Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ngày 14/9/2024, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã ký Quyết định 980/QĐ-TTg hỗ trợ 30 tỷ đồng cho tỉnh Yên Bái từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2024 để khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và ổn định đời sống người dân.
Ngày 15/9/2024, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc ký Quyết định 984/QĐ-TTg hỗ trợ 150 tỷ đồng cho tỉnh Lào Cai từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2024 để khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và ổn định đời sống người dân.
Đồng thời, ngày 15/9/2024, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã ký các quyết định xuất cấp lương thực, vật tư, trang thiết bị, hóa chất khử khuẩn từ nguồn dự trữ quốc gia cho các địa phương khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Cụ thể:
Tại Quyết định 985/QĐ-TTg, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế xuất cấp không thu tiền 1.765.000 viên sát khuẩn nước Aquatabs 67mg từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh: Lào Cai, Phú Thọ, Bắc Kạn, Vĩnh Phúc, Điện Biên, Cao Bằng và Bộ Y tế.
Tại Quyết định 986/QĐ-TTg, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính xuất cấp 182.585 kg gạo và vật tư, trang thiết bị từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh: Hưng Yên, Cao Bằng, Phú Thọ, Bắc Kạn.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Công điện số 96/CĐ-TTg ngày 16/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương nghiên cứu đầu tư xây dựng cầu Phong Châu mới trên Quốc lộ 32C nối huyện Tam Nông và huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.
Công điện giao Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ là cơ quan chủ trì, khẩn trương phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan triển khai ngay nghiên cứu, khảo sát, hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng cầu Phong Châu mới trên Quốc lộ 32C, bảo đảm kiên cố, an toàn trong mọi điều kiện mưa lũ; báo cáo cấp có thẩm quyền trước ngày 01 tháng 10 năm 2024.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm: 1- Nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về bảo vệ tính mạng, an toàn, sức khỏe của Nhân dân; 2- Nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về hỗ trợ khôi phục các hoạt động đời sống, xã hội để ổn định cuộc sống Nhân dân; 3- Nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp để khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, phục hồi và thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế; 4- Nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với thiên tai, bão lũ, ngập lụt, sạt lở… trong thời gian tới; 5- Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về cơ chế, chính sách, giải pháp cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để triển khai các chính sách hỗ trợ; 6- Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 16/9/2024 về việc xây dựng đề án chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Đề án chuyển đổi số khi xây dựng phải dựa trên một số nguyên tắc sau: Lựa chọn đưa vào đề án các mũi đột phá có phạm vi ảnh hưởng sâu rộng tới ngành, lĩnh vực, địa phương thuộc phạm vi quản lý. Giải quyết các vấn đề này sẽ tạo nên những động lực chính thúc đẩy hoạt động và tạo đột phá trong chuyển đổi số và phát triển kinh tế số của bộ, ngành và địa phương.
Các mũi đột phá có thể tập trung vào nội hàm phát triển kinh tế số với 4 trụ cột là công nghiệp công nghệ thông tin, kinh tế số ngành, quản trị số và dữ liệu số hoặc phát triển Chính phủ số, chính quyền số, đô thị thông minh theo nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 17/9/2024 về xử lý cán bộ, công chức, viên chức và chiến sỹ trong lực lượng vũ trang vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương trong quá trình tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về giao thông phải tuân thủ tinh thần "thượng tôn pháp luật", "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", không chấp nhận việc can thiệp, tác động để bỏ qua lỗi vi phạm; xử lý kỷ luật nghiêm đối với cán bộ không xử lý triệt để, bỏ qua lỗi vi phạm trong quá trình xử lý vi phạm hành chính về giao thông…
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 18/9/2024 về việc xác định địa giới đơn vị hành chính giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng do lịch sử để lại.
Chính phủ quyết nghị xác định địa giới đơn vị hành chính giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng do lịch sử để lại như sau:
1. Đường địa giới giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng tại khu vực núi Hải Vân và hòn Sơn Chà giáp ranh giữa thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng nằm trên 02 mảnh bản đồ địa hình hệ tọa độ quốc gia VN-2000, tỷ lệ 1:10.000 do Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập năm 2009, có phiên hiệu là E-49-85-C-b-1 và E-49-85-C-b-2; đường địa giới được xác định từ đỉnh cao 691,5 m (là điểm địa giới đã được hai tỉnh, thành phố thống nhất), theo hướng chung Đông Bắc, đường địa giới đi theo sống núi, qua các đỉnh cao 241,4 m; 341,8 m; 360,5 m đến đỉnh cao 295,3 m; chuyển hướng Đông - Đông Nam, sau chuyển hướng Đông - Đông Bắc, đường địa giới đi theo sống núi, qua các đỉnh cao 253,9 m; 207,2 m; 196,0 m; 246,7 m; 256,3 m; 257,8 m; 256,3 m và tiếp tục đi theo sống núi đến mũi Cửa Khẻm, ra Biển Đông.
2. Hòn Sơn Chà giao thành phố Đà Nẵng quản lý.
Theo Nghị định số 116/2024/NĐ-CP ngày 17/9/2024 sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, từ ngày 17/9/2024, có 3 trường hợp được miễn thi ngoại ngữ khi thi tuyển công chức.
1- Có bằng tốt nghiệp chuyên ngành ngoại ngữ theo đúng yêu cầu về ngoại ngữ của vị trí việc làm, cùng trình độ đào tạo hoặc ở trình độ đào tạo cao hơn so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển;
2- Có bằng tốt nghiệp cùng trình độ đào tạo hoặc ở trình độ đào tạo cao hơn so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển, học tập ở nước ngoài bằng ngoại ngữ theo đúng yêu cầu của vị trí việc làm hoặc học bằng tiếng nước ngoài theo đúng yêu cầu của vị trí việc làm ở Việt Nam, được cơ quan có thẩm quyền công nhận hoặc đương nhiên được công nhận theo quy định của pháp luật;
3- Có chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số dự tuyển vào vị trí việc làm liên quan trực tiếp đến người dân tộc thiểu số hoặc vị trí việc làm công tác tại vùng dân tộc thiểu số; là người dân tộc thiểu số dự tuyển vào vị trí việc làm liên quan trực tiếp đến người dân tộc thiểu số hoặc vị trí việc làm công tác tại vùng dân tộc thiểu số.
Chính phủ ban hành Nghị định số 117/2024/NĐ-CP ngày 18/9/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
Trong đó, Nghị định số 117/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các quy định tại Nghị định số 82/2020/NĐ-CP liên quan đến việc áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: "Tịch thu tang vật là giấy phép, chứng chỉ hành nghề... bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung" đối với hành vi cố ý tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung các loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hoạt động thành biện pháp khắc phục hậu quả "buộc nộp lại giấy chứng nhận, xác nhận, giấy phép, văn bản cho phép, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp các loại giấy chứng nhận, xác nhận, giấy phép, văn bản cho phép, chứng chỉ đó".
Đồng thời, Nghị định 117/2024/NĐ-CP cũng bổ sung quy định về thủ tục thi hành biện pháp khắc phục hậu quả này.
Tuần qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1003/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 990/QĐ-TTg ngày 16/9/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 20/9/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 19/9/2024 ban hành Kế hoạch triển khai Đợt thi đua cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc” nhằm mục đích phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong công tác tổ chức thực hiện thi công các công trình, hạng mục công trình để tập trung cao điểm thực hiện thắng lợi mục tiêu "hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc trước ngày 31/12/2025" theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1009/QĐ-TTg ngày 19/9/2024 phê duyệt nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2045.
Mục tiêu điều chỉnh quy hoạch nhằm tiếp tục xây dựng Khu kinh tế Đồng Đăng - Lạng Sơn giữ vững vị thế là cửa khẩu thương mại trên bộ quan trọng nhất của cả nước, là điểm trung chuyển trên bộ quan trọng trong kết nối Trung Quốc - Việt Nam - các nước Đông Nam Á; là động lực thúc đẩy phát triển đô thị Lạng Sơn trở thành thành phố biên giới xanh gắn với cửa khẩu thông minh có hệ thống hạ tầng hiện đại.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký Quyết định số 1010/QĐ-TTg ngày 19/9/2024 thành lập Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ lần thứ 5.
Hội đồng có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức xét, lựa chọn những cá nhân có đủ điều kiện, tiêu chuẩn trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước quyết định tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ lần thứ 5.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1013/QĐ-TTg ngày 20/9/2024 lấy ngày 6/8 hằng năm là Ngày An ninh mạng Việt Nam.