Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn: Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm. Chính sách hậu phương quân đội và hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa" có vai trò quan trọng trong xây dựng hậu phương quân đội vững mạnh, tác động trực tiếp đến các đối tượng chính sách và người có công với cách mạng, những người đã, đang công tác trong quân đội và lực lượng làm nhiệm vụ quân sự, quốc phòng ở địa phương.
Thiếu tướng Trần Quốc Dũng, nguyên Cục trưởng Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, trong suốt các thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn, có ý nghĩa chính trị-xã hội sâu rộng; đồng thời, phát huy trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong thực hiện chính sách hậu phương quân đội và hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa".
Cấp ủy, chỉ huy các cấp trong quân đội đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, toàn diện và hiệu quả, nhất là đối với lực lượng làm nhiệm vụ mới, đặc thù; chính sách đối với người có công với cách mạng và gia đình quân nhân. Các chế độ, chính sách đối với gia đình quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng tại ngũ không ngừng được hoàn thiện và thực hiện chu đáo, đúng quy định, góp phần chăm sóc ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần gia đình cán bộ, chiến sĩ và gia đình chính sách.
Nổi bật là đã chủ động khảo sát, nghiên cứu, đề xuất, giải quyết chế độ, chính sách đối với các đối tượng bị bệnh hiểm nghèo, bệnh cần được chữa trị dài ngày, bệnh tâm thần. Huy động được các nguồn lực hỗ trợ điều trị hoặc nhận nuôi con nuôi đối với người hiếm muộn, vô sinh đang công tác trong quân đội. Từng bước thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ gia đình quân nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Các đơn vị phối hợp thực hiện tốt chương trình "Quân - dân y kết hợp", tổ chức khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, tích cực giúp đỡ nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, phòng, chống đại dịch COVID-19, bảo vệ sức khỏe và cuộc sống bình yên của nhân dân, tham gia xây dựng nông thôn mới. Thực hiện tốt Đề án "Dạy nghề, giới thiệu việc làm đối với thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo" và Đề án "Tuyển chọn thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương để quy hoạch đào tạo, bổ sung vào đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn".
Chính sách nhà ở, đất ở đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được quan tâm và từng bước được cải thiện.
Theo Thiếu tướng Trần Quốc Dũng, hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa" trong quân đội những năm qua được triển khai cả bề rộng và chiều sâu, phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, truyền thống và đạo lý "Uống nước nhớ nguồn".
Các hoạt động đã được thực hiện với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, như phụng dưỡng Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, hỗ trợ xây dựng "Nhà tình nghĩa", thăm, tặng quà đối tượng chính sách và người có công với cách mạng nhân dịp lễ, Tết; tặng sổ tiết kiệm; thăm viếng, tu sửa, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ; khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí; tuyên truyền, vận động cán bộ, chiến sĩ tích cực đóng góp Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa".
Tiếp tục thực hiện hiệu quả việc hỗ trợ đối với các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng thương binh, gặp mặt, biểu dương người có công và thân nhân liệt sĩ tiêu biểu.
Giải quyết kịp thời chính sách đối với người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ; chế độ, chính sách đối với người Việt Nam có công, tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài theo quy định tại Nghị định số 102/2018/NĐ-CP, ngày 20-7-2018 của Chính phủ; chính sách đối với quân nhân bị thương, gia đình quân nhân hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.
Bên cạnh đó, tích cực, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ xét duyệt, thẩm định hồ sơ liệt sĩ, thương binh, bệnh binh diện tồn đọng và giải quyết truy lĩnh chế độ thương tật đối với các trường hợp thương binh bị thất lạc hồ sơ chặt chẽ, đúng đối tượng.
Các cơ quan, đơn vị và địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các giải pháp tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; đẩy nhanh tiến độ kết luận địa bàn, lập bản đồ tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, theo Thiếu tướng Trần Quốc Dũng, việc thực hiện chính sách hậu phương quân đội và hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa" thời gian qua vẫn còn tồn tại những hạn chế. Ví dụ như công tác xác lập hồ sơ, giải quyết chế độ cho các đối tượng chính sách, người có công ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chậm. Việc chăm sóc, hỗ trợ người có công, người tham gia kháng chiến, người có hoàn cảnh khó khăn và gia đình cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ ở biên giới, biển, đảo, vùng sâu, vùng xa… có nội dung chưa thiết thực, hiệu quả.
Cũng theo Thiếu tướng Trần Quốc Dũng chia sẻ, công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế của nước ta bên cạnh những thuận lợi, thời cơ vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, tác động trực tiếp đến mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và thực hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội. Việc huy động, bố trí các nguồn lực để thực hiện chính sách hậu phương quân đội, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng còn có hạn; số lượng đối tượng chính sách tồn đọng sau chiến tranh cần xác nhận, giải quyết vẫn còn rất lớn, tính chất ngày càng khó khăn, phức tạp.
Đời sống của một số cán bộ, chiến sĩ và một bộ phận gia đình người có công với cách mạng còn nhiều khó khăn, nhất là ở các vùng biên giới, biển, đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Điều đó đặt ra yêu cầu nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất, chỉ đạo và thực hiện công tác chính sách xã hội nói chung, chính sách hậu phương quân đội và hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa" nói riêng ngày càng cao.
Thiếu tướng Trần Quốc Dũng cho rằng, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy tốt vai trò của các cơ quan truyền thông trong và ngoài quân đội, các tổ chức, đoàn thể trong hệ thống chính trị ở địa phương, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương, nhất là cấp ủy, người đứng đầu các cấp về công tác chính sách hậu phương quân đội và hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa".
Đồng thời, hướng dẫn, giải đáp các chế độ, chính sách để mọi cán bộ, chiến sĩ, nhân dân và đối tượng chính sách hiểu rõ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là chế độ, chính sách mới ban hành. Qua đó, tạo sự đồng thuận trong xã hội, đề cao trách nhiệm, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thực hiện chính sách hậu phương quân đội.
Bên cạnh đó, cấp ủy, tổ chức đảng, chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách hậu phương quân đội và hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa" trong quân đội cần đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo, xây dựng kế hoạch thực hiện chính sách hậu phương quân đội và tổ chức các hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa", bảo đảm khoa học, phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước, quân đội và đặc điểm của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Cần tích cực đổi mới nội dung, thường xuyên vận dụng linh hoạt, sáng tạo phương pháp, hình thức thực hiện chính sách hậu phương quân đội và hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa".
Các cơ quan, đơn vị và địa phương thường xuyên bám sát tình hình thực tiễn của đất nước, quân đội, điều kiện, khả năng của cơ quan, đơn vị và nhu cầu, quyền lợi thiết thực của gia đình quân nhân và các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng để xác định nội dung, vận dụng linh hoạt, sáng tạo phương pháp, hình thức thực hiện chính sách hậu phương quân đội và hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa" theo hướng phát triển những mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả, bảo đảm linh hoạt, tránh rập khuôn, máy móc.
Chủ động rà soát, phát hiện kịp thời những nội dung vướng mắc, khó khăn, bất cập, những hình thức không còn phù hợp hoặc hiệu quả thấp... để có hướng khắc phục, điều chỉnh phù hợp.
Các cơ quan, đơn vị phải quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", các nguồn lực vận động xã hội hóa và khả năng của đơn vị để hỗ trợ xây tặng "Nhà tình nghĩa", sửa chữa, nâng cấp nhà ở; tặng công cụ sản xuất, giống, vốn, sổ tiết kiệm… cho đối tượng chính sách và người có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn; tiếp tục hỗ trợ tu sửa, tôn tạo các công trình ghi công liệt sĩ.
Phải giải quyết kịp thời chế độ, chính sách và hỗ trợ đối với các gia đình có người bị thương, hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ-cứu nạn…
Đẩy nhanh tiến độ, thực hiện chính sách tồn đọng sau chiến tranh, bảo đảm đúng đối tượng, đúng quy định của Nhà nước; tập trung chỉ đạo giải quyết cơ bản hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương binh, bệnh binh.
Thiếu tướng Trần Quốc Dũng mong muốn Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị phát huy tốt vai trò là cơ quan đầu ngành toàn quân, chủ trì tham mưu, đề xuất, chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách hậu phương quân đội và hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa". Thường xuyên bám sát yêu cầu, nhiệm vụ, tình hình thực tiễn, chủ động nghiên cứu, tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội. Trọng tâm là đổi mới chính sách đối với gia đình cán bộ, chiến sĩ tại ngũ, tập trung hoàn thiện và nâng cao chất lượng thực hiện các chế độ về chăm sóc sức khỏe cho thân nhân.
Có cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực cho gia đình cán bộ, chiến sĩ tại ngũ giải quyết việc làm và thu nhập, từng bước tham gia các dự án về nhà ở cho gia đình sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng phù hợp với quy định mới của pháp luật về nhà ở và đặc thù của quân đội, gắn liền với phát triển mạnh hơn nữa hệ thống nhà công vụ.
Thường xuyên động viên tinh thần và hỗ trợ kịp thời về vật chất đối với gia đình cán bộ, chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn, gia đình quân nhân đang làm nhiệm vụ nơi đặc biệt khó khăn, gian khổ. Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, hỗ trợ, chăm sóc thiết thực đối với cán bộ quân đội đã nghỉ hưu.
Nâng cao chất lượng các cơ sở dạy nghề, đổi mới chế độ, cách thức tổ chức dạy nghề cho bộ đội trước và sau khi xuất ngũ. Phối hợp với các địa phương, các tổ chức có nhiều hình thức kết nối thị trường lao động, trong và ngoài nước, đa dạng hóa cách thức tạo việc làm, bảo đảm cho quân nhân xuất ngũ được đào tạo, nâng cao tay nghề, có việc làm và thu nhập, ổn định.
Đồng thời, có cơ chế, chính sách phù hợp bồi dưỡng và đào tạo lại số quân nhân xuất ngũ để tăng cường cán bộ cho hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Tăng dần các chế độ hỗ trợ, sinh hoạt phí và các chính sách đãi ngộ khác, bảo đảm cho những người được huy động làm nhiệm vụ quân sự, quốc phòng ở địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, khuyến khích họ tích cực, hăng hái hơn, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Tham gia nghiên cứu xây dựng chế độ tiền lương mới đối với lực lượng vụ trang…
Tiếp tục rà soát, thẩm định và giải quyết chế độ, chính sách đối với người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; chính sách đối với người Việt Nam có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài...
Thiếu tướng Trần Quốc Dũng khẳng định, thực hiện chính sách hậu phương quân đội và hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa" là trách nhiệm, tình cảm thiêng liêng của cán bộ, chiến sĩ quân đội, tin tưởng rằng chính sách hậu phương quân đội và hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa" sẽ tiếp tục được đẩy mạnh và đạt hiệu quả thiết thực; góp phần chăm sóc ngày càng tốt hơn đời sống các gia đình quân nhân, đối tượng chính sách và người có công với cách mạng; qua đó, xây dựng "thế trận lòng dân" ngày càng vững chắc, xây dựng Quân đội nhân dân "cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại", hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Hằng năm, có hơn 1.200.000 thân nhân quân nhân được hưởng chế độ bảo hiểm y tế, gần 200.000 cán bộ quân đội nghỉ hưu được quản lý và chăm sóc theo phân cấp, trên 2.000 cán bộ quân đội mắc bệnh hiểm nghèo được hưởng chế độ; gần 1.000 quân nhân xuất ngũ đã được đào tạo nghề và giải quyết việc làm.
Phương Liên