Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Cụ thể, Nghị định số 20/2022/NĐ-CP ngày 10/3/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 119/2015/NĐ-CP ngày 13/11/2015 quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Trong đó, Nghị định bổ sung quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba.
Cụ thể, đối tượng phải mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba là nhà thầu thi công xây dựng.
Về phạm vi bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện trách nhiệm bồi thường cho nhà thầu thi công xây dựng những khoản tiền mà theo quy định của pháp luật nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm bồi thường cho bên thứ ba đối với những thiệt hại ngoài hợp đồng về sức khỏe, tính mạng, tài sản phát sinh trực tiếp trong quá trình thi công xây dựng và chi phí pháp lý có liên quan (nếu có) thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.
Số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng là 100 triệu đồng cho một người trong một vụ và không giới hạn số vụ tổn thất.
Số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với thiệt hại về tài sản và chi phí pháp lý có liên quan (nếu có) được xác định như sau: Đối với công trình có giá trị dưới 1.000 tỷ đồng, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với thiệt hại về tài sản và chi phí pháp lý có liên quan (nếu có) là 10% giá trị công trình cho cả thời hạn bảo hiểm và không giới hạn số vụ tổn thất; đối với công trình có giá trị từ 1.000 tỷ đồng trở lên, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với thiệt hại về tài sản và chi phí pháp lý có liên quan (nếu có) là 100 tỷ đồng cho cả thời hạn bảo hiểm và không giới hạn số vụ tổn thất.
Thời hạn bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba là khoảng thời gian cụ thể, tính từ ngày bắt đầu đến ngày kết thúc thời gian xây dựng căn cứ vào hợp đồng xây dựng và được ghi trong hợp đồng bảo hiểm.
Nghị định số 21/2022/NĐ-CP ngày 10/3/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2019/NĐ-CP ngày 26/6/2019 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương giai đoạn 2019 – 2022.
Trong đó, Nghị định bổ sung các quy định về thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam vào Cộng hoà Pê-ru hoặc nhập khẩu vào Việt Nam từ Cộng hoà Pê-ru.
Nghị định số 22/2022/NĐ-CP ngày 25/3/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh.
Trong đó, Nghị định bổ sung khoản 3 Điều 8 quy định việc thu hồi giấy phép đối với phim vi phạm: Cơ quan cấp phép nhập khẩu phim có thẩm quyền thu hồi Giấy phép nhập khẩu phim khi phát hiện nội dung phim vi phạm quy định cấm tại Điều 11 Luật Điện ảnh.
Bổ sung khoản 6 Điều 9 quy định cá nhân nhập khẩu phim tự chịu trách nhiệm với bộ phim do mình nhập khẩu không vi phạm quy định cấm tại Điều 11 Luật Điện ảnh: Cá nhân nhập khẩu phim chỉ để sử dụng cho mục đích cá nhân cam kết không vi phạm quy định cấm tại Điều 11 Luật Điện ảnh và sử dụng phim đúng với quy định của pháp luật.
Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg ngày 23/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên.
Theo đó, đối tượng vay vốn là học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn theo học tại các trường đại học (hoặc tương đương đại học), cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và tại các cơ sở đào tạo nghề được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm: (i) HSSV mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động; (ii) HSSV là thành viên của hộ gia đình thuộc các đối tượng: Hộ nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật; Hộ cận nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật; Hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật; Hộ gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học.
Mức vốn cho vay tối đa 4 triệu đồng/tháng/HSSV.
Kể từ ngày HSSV kết thúc khóa học 12 tháng theo quy định, đối tượng được vay vốn phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên. Đối tượng được vay vốn có thể trả nợ trước hạn mà không chịu lãi phạt trả nợ trước hạn."
Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg ngày 25/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 – 2025.
Một số vấn đề cấp bách cần giải quyết là ưu tiên hỗ trợ cho các xã, huyện chưa đạt chuẩn để phấn đấu đạt chuẩn NTM, phấn đấu hoàn thành mục tiêu không còn xã dưới 15 tiêu chí. Các địa phương đã đạt chuẩn cần tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn nhưng mức đạt chuẩn còn chưa cao, để bảo đảm bền vững. Ưu tiên các vùng khó khăn, đồng thời khuyến khích các địa phương có điều kiện chủ động xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Bên cạnh đó, khắc phục những tồn tại, hạn chế của giai đoạn trước. Đặc biệt là tập trung hỗ trợ các địa phương khó khăn để từng bước thu hẹp khoảng cách xây dựng NTM giữa các vùng miền; chất lượng đời sống giữa nông thôn - đô thị.
Đồng thời, bước vào giai đoạn mới, với đòi hỏi ngày càng cao của người dân và xã hội về chất lượng đời sống vật chất và tinh thần, nên cần phải tiếp tục chú trọng đầu tư vào các nội dung, tiêu chí nâng cao chất lượng đời sống và thu nhập của người dân nông thôn.
Từ những yêu cầu của thực tiễn triển khai Chương trình giai đoạn 2021- 2025 trong điều kiện mới, việc ban hành quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 là thực sự cần thiết.
Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.
Việc ban hành Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg nhằm khẩn trương triển khai thực hiện những biện pháp đã được nêu trong Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh – tế xã hội, để kịp thời phục hồi thị trường lao động, đảm bảo nguồn nhân lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người lao động, nhất là người lao động đang phải ở thuê, ở trọ trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm.
Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg tạo hành lang pháp lý cho việc tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ; kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có đủ nhân lực cho phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh thông qua việc hỗ trợ người lao động đang làm việc, người lao động mới được tuyển dụng nhưng đang gặp khó khăn về chỗ ở.
Theo Quyết định, có 2 đối tượng được hỗ trợ tiền thuê nhà gồm: (1) Người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp; (2) Người lao động quay trở lại thị trường lao động.
Mức hỗ trợ đối với người lao động đang làm việc làm là 500.000 đồng/người/tháng (tối đa 3 tháng); mức hỗ trợ đối với người lao động quay trở lại thị trường lao động là 1.000.000 đồng/người/tháng (tối đa 3 tháng).