Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư chia sẻ: Mọi động thái thay đổi trong các sắc thuế đều luôn được cộng đồng doanh nghiệp (DN) và toàn xã hội đặc biệt quan tâm. Việc tăng hay giảm thuế vừa tác động trực tiếp đến ngân sách Nhà nước do thuế là nguồn thu chủ yếu, vừa tạo ra những ảnh hưởng mang tính thúc đẩy hoặc kìm hãm một số ngành nghề kinh doanh bởi vai trò quản lý, điều tiết vĩ mô nền kinh tế của thuế.
Cần có thêm kênh thông tin phản hồi từ thực tế, từ đó đạt được sự hài hòa về lợi ích gồm động viên thêm các nguồn thu ngân sách Nhà nước, điều tiết sản xuất, tiêu dùng và thu nhập theo tình hình thực tế nhưng vẫn đảm bảo ổn định môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra các dư địa thu thuế mới phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ông Lê Trọng Minh nhận định: Dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) do Bộ Tài chính xuất nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của nhiều DN, chuyên gia. Mục tiêu của chính sách thuế TTĐB đối với đồ uống có cồn tại Việt Nam được đánh giá là khá tương đồng với mục tiêu cơ bản tại các quốc gia trên thế giới, trong đó mục tiêu cơ bản nhất vẫn là bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng, điều tiết lượng sử dụng và hạn chế tình trạng lạm dụng rượu/bia. Bên cạnh đó, mục tiêu về đảm bảo bền vững nguồn thu ngân sách Nhà nước cũng được nhấn mạnh.
Tuy nhiên, các phương án lộ trình tăng thuế được đưa ra trong dự thảo cũng đang làm dấy lên những băn khoăn, trong bối cảnh cộng đồng DN nói chung và DN ngành bia rượu nước giải khát nói riêng vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.
"Do đó, việc tăng mạnh và nhanh thuế TTĐB đối với đồ uống có cồn có thể tạo ra tình huống khó đối với DN và người lao động trong ngành cũng như các ngành liên quan", ông Lê Trọng Minh nói
Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng cục Thuế DN phân tích: Thuế không phải là chìa khóa vạn năng, mục tiêu chính vẫn là để sáng tạo nguồn thu nhập cho ngân sách nhà nước. Việc điều chỉnh các loại thuế cũng nằm trong chiến lược bài bản của nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, chính sách thuế càng phải công tâm, càng phải hiệu quả, càng phải nghiên cứu kỹ càng.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: Không nên đánh thuế TTĐB với bia không có cồn, vì đồ uống này phù hợp với chính sách và tạo điều kiện cho DN tái cơ cấu. Mức thuế TTĐB với rượu cần thấp hơn so với bia. Bên cạnh đó, ông Phan Đức Hiếu lo ngại việc tăng thuế TTĐB có thể tác động đến việc phát triển đồ uống, bia rượu không bảo đảm chất lượng. Cần có chính sách kiểm soát bổ sung rượu thủ công, bảo đảm an toàn chất lượng, công bằng về mặt thuế, khi có hoạt động thương mại phải có sự công bằng.
Trước đó, tại hội thảo "Dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi) và ngành đồ uống" do VCCI phối hợp tổ chức, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV phân tích: Việc tăng thuế TTĐB cao có thể tăng thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn, nhưng trong trung – dài hạn sẽ làm giảm sức cầu tiêu dùng, giảm doanh thu và lợi nhuận DN, qua đó giảm thu thuế VAT và thuế thu nhập DN.
Do tổng hòa về việc tăng hay giảm thu thuế là chưa rõ, nên TS Cấn Văn Lực cho rằng, cần đánh giá tác động một cách thấu đáo và toàn diện để từ đó lựa chọn hướng sửa đổi phù hợp nhất với bối cảnh kinh tế, xã hội của Việt Nam.
Để tránh tăng sốc cho thị trường, DN, có thể xem xét mức tăng thuế trong ngắn hạn và giãn lộ trình tăng thuế trong trung hạn. Còn chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: Với tỷ lệ tăng quá cao và tiến độ tăng thuế liên tục hàng năm chắc chắn sẽ dẫn đến sự sụt giảm về sản lượng nặng nề, hậu quả là Chính phủ sẽ thất thu thuế. Cần xem xét cân nhắc kỹ việc tăng thuế trong bối cảnh kinh tế hiện tại của Việt Nam tránh gây "sốc" cho DN, mà vẫn đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước.
Anh Minh