùng nuôi biển tập trung, hạn chế rủi ro, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo phát triển sản xuất bền vững...

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 24/1/2025- Ảnh 3.

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Thành lập và phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam.

Phê duyệt Đề án Thành lập và phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 232/QĐ-TTg ngày 24/1/2025 phê duyệt Đề án Thành lập và phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam.

Mục tiêu chung của Đề án là phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đã cam kết tại Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, tạo dòng tài chính mới cho hoạt động cắt giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam ở trong nước và trên thị trường thế giới, phát triển nền kinh tế các-bon thấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Đề án đặt mục tiêu đến trước tháng 6 năm 2025: Từng bước xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ các-bon và cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon, đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thí điểm sàn giao dịch các-bon; xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ tổ chức vận hành thị trường các-bon.

Năng lực quản lý, tổ chức vận hành thị trường các-bon của cơ quan quản lý nhà nước, năng lực và nhận thức của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đáp ứng việc sẵn sàng tham gia thị trường các-bon.

Theo Đề án, hàng hóa trên thị trường các-bon gồm 02 loại:

1- Hạn ngạch phát thải khí nhà kính, được phân bổ cho các cơ sở thuộc Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo phương thức miễn phí và phương thức đấu giá.

2- Tín chỉ các-bon được xác nhận giao dịch trên thị trường, trong đó gồm:

- Tín chỉ các-bon thu được từ chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước theo quy định của pháp luật;

- Tín chỉ các-bon thu được từ chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon quốc tế: Tín chỉ các-bon thu được từ Cơ chế phát triển sạch (CDM); Tín chỉ các-bon thu được từ Cơ chế tín chỉ chung (JCM); Tín chỉ các-bon thu được theo Cơ chế theo Điều 6 Thỏa thuận Paris.

Phương thức giao dịch

Việc giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ các-bon được thực hiện trên sàn giao dịch các-bon trong nước.

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội xây dựng và cung ứng dịch vụ sàn giao dịch các-bon trong nước theo yêu cầu nghiệp vụ về tổ chức, quản lý thị trường và các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan xây dựng.

Việc tổ chức giao dịch trên thị trường các-bon được thực hiện theo phương thức tập trung trên sàn giao dịch các-bon.

Hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon do Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận được giao dịch trên sàn sẽ được cấp mã số trong nước để phục vụ cho việc giao dịch, mã số được cấp là duy nhất và không trùng lắp. Chủ thể khi tham gia giao dịch trên thị trường các-bon tại Việt Nam có tài khoản lưu ký giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính hoặc tài khoản lưu ký giao dịch tín chỉ các-bon. Hoạt động đăng ký, cấp mã số hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon được thực hiện tập trung để đảm bảo dữ liệu được thống nhất, đồng bộ và bảo đảm yêu cầu quản lý, giám sát.

Tổng Công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam cung ứng dịch vụ lưu ký, thanh toán giao dịch theo yêu cầu nghiệp vụ về tổ chức, quản lý thị trường và các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan xây dựng.

Việc thanh toán giao dịch sẽ do hệ thống tự động thực hiện trên cơ sở kết quả giao dịch do Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội gửi, đảm bảo nguyên tắc việc chuyển giao hàng hóa được thực hiện đồng thời với thanh toán tiền tại ngân hàng thanh toán. Việc thanh toán tiền cho giao dịch trên sàn giao dịch các-bon do ngân hàng thương mại đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thanh toán giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon thực hiện.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan tổ chức vận hành thị trường các-bon trong nước, đảm bảo không để phát triển tự do, tự phát, gây thất thoát tài nguyên, tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội.

Lộ trình triển khai thị trường các-bon

Giai đoạn thực hiện thí điểm từ năm 2025 đến hết năm 2028

- Triển khai thực hiện thí điểm thị trường các-bon trên toàn quốc. Việc chuyển nhượng tín chỉ các-bon, kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho đối tác nước ngoài, quốc tế được nghiên cứu, quy định cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật và được cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

- Toàn bộ hạn ngạch phát thải khí nhà kính được nghiên cứu, xem xét phân bổ miễn phí cho các cơ sở phát thải khí nhà kính thuộc một số lĩnh vực phát thải lớn.

- Tín chỉ các-bon được xác nhận giao dịch trên sàn giao dịch các-bon, trong đó gồm các tín chỉ các-bon thu được từ: (i) Chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước; (ii) Cơ chế phát triển sạch (CDM); (iii) Cơ chế tín chỉ chung (JCM); (iv) Cơ chế theo Điều 6 Thỏa thuận Paris.

- Tỷ lệ tín chỉ các-bon sử dụng để bù trừ phát thải khí nhà kính trên tổng số hạn ngạch phát thải khí nhà kính được phân bổ cho cơ sở do Chính phủ quy định.

- Chủ thể tham gia giao dịch trên sàn giao dịch các-bon là: (i) các cơ sở phát thải khí nhà kính lớn thuộc Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính do Thủ tướng Chính phủ ban hành được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính; (ii) tổ chức, cá nhân đủ điều kiện được tham gia mua, bán tín chỉ các-bon trên sàn giao dịch các-bon.

Giai đoạn vận hành chính thức từ năm 2029

- Thị trường các-bon được vận hành chính thức trên toàn quốc.

- Các lĩnh vực, cơ sở được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính được nghiên cứu, xem xét mở rộng theo lộ trình.

- Hạn ngạch phát thải khí nhà kính được nghiên cứu, xem xét phân bổ miễn phí và phân bổ qua đấu giá. Tỷ lệ chi tiết về phân bổ miễn phí, đấu giá hạn ngạch phát thải khí nhà kính sẽ được đề xuất trong giai đoạn triển khai thí điểm và sau khi có đầy đủ thông tin, số liệu về hạn ngạch phát thải khí nhà kính được cấp, khối lượng giao dịch.

- Xem xét bổ sung thêm các loại tín chỉ các-bon được xác nhận để giao dịch trên sàn giao dịch các-bon.

- Tỷ lệ tín chỉ các-bon sử dụng để bù trừ phát thải trên tổng số hạn ngạch phát thải khí nhà kính được phân bổ cho cơ sở do Chính phủ quy định.

- Xem xét mở rộng chủ thể được tham gia giao dịch tín chỉ các-bon trên sàn giao dịch các-bon (điều chỉnh điều kiện tổ chức, cá nhân được tham gia giao dịch trên sàn giao dịch các-bon)...

5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp

Đề án đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp thực hiện: Nhóm các nhiệm vụ, giải pháp về hàng hóa trên thị trường các-bon; Nhóm các nhiệm vụ, giải pháp về chủ thể tham gia thị trường các-bon; Nhóm các nhiệm vụ, giải pháp về hệ thống đăng ký quốc gia và sàn giao dịch các-bon; Nhóm các nhiệm vụ, giải pháp về tổ chức vận hành thị trường các-bon; Nhóm các nhiệm vụ, giải pháp về nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực.

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 24/1/2025- Ảnh 4.

Ông Phạm Ngọc - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bổ nhiệm lại ông Phạm Ngọc Thưởng giữ chức Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo 

 Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký Quyết định số 226/QĐ-TTg ngày 24/1/2025 bổ nhiệm lại ông Phạm Ngọc Thưởng giữ chức Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Quyết định trên có hiệu lực từ ngày 13/2/2025.

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 24/1/2025- Ảnh 5.

Ông Hồ Văn Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai.

Phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai 

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai.

Cụ thể, tại Quyết định số 229/QĐ-TTg ngày 24/1/2025, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Hồ Văn Hà, tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai.

Đồng thời, tại Quyết định số 228/QĐ-TTg ngày 24/1/2025, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Võ Văn Phi để nhận nhiệm vụ mới.

Các Quyết định trên có hiệu lực từ ngày 24/1/2025.

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 24/1/2025- Ảnh 6.

Thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng 

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 230/QĐ-TTg ngày 24/1/2025 thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Quyết định nêu rõ, thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (Hội đồng).

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Chủ tịch Hội đồng. Phó Chủ tịch Hội đồng là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Các ủy viên của Hội đồng, gồm: Lãnh đạo các Bộ: Giao thông vận tải, Tài chính, Xây dựng, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao, Tư pháp, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên và Môi trường; lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng.

Phó Chủ tịch Hội đồng, các ủy viên Hội đồng, cơ quan thường trực Hội đồng thực hiện theo quy định tại Nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư.

Các Thành viên có tránh nhiệm tham gia ý kiến đúng thời hạn theo đề nghị của Cơ quan thường trực Hội đồng, trường hợp quá hạn chưa trả lời thì coi là thống nhất với nội dung lấy ý kiến của Cơ quan thường trực Hội đồng và hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc không trả lời đúng hạn.

Chủ tịch Hội đồng và các thành viên Hội đồng chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về chất lượng và tiến độ hoàn thành thẩm định, bảo đảm tiến độ trình Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định tại kỳ họp bất thường thứ 9 (tháng 2 năm 2025). Hội đồng có trách nhiệm hoàn thiện Báo cáo thẩm định theo quy định, trong đó khẳng định rõ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đủ điều kiện để Chính phủ thông qua, trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Các cơ quan có thành viên thuộc Hội đồng có văn bản cử người gửi về Cơ quan thường trực Hội đồng (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trước ngày 25/01/2025.

Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ liên quan trong quá trình thẩm định Dự án, bố trí vốn chuẩn bị đầu tư phục vụ việc lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo đúng quy định của pháp luật.

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 24/1/2025- Ảnh 7.

Xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Tuyên Quang dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.

Xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Tuyên Quang dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 

 Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc vừa ký Quyết định số 227/QĐ-TTg ngày 24/1/2025 về việc xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Tuyên Quang dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 218,025 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Tuyên Quang để hỗ trợ cho nhân dân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.

Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xử lý cụ thể theo quy định; theo chức năng, nhiệm vụ được giao chịu trách nhiệm về căn cứ, thông tin, số liệu báo cáo. Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo và thực hiện hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, đúng định mức theo quy định.

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 24/1/2025- Ảnh 8.

Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 

 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 99/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nội dung chính của Kế hoạch là hoàn thiện, đồng bộ hệ thống các quy hoạch; trong đó, thực hiện tổ chức rà soát, lập, điều chỉnh các quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh An Giang theo quy định của pháp luật chuyên ngành, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt.

Phát triển hạ tầng nhằm thúc đẩy liên kết phát triển 03 vùng kinh tế - xã hội gắn với 03 hành lang kinh tế

Đồng thời, thực hiện các chương trình, đề án, dự án. Cụ thể, đối với các chương trình, dự án đầu tư công: Tập trung ưu tiên bố trí vốn để thực hiện, đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành và phát huy hiệu quả các dự án quan trọng của tỉnh. Ưu tiên nguồn lực để thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo sức lan tỏa, thúc đẩy liên kết phát triển 03 vùng kinh tế - xã hội gắn với 03 hành lang kinh tế. Trong đó, tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư vào các ngành lĩnh vực đột phá phát triển của tỉnh, gồm: Kết cấu hạ tầng giao thông; khu, cụm công nghiệp; khu kinh tế cửa khẩu; hạ tầng dịch vụ logistics; nông nghiệp công nghệ cao; công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm; các đô thị động lực, hạ tầng thương mại và dịch vụ chất lượng cao và du lịch.

Tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng thủy lợi; hệ thống các hồ chứa nước; giáo dục, y tế, hạ tầng công nghệ thông tin; văn hóa - xã hội; phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng - an ninh và các Chương trình mục tiêu Quốc gia.

Dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công: Huy động, thu hút các nguồn lực, nhà đầu tư trong và ngoài nước, các thành phần kinh tế có tiềm lực tài chính mạnh, sử dụng công nghệ hiện đại để đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên, đột phá của tỉnh; các dự án lớn có tính chất liên kết, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, bảo đảm đúng định hướng phát triển, phù hợp với nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ, tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành.

Các ngành, lĩnh vực, dự án ưu tiên thu hút đầu tư gồm: Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm có giá trị gia tăng cao; dịch vụ, du lịch, logistics, thông tin, truyền thông và chuyển đổi số; xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu An Giang; hạ tầng khu, cụm công nghiệp; khu đô thị, nhà ở; hạ tầng thương mại, dịch vụ, du lịch; văn hóa, giáo dục, y tế và môi trường...

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 24/1/2025- Ảnh 9.

Kiểm soát chặt chẽ và cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, giảm phiền hà, chi phí cho người dân, doanh nghiệp ngay từ khâu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Kết luận của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tại Phiên họp thứ chín ngày 15 tháng 01 năm 2025

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 25/TB-VPCP ngày 24/1/2025 kết luận của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tại Phiên họp thứ chín ngày 15 tháng 01 năm 2025.

Thông báo kết luận nêu rõ, công tác CCHC năm 2024 đạt được một số kết quả nội bật như: Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành, địa phương đã quan tâm, tích cực, chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành nói chung và CCHC nói riêng; công tác cải cách thể chế có nhiều đột phá trong đổi mới tư duy xây dựng, hoàn thiện pháp luật, đề cao chức năng kiến tạo, hỗ trợ bên cạnh chức năng quản lý của pháp luật và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; thủ tục hành chính (TTHC), quy định kinh doanh ngày càng đơn giản, thuận lợi, minh bạch góp phần rất lớn trong việc giải phóng sức sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; cải cách tổ chức bộ máy có nhiều đột phá mang tính cách mạng, được toàn hệ thống triển khai khẩn trương, quyết liệt để bộ máy hành chính nhà nước mới tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả được vận hành từ những tháng đầu năm 2025...

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CCHC vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: Tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh chưa được khắc phục triệt để; cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC vẫn chưa đạt kết quả như mong đợi; TTHC, quy định kinh doanh còn rườm rà, phức tạp, nhiều phương án cắt giảm, đơn giản hóa chưa được thực thi; hệ thống tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc đã tồn tại trong nhiều năm; hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới...

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cấp, các ngành

Ban Chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, thành viên Ban Chỉ đạo các cấp tập trung thực hiện các nhiệm vụ CCHC. Trong đó, các bộ, ngành, địa phương kịp thời triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về CCHC, nhất là triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22 tháng 12 năm 2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và các Nghị quyết số 01/NQ-CP, 02/NQ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2025, 03/NQ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2025 của Chính phủ, trong đó tập trung vào các giải pháp đột phá về cải cách thể chế, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC để tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Nghiên cứu, học tập tư tưởng của Nghị quyết số 57-NQ/TW đổi mới cách thức quản lý theo hướng chú trọng quản lý mục tiêu, kết quả thay vì quản lý quá trình để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và CCHC nói riêng.

Đồng thời, tập trung nguồn lực triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả"; rà soát, đề xuất các phương án sắp xếp cơ cấu tổ chức các cơ quan, đơn vị theo định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương, bảo đảm tinh gọn, hiệu năng và hiệu quả; rà soát và ban hành các văn bản theo thẩm quyền và trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về xử lý các nội dung pháp lý liên quan đến tổ chức bộ máy để đảm bảo duy trì hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị mình sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy. Hoàn thiện các quy định pháp luật để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước. Triển khai có hiệu quả các nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội phê duyệt các phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Bám sát các nhiệm vụ tại Báo cáo công tác CCHC năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ để triển khai và xây dựng chương trình, kế hoạch CCHC của bộ, ngành, địa phương mình.

Kiểm soát chặt chẽ và cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, giảm phiền hà, chi phí cho người dân, doanh nghiệp

Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, thành viên Ban Chỉ đạo các cấp tổ chức triển khai có hiệu quả nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch cải cách TTHC trọng tâm năm 2025, Chương trình cắt giảm giấy phép tại các bộ, ngành, địa phương và chuyển một số nhiệm vụ, hoạt động cấp phép cho doanh nghiệp, tổ chức xã hội đảm nhiệm giai đoạn 2025-2030 và Nghị quyết về đổi mới toàn diện việc giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc địa giới hành chính ngay sau khi Chính phủ ban hành.

Kiểm soát chặt chẽ và cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, giảm phiền hà, chi phí cho người dân, doanh nghiệp ngay từ khâu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Tập trung triển khai thí điểm thành công mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tại 05 địa phương.

Xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách vượt trội để giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức sau thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, bảo đảm hài hòa, không ai bị bỏ lại phía sau; đồng thời, ban hành các chính sách đủ mạnh để thu hút, giữ chân người có tài năng làm việc trong cơ quan nhà nước.

Tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao chất lượng thực thi công vụ và cải thiện chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, bảo đảm sự nghiêm minh trong thực thi pháp luật và củng cố niềm tin của Nhân dân.

Hoàn thiện khung khổ pháp lý phục vụ thực hiện các nhiệm vụ xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số

Các bộ, ngành, địa phương, thành viên Ban Chỉ đạo các cấp tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý phục vụ thực hiện các nhiệm vụ xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành, bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu đồng bộ, thông suốt giữa các cơ quan, địa phương phục vụ phân tích, xử lý dữ liệu, hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Tăng cường tích hợp các tiện ích trên Ứng dụng định danh điện tử (VNeID); tập trung rà soát, đánh giá lại chất lượng các dịch vụ công trực tuyến đang cung cấp trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh và tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; đẩy mạnh số hóa và tái sử dụng dữ liệu; thúc đẩy triển khai Đề án 06 tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC.

Tiếp tục phát huy và nhân rộng các mô hình, giải pháp hay để nâng cao hiệu quả CCHC trên tất cả các lĩnh vực; khuyến khích việc nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ xanh, tiện ích thông minh trong thực hiện nhiệm vụ CCHC; tăng cường truyền thông nhất là truyền thông trên nền tảng số để tạo hiệu ứng tốt và đồng thuận xã hội thúc đẩy công tác CCHC.

Chủ động nghiên cứu, ban hành và triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích, khen thưởng, ưu tiên đề bạt, bổ nhiệm các công chức có năng lực nổi trội, đề xuất nhiều ý tưởng, sáng kiến CCHC đóng góp vào sự phát triển của ngành, lĩnh vực và tổ chức./.