Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lực lượng Công an, Quản lý thị trường đẩy mạnh điều tra, giám sát các cơ sở sản xuất hàng giả, hàng nhái kết hợp với việc “mua tin” và sử dụng nguồn tin có hiệu quả từ các tầng lớp nhân dân trong chống nạn hàng giả. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Ngày 28/11, tại Hà Nội, Hiệp hội chống hàng giả, hàng nhái và Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) tổ chức Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái năm 2014.
Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia nêu rõ: Hàng giả, hàng nhái đang là vấn nạn của xã hội, phá hoại nền sản xuất trong nước, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân và gây thất thu ngân sách Nhà nước. Thấy rõ vấn đề này, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo cụ thể nhằm ngăn chặn và đẩy lùi vấn nạn này. Thủ tướng Chính phủ đã lấy ngày 29/11 hàng năm là “Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái” nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp đối với công tác này.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 389/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên cơ sở củng cố Ban Chỉ đạo 127. Các ban ngành, địa phương đã tích cực chủ động thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tích cực truy quét, bắt giữ nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả có giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương các bộ ngành, địa phương, tập thể và cá nhân đã có thành tích trong đấu tranh, phòng ngừa lại hàng giả, bảo vệ nền sản xuất trong nước và người tiêu dùng.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian qua. Đó là, tình hình này vẫn diễn biến rất phức tạp, cả về quy mô và tích chất, hành vi sản xuất hàng giả không chỉ trong nước mà cả nước ngoài. Những yếu kém trên có sơ hở, bất cập của chính sách pháp luật để đối tượng lợi dụng, một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ về tác hại của vấn nạn này, công tác tuyên truyền có lúc có nơi chưa hiệu quả...
Quang cảnh buổi lễ. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các Bộ, ngành địa phương cần đẩy mạnh công tác truyền thông, phát động các đợt cao điểm phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái để nâng cao ý thức của nhân dân, để người dân không bao che, tiếp tay, sử dụng hàng giả, hàng nhái, đặc biệt, công tác này phải làm thường xuyên, liên tục, bền bỉ; nơi nào để xảy ra buôn lậu, hàng giả hàng nhái người đứng đầu nơi đó phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.
Bên cạnh đó, cần củng cố lực lượng chuyên trách và chủ công chống hàng giả hàng nhái, có “sức đề kháng” tốt trước sự mua chuộc của kẻ xấu, tăng cường trang bị phương tiện và đào tạo, nâng cao năng lực phẩm chất đạo đức của các lực lượng này.
Phó Thủ tướng yêu cầu lực lượng Công an, Quản lý thị trường đẩy mạnh điều tra, giám sát các cơ sở sản xuất hàng giả, hàng nhái kết hợp với việc “mua tin” và sử dụng nguồn tin có hiệu quả từ các tầng lớp nhân dân. Cùng với đó, lên án các hành vi bao che cho buôn lậu và biểu dương, động viên kịp thời các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái.
Lê Sơn