• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần 7-11/7/2014

(Chinhphu.vn) - Chương trình hành động của Chính phủ để nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững; nỗ lực cao nhất bảo vệ chủ quyền quốc gia và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự; thực hiện quyết liệt tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; triển khai hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt cá xa bờ; một số chính sách phát triển thủy sản;... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần 7-11/7/2014.

12/07/2014 18:10


Ảnh  minh họa

Chương trình hành động của Chính phủ để nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững
Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới đã được Chính phủ ban hành.

Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, Chương trình hành động này được xây dựng trên cơ sở rà soát, cập nhật, bổ sung các nội dung, nhiệm vụ mới nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách lớn đã đề ra tại Nghị quyết Trung ương 4 khóa X trong bối cảnh nước ta đang triển khai Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 - 2020 trong đó trọng tâm là tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; hội nhập quốc tế toàn diện với trọng tâm là hội nhập kinh tế, thực hiện hiệu quả các cam kết kinh tế quốc tế.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy tiến trình tái cấu trúc và đổi mới mô hình tăng trưởng, tiếp tục nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau.

Chương trình đề ra những nhiệm vụ chủ yếu: Hoàn thiện pháp luật và thể chế kinh tế; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm; phát triển đồng bộ các yếu tố của nền kinh tế thị trường; hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn; bảo vệ tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và an ninh quốc phòng; đào tạo, phát triển và sử dụng nguồn nhân lực; tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, đánh giá; củng cố, tăng cường cơ chế phối hợp, giám sát triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế; tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền.

Nỗ lực cao nhất bảo vệ chủ quyền quốc gia và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2014, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương phát huy kết quả đạt được, vượt qua khó khăn thách thức, quyết tâm với nỗ lực cao nhất để bảo vệ chủ quyền; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 01/NQ-CP và các Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ, phấn đấu thực hiện cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra.

Cụ thể, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng chính trị - ngoại giao; chủ động cung cấp kịp thời thông tin tình hình Biển Đông, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với lập trường chính nghĩa và các giải pháp thiện chí của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến Biển Đông.

Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các lực lượng thực thi pháp luật trên biển tiếp tục triển khai các biện pháp ứng phó trên thực địa, khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển 1982 và luật pháp quốc tế.

 Bộ Công an chỉ đạo nắm chắc tình hình, phối hợp với lực lượng Quân đội nhân dân có phương án chủ động sẵn sàng đấu tranh với các hành vi gây mất ổn định an ninh trật tự, kiên quyết không để tái diễn sự việc như vừa qua; ngăn chặn kịp thời hoạt động của các thế lực thù địch, đối tượng phản động, nhất là tại các thành phố lớn, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất...

Thực hiện quyết liệt nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

Cũng tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2014, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc bảo đảm lộ trình tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.

Đối với những doanh nghiệp đã thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa thì khẩn trương thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp; những doanh nghiệp đã công bố giá trị doanh nghiệp thì nhanh chóng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa; những doanh nghiệp có điều kiện thì thực hiện bán cổ phần lần đầu theo quy định; những doanh nghiệp chưa có điều kiện bán cổ phần lần đầu thì chuyển ngay thành công ty cổ phần với các cổ đông là tổ chức công đoàn, người lao động, cổ đông chiến lược (nếu có) hoặc cổ đông tự nguyện khác. Chủ động phối hợp giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Khẩn trương triển khai hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt cá xa bờ

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2014 nêu rõ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương ven biển khuyến khích, động viên ngư dân bám biển, bám ngư trường truyền thống, yên tâm sản xuất, đồng thời tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo.

Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương triển khai thực hiện hỗ trợ cho ngư dân đóng tàu đánh bắt cá xa bờ, đóng tàu và trang thiết bị cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành thực hiện kế hoạch tăng trưởng tín dụng hợp lý để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên; chỉ đạo thực hiện tốt chính sách cho vay hỗ trợ ngư dân đóng mới, sửa chữa tàu cá, kết hợp phát triển kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo và ngư trường truyền thống; tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu và tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nâng cao chất lượng tín dụng và bảo đảm an toàn hệ thống.

Một số chính sách phát triển thủy sản

Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản đã được Chính phủ ban hành, trong đó, quy định chính sách về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm; chính sách ưu đãi thuế và một số chính sách khác nhằm phát triển thủy sản.

Nghị định nêu rõ, đối với đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ vỏ thép, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm.Còn trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới, với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm.

Đối với đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ, bao gồm cả máy móc, trang thiết bị hàng hải; thiết bị phục vụ khai thác; ngư lưới cụ; trang thiết bị bảo quản hải sản, trường hợp đóng mới tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 400CV đến dưới 800CV, chủ tàu được vay vốn ngân hàng tối đa 90% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 2%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 5%/năm.

Trường hợp đóng mới tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 800CV trở lên, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm.

Trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm.

 Trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ đồng thời gia cố bọc vỏ thép, bọc vỏ vật liệu mới cho tàu, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm.

Đối với nâng cấp tàu vỏ gỗ có tổng công suất máy chính dưới 400CV thành tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên và nâng cấp công suất máy đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên (phần máy bổ sung hoặc thay thế phải là máy mới 100%): Chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị nâng cấp tàu, bao gồm cả chi phí gia cố vỏ tàu, chi phí mua trang thiết bị và ngư lưới cụ mới phục vụ khai thác hải sản (nếu có) với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm.

 Thời hạn cho vay là 11 năm, trong đó năm đầu tiên chủ tàu được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc. Ngân sách nhà nước cấp bù số lãi vay của chủ tàu được miễn năm đầu cho các ngân hàng thương mại.

Hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống thiên tai

 Nghị định số 66/2014/NĐ-CP  quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai, bao gồm: Trách nhiệm truyền tin, tần suất, thời lượng phát tin, mạng lưới, thiết bị thông tin phục vụ hoạt động chỉ đạo, chỉ huy ứng phó thiên tai; phân công, phân cấp trách nhiệm và phối hợp trong ứng phó thiên tai; huy động, quyên góp và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế tham gia hoạt động ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai tại Việt Nam; cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ của cơ quan chỉ đạo, chỉ huy về phòng, chống thiên tai và cơ chế phối hợp giữa Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.

Theo Nghị định, rủi ro thiên tai được phân thành 5 cấp tăng dần về mức độ rủi ro gồm: Cấp độ 1, cấp độ 2, cấp độ 3, cấp độ 4 và cấp độ 5.

Về hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, Nghị định cũng quy định rõ UBND các cấp ngay sau khi nhận được nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước có trách nhiệm phân bổ kịp thời, đúng đối tượng và chỉ đạo thực hiện khắc phục hậu quả thiên tai tại địa phương.

Chậm nhất 30 ngày kể từ khi nhận được nguồn hỗ trợ, cứu trợ thiên tai, UBND cấp tỉnh, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tiếp nhận, phân bổ, sử dụng nguồn hỗ trợ, cứu trợ…

Tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài đến năm 2020 nhằm phấn đấu đạt 60% số công nghệ do mạng lưới chuyên gia tìm kiếm công nghệ giới thiệu về Việt Nam được chuyển giao và ứng dụng.

Mục tiêu tổng thể của Chương trình là tìm kiếm, đánh giá, tư vấn và chuyển giao công nghệ tiên tiến trên thế giới, phục vụ kịp thời nhu cầu phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghệ mới góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Chương trình sẽ tiến hành lựa chọn và tổ chức mạng lưới chuyên gia tìm kiếm công nghệ; cử các nhà khoa học và công nghệ trẻ Việt Nam đi làm việc và thực tập tại nước ngoài; đồng thời, xây dựng danh mục đặt hàng công nghệ cần tìm kiếm và tổ chức tìm kiếm công nghệ; chuyển giao công nghệ...

Quan điểm của tìm kiếm và chuyển giao công nghệ về Việt Nam là tập trung ưu tiên công nghệ nguồn, công nghệ tiên tiến theo định hướng chính sách và chiến lược phát triển các lĩnh vực khoa học và công nghệ quốc gia; hướng tới việc tạo ra các sản phẩm, dịch vụ công nghệ mới, đáp ứng yêu cầu ứng dụng phát triển kinh tế - xã hội.

Tăng cường thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp, siết chặt quản lý kinh doanh vận tải; kiểm soát tải trọng xe; kiểm tra chặt chất lượng phương tiện, công tác đăng kiểm, đào tạo và sát hạch lái xe; kiểm tra các đường ngang dân sinh trái phép để đảm bảo an toàn giao thông.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy định về điều kiện kinh doanh vận tải đối với xe khách giường nằm 2 tầng; các quy định theo hướng siết chặt công tác đăng kiểm đối với phương tiện kinh doanh vận tải; ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về thiết kế, thi công, vận hành, khai thác và bảo trì cầu treo dân sinh; kịp thời ban hành các Thông tư hướng dẫn sau khi Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô được ban hành.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải đường bộ, duy trì hoạt động của trạm kiểm soát tải trọng xe 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần; kiên quyết chấm dứt tình trạng xe chở hàng quá tải, gây mất an toàn giao thông và phá hoại kết cấu hạ tầng giao thông; xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm chở hàng quá trọng tải lưu thông trên địa bàn.

Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng Công an kiên quyết xử lý nghiêm tình trạng “cò”, “môi giới dẫn xe” trốn tránh việc kiểm soát, đối tượng chống đối, phá hoại trạm kiểm soát tải trọng xe.

Chỉ đào tạo nghề cho lao động nông thôn khi xác định được nơi làm việc

Tại Thông báo 266/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Ban chỉ đạo Trung ương, bảo đảm nguyên tắc chỉ tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn khi xác định được nơi làm việc và mức thu nhập với việc làm có được sau khi học nghề.

Phó Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các Bộ, ngành dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách dạy nghề đối với người lao động theo hướng tích hợp chung các chính sách hiện hành về đào tạo nghề để thống nhất thực hiện, trong đó chú trọng ưu tiên hỗ trợ dạy nghề cho người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người bị thu hồi đất nông nghiệp, ngư dân; điều chỉnh mức hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại cho các đối tượng ưu tiên cho phù hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định vào đầu Quý I/2015.

Về việc sắp xếp các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề cấp huyện triển khai theo hướng sáp nhập các trung tâm nhằm giảm đầu mối quản lý nhưng không thực hiện đồng loạt, đại trà mà tiến hành một cách thận trọng, phù hợp với đặc điểm, tình hình cụ thể của từng địa phương. Phó Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/8/2014 về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thí điểm việc này tại một số địa phương trong thời gian qua.

Hoàng Diên