Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 1412/CĐ-TTg ngày 25/12/2023 chỉ đạo tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện năm 2024 và các năm tiếp theo.
Công điện yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm cung ứng điện theo Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024 được phê duyệt, nhất là công tác chuẩn bị sản xuất điện trong giai đoạn cao điểm cuối mùa khô; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, cấp bách của ngành điện; chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp tiết kiệm điện; hướng dẫn, khuyến khích, sáng tạo trong thực hiện công tác tiết kiệm điện đạt hiệu quả cao nhất...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 1426/CĐ-TTg ngày 27/12/2023 chỉ đạo về các giải pháp quản lý thị trường vàng.
Công điện yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao như thời gian qua ảnh hưởng tiêu cực đến điều hành kinh tế vĩ mô, báo cáo kết quả thực hiện trong tháng 01 năm 2024...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 1436/CĐ-TTg ngày 29/12/2023 về bảo đảm hoạt động thanh toán của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Để đáp ứng nhu cầu về giao dịch, thanh toán và chi trả hợp pháp của người dân và doanh nghiệp trong những ngày cuối năm 2023 và dịp nghỉ Tết dương lịch, Tết Nguyên đán năm 2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo tổ chức vận hành hệ thống bù trừ, chuyển mạch giao dịch tài chính đảm bảo hệ thống thanh toán hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt 24/24 giờ và 7/7 ngày, phục vụ tốt nhu cầu thanh toán, nhu cầu rút tiền mặt qua hệ thống ATM trước và trong dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký ban hành Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông.
Chỉ thị yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục hoàn thiện và phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đặt ra; hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm; tổng kết việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018, trên cơ sở đó đề xuất phương án, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội việc tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa theo quy định tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội trong năm 2025; ban hành văn bản hướng dẫn về phương pháp định giá sách giáo khoa, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, phát hành để giảm giá thành sách giáo khoa.
Bộ Nội vụ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện việc tuyển dụng giáo viên theo biên chế được giao, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên của các cơ sở giáo dục.
Chính phủ ban hành Nghị định 93/2023/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
Theo quy định, danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau đây:
1- Trung thành với Tổ quốc; chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
2- Có phẩm chất đạo đức tốt; gương mẫu trong cuộc sống; tâm huyết, tận tụy với nghề; mẫu mực trong thực hành, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể; được đồng nghiệp và Nhân dân ghi nhận, mến mộ.
3- Có tài năng hoặc kỹ năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, tiêu biểu cho loại hình di sản văn hóa phi vật thể được tôn vinh; có cống hiến to lớn được ghi nhận cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị loại hình di sản văn hóa phi vật thể do cá nhân đang nắm giữ, thể hiện ở việc hiểu biết, nắm giữ tri thức, bí quyết, kỹ năng thực hành về loại hình di sản văn hóa phi vật thể; có sản phẩm tinh thần hoặc vật chất có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, thẩm mỹ, kỹ thuật, góp phần bảo vệ và làm giàu các giá trị của di sản văn hóa phi vật thể, phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội của đất nước; truyền dạy được nhiều cá nhân đã hoặc đang tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
Chính phủ ban hành Nghị định 94/2023/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội.
Cụ thể, giảm thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ sau:
Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất.
Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt Công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin.
Việc giảm thuế giá trị gia tăng cho từng loại hàng hóa, dịch vụ được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại.
Cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% đối với hàng hóa, dịch vụ quy định.
Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng.
Tuần qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch 6 tỉnh: Sơn La, Hà Nam, Lâm Đồng, Bình Thuận, Tây Ninh, Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1689/QĐ-TTg ngày 26/12/2023 phê duyệt Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.
Theo Quyết định, mục tiêu tổng quát là phát triển Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam trở thành Tập đoàn kinh tế vững mạnh trên cơ sở phát triển các lĩnh vực công nghiệp than, công nghiệp bô xít - alumin - nhôm, công nghiệp khoáng sản, công nghiệp điện, vật liệu nổ công nghiệp và các ngành nghề khác; góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Quyết định số 1690/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ trung ương đến địa phương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, 100% bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kiện toàn tổ chức bộ máy của đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin để tăng cường thực hiện nhiệm vụ, giải pháp mới về chuyển đổi số.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1694/QĐ-TTg ngày 27/12/2023 phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.
Mục tiêu phát huy giá trị Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh trở thành điểm tham quan, tìm hiểu, tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống đấu tranh cách mạng, sức mạnh đoàn kết, sự sáng tạo của Nhân dân ta trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1708/QĐ-TTg ngày 28/12/2023 dừng thực hiện Quyết định số 990/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 về việc thí điểm cho hộ nông dân góp vốn cổ phần bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp để hợp tác đầu tư thực hiện dự án phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, hội nhập; nâng cao khả năng chống chịu rủi ro, có cơ cấu hợp lý giữa các cấu phần thị trường, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, chủ yếu cho nền kinh tế; duy trì tăng trưởng về quy mô, chú trọng nâng cao chất lượng; phát triển các công cụ tài chính xanh, tài chính bền vững; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực chứng khoán; xây dựng hệ thống quản lý, giám sát thị trường gắn với ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại; tăng cường liên kết và hội nhập quốc tế, từng bước thu hẹp về khoảng cách phát triển giữa TTCK Việt Nam so với TTCK các nước phát triển.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Quyết định số 1725/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn.
Trung tâm được thành lập trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại trực thuộc Sở Công Thương, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn.
Vũ Phương Nhi