• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 26/2-4/3

(Chinhphu.vn) - Thủ tướng yêu cầu cắt giảm ngay thủ tục mua thuốc phòng, chống COVID-19; bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam tại Ukraine; sắp xếp tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 26/2-4/3/2022.

05/03/2022 07:49
Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 24/2-4/3 - Ảnh 1.

Thủ tướng yêu cầu cắt giảm ngay thủ tục mua thuốc phòng, chống COVID-19.

 Thủ tướng yêu cầu cắt giảm ngay thủ tục mua thuốc phòng, chống COVID-19

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cắt giảm ngay thủ tục hành chính liên quan đến việc mua thuốc phòng, chống COVID-19; tăng cường công tác quản lý giá thuốc, xử lý nghiêm trường hợp đầu cơ, buôn lậu thuốc theo quy định; tạo điều kiện thuận lợi, không để nhân dân vất vả với quá nhiều thủ tục trong việc tiếp cận và mua thuốc điều trị COVID-19.

Thủ tướng Chính phủ ban hành công điện về bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam tại Ukraine 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 201/CĐ-TTg ngày 26/2/2022 về việc bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam và một số vấn đề cần lưu ý trước tình hình tại Ukraine.

Công điện giao Bộ Ngoại giao xây dựng Phương án đảm bảo an ninh, an toàn; sơ tán công dân và thành viên cơ quan đại diện khi cần thiết và triển khai hỗ trợ về nơi ở, lương thực, thực phẩm thiết yếu và các điều kiện cần thiết khác.

Chỉ đạo các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Ukraine và các nước lân cận lập danh sách công dân Việt Nam đang ở trong khu vực chiến sự, tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ, nhanh chóng đưa công dân rời khỏi các khu vực nguy hiểm, lánh nạn ở các nước láng giềng khi cần thiết và có phương án đưa những người có nhu cầu về Việt Nam theo đề nghị.

Trước 30/6/2022, các bộ, ngành hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 209/CĐ-TTg về việc sắp xếp tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Công điện yêu cầu đối với các bộ, ngành, khẩn trương rà soát và đẩy mạnh việc sắp xếp, tinh gọn đầu mối tổ chức bộ máy bên trong của các bộ, ngành theo Thông báo số 16/TB-BCĐĐMSXTCBM ngày 21/1/2022 của Ban Chỉ đạo Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Về sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập khác (không quy định trong Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, ngành), yêu cầu các bộ, ngành rà soát, sắp xếp, tổ chức lại theo hướng:

- Giảm tối thiểu 10% số lượng các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 .

- Chỉ giữ lại các đơn vị thuộc bộ phục vụ nhiệm vụ chính trị và các đơn vị đầu ngành gắn với chức năng, nhiệm vụ của bộ đáp ứng đầy đủ tiêu chí, điều kiện thành lập theo quy định. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập khác, yêu cầu các bộ, ngành chủ động phối hợp với bộ quản lý ngành, lĩnh vực để xây dựng phương án chuyển về địa phương hoặc về bộ quản lý ngành, lĩnh vực để thống nhất đầu mối quản lý, thực hiện sắp xếp, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm phù hợp với quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực.

- Đẩy mạnh cơ chế tự chủ theo yêu cầu tại Nghị quyết số 19-NQ/TW và quy định của Chính phủ tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020, Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 và Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021. Khuyến khích các đơn vị nâng cao mức độ tự chủ về tài chính để bảo đảm tính ổn định và phát triển.

Thời gian hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập xong trước ngày 30/6/2022.

Phát triển bền vững kinh tế - xã hội khu vực biên giới đất liền 

Phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng biên giới gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội; giảm nghèo bền vững, thu hẹp chênh lệch vùng, miền; cải thiện rõ rệt và nâng cao chất lượng đời sống, sức khỏe của nhân dân. Đó là một trong các mục tiêu của Nghị quyết số 23/NQ-CP về phát triển kinh tế khu vực biên giới đất liền đã được Chính phủ ban hành ngày 2/3/2022. 

Phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định 287/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu là phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, các hành lang kinh tế và các đô thị động lực tập trung các dịch vụ và công nghiệp đa dạng với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu;... 

Tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội

Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 28/2/2022 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 2/2022 nêu rõ: Năm 2022, Chính phủ tiếp tục quan tâm công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, bảo đảm xứng tầm với một trong ba đột phá chiến lược, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật, nhất là các vấn đề thực tiễn mới phát sinh, cần điều chỉnh để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội. 

Cơ cấu lại DNNN có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những DN yếu kém, thua lỗ

Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 57/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Đề án "Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025".

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ; duy trì, củng cố và phát triển các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả, các tập đoàn, tổng công ty có thương hiệu tốt. Làm rõ, tránh đồng nhất việc cơ cấu lại là thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp. 

Phấn đấu đến 2025, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao 

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 263/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình).

Mục tiêu tổng quát của Chương trình là tiếp tục triển khai Chương trình gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới cấp thôn, bản. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới. Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Điều phối hợp lý phương tiện vận tải lên cửa khẩu, tránh ùn tắc 

Trong Thông báo số 56/TB-VPCP,  Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh: Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Cao Bằng thực hiện giao ban định kỳ hàng tuần với các cơ quan, bao gồm cả việc trao đổi, phối hợp với các địa phương phía Trung Quốc; trên cơ sở đó, kịp thời thông tin và có giải pháp phù hợp để điều phối hợp lý các phương tiện vận tải lên cửa khẩu, giải quyết kịp thời các thủ tục, hỗ trợ các tác nghiệp nhằm đẩy nhanh thông quan. 

Tăng cường giám sát thực hiện kê khai, niêm yết giá, công khai thông tin về giá

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 63/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 25/2/2022 về kết quả công tác điều hành giá 2 tháng và định hướng công tác điều hành giá 10 tháng còn lại năm 2022.

Tại Thông báo, Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường; tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá. 

Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng 

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký Quyết định 295/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng đến năm 2040.

Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng được phát triển theo mô hình chuỗi kết nối trên tuyến hành lang biên giới, được chia thành 04 phân vùng, trong đó mỗi phân vùng có một trung tâm kinh tế cửa khẩu chính, là những cực phát triển của phân vùng. Các trung tâm của phân vùng được kết nối trực tiếp với hệ thống cửa khẩu của Trung Quốc và kết nối với trung tâm kinh tế của tỉnh (thành phố Cao Bằng), các khu vực trong và ngoài tỉnh Cao Bằng thông qua các tuyến giao thông chính: đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, quốc lộ 3, quốc lộ 4, quốc lộ 34.