Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tự hào người lính thợ Ba Son
Ngày 17/7/2014, tại Vùng 2 Hải quân, quốc kỳ và hải kỳ đã chính thức tung bay trên nóc ca-bin thượng tầng của hai tàu hộ vệ tên lửa lớp Molniya, số hiệu 377 và 378. Ngay sau đó, 2 tàu đã chính thức đưa vào biên chế để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong niềm vui và tự hào của những người lính thợ Ba Son. Đây là thành quả lao động sáng tạo, với tinh thần trách nhiệm cao của tập thể cán bộ, công nhân viên Tổng Công ty Ba Son. Giữa tháng 4/2015, cặp tàu tên lửa thứ 2, số hiệu 379 và 380, cũng đã xuất sắc vượt qua mọi thử thách của quy trình nghiệm thu, sẵn sàng cho việc chuyển giao, đưa vào trang bị, ghi thêm một dấu son trên con đường làm chủ kỹ thuật và công nghệ của ngành đóng tàu Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tàu hộ vệ tên lửa lớp Molniya là một trong những loại tàu có thiết kế phức tạp, ứng dụng nhiều thành tựu mới của khoa học công nghệ hiện đại. Tàu được tích hợp nhiều hệ thống thiết bị công nghệ cao, kết hợp tốt nhất giữa khả năng tiến công và phòng thủ như: các hệ thống vũ khí, khí tài, hệ thống động lực, hệ thống thiết bị điều khiển, hệ thống bảo vệ và kết cấu đảm bảo sức sống tàu, tính năng đi biển, hoạt động độc lập và các thiết bị khác.
Tàu Molniya rời bến thử nghiệm đường dài. Ảnh Mod.gov.vn |
Đại tá Nguyễn Mạnh Lân, Phó Tổng Giám đốc Kỹ thuật cho biết: Từ định hướng xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam tiến thẳng lên hiện đại, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và quân đội đã tập trung đầu tư, hiện đại cho lực lượng Hải quân. Nhưng điều quan trọng hơn là phải phát triển ngành công nghiệp đóng tàu để có thể làm chủ được việc sửa chữa, đóng mới các loại tàu cho hải quân. Yêu cầu này cũng đã được đề cập trong Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo và cũng là nhiệm vụ của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng trong công tác đảm bảo vũ khí, trang bị kỹ thuật cho quân đội. Sau 2 tàu hộ vệ tên lửa lớp Molniya đặt đóng tại Liên bang Nga, Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng đã quyết định tiếp nhận chuyển giao công nghệ để đóng mới các tàu loại này tại Việt Nam. Với sự phát triển về trình độ kỹ thuật, công nghệ, cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực… cùng những kinh nghiệm có được trong đóng mới nhiều loại tàu quân sự như tàu tuần tiễu cao tốc, tàu cho cảnh sát biển và nhiều sản phẩm kinh tế khác, Tổng Công ty Ba Son đã được lựa chọn để thực hiện nhiệm vụ này.
Năm 2005, những cán bộ đầu tiên của Tổng Công ty Ba Son đã được cử sang học tập, tiếp nhận chuyển giao công nghệ tại Liên bang Nga. Sau thời gian chuẩn bị, ngày 23/10/2009 quá trình đóng mới loạt tàu tên lửa hiện đại lớp Molniya chính thức bắt đầu. Tháng 4/2014, cặp tàu đầu tiên, số hiệu 377 và 378, đã thực hiện thành công quy trình nghiệm thu kỹ thuật; tháng 6/2014, Tổng Công ty Ba Son đã chính thức bàn giao cặp tàu này cho Quân chủng Hải quân.
Thành công đóng mới 2 tàu hộ vệ tên lửa lớp Molniya có ý nghĩa to lớn đối với ngành đóng tàu quân sự nói chung và Tổng Công ty nói riêng. Đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai đóng mới tàu tên lửa hiện đại, khẳng định việc ta hoàn toàn có thể làm chủ các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để chủ động trong việc đảm bảo vũ khí, trang bị cho quân đội. Đối với Tổng Công ty Ba Son, thành công này đã khẳng định năng lực, công nghệ, trình độ chuyên môn tay nghề của đơn vị trong đóng mới các loại tàu chiến hiện đại phù hợp với điều kiện Việt Nam, góp phần nâng cao sức chiến đấu cho lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam.
Làm chủ kỹ thuật hiện đại
Đến nay, có thể khẳng định: Tổng Công ty Ba Son đã hoàn thành việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ và đóng mới tàu hộ vệ tên lửa lớp Molniya, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng. Nhớ lại những ngày đầu khi được giao nhiệm vụ, Đại tá Nguyễn Mạnh Lân cho biết: Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, vừa mang tính đột phá về công nghệ, vừa mang tính chiến lược đối với sự phát triển của đơn vị và ngành đóng tàu quân đội, Đảng ủy, Ban Tổng Giám đốc - Tổng Công ty Ba Son đã xây dựng kế hoạch tổng thể với các giải pháp đồng bộ, hiệu quả trong tổ chức điều hành, từ chuẩn bị phương án công nghệ thi công, chuẩn bị trang thiết bị đồ gá cũng như phương án tiếp nhận, quản lý, cung ứng vật tư và các giải pháp bảo đảm an ninh an toàn.
Xác định công nghệ là yếu tố hết sức quan trọng, có tính then chốt, Tổng Công ty đã cử cán bộ, công nhân viên sang Liên bang Nga học tập, tiếp thu công nghệ đóng tàu quân sự theo các chuyên ngành khác nhau; cùng với đó là tiến hành đào tạo mới, đào tạo lại, đào tạo bổ sung đội ngũ cán bộ, nhân viên các ngành: vỏ tàu, ống, cơ khí, động cơ, điện, vũ khí - điện tử… đảm bảo chuyên môn hóa lực lượng đóng tàu. Ở đây cũng cần ghi nhận tinh thần nhiệt tình, trách nhiệm, năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công nhân viên Tổng Công ty trong học tập, vươn lên làm chủ khoa học - kỹ thuật công nghệ tiên tiến, nhất là trong đóng mới và sửa chữa các loại tàu hiện đại.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm và kiểm tra tiến độ đóng tàu tên lửa tại Tổng Công ty Ba Son. Ảnh Mod.gov.vn |
Theo quy trình công nghệ, việc đóng thân vỏ tàu và lắp ráp gồm rất nhiều công đoạn, nhưng các cán bộ, kỹ sư của Tổng Công ty Ba Son đã nghiên cứu, cải tiến, thực hiện phương pháp chế tạo thân vỏ tàu theo từng tổng đoạn. Cách làm này vẫn đảm bảo các yêu cầu công nghệ, lại phù hợp với điều kiện hiện có của xí nghiệp, thuận tiện cho công tác vận chuyển, vừa có thể cùng lúc bố trí được nhiều lực lượng làm ở nhiều công đoạn, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công việc, đảm bảo chất lượng.
Việc ứng dụng tự động hoá công nghệ hàn ti-tan cũng là một điểm sáng. Cái khó của công nghệ hàn ti-tan là phải thật chuẩn xác, vật liệu phải bảo đảm nghiêm ngặt yếu tố tốt và sạch. Nếu như quy trình công nghệ của nước ngoài sử dụng phương pháp hàn thủ công, phải hàn hai mặt mới xong, thì phương pháp hàn tự động một mặt ở Tổng công ty Ba Son chỉ cần một đường hàn là được cả hai mặt, lại bảo đảm ổn định về chất lượng và đạt độ thẩm mỹ cao hơn. Do nắm chắc công nghệ, yêu cầu chất lượng sản phẩm, Tổng Công ty đã nghiên cứu và đề xuất sử dụng nhiều vật liệu, trang bị có tính năng tương đương, độ tin cậy cao từ nguồn cung cấp trong nước để hạn chế nhập ngoại, do đó đã tiết kiệm được cho ngân sách Nhà nước hàng tỷ đồng.
Ngoài ra, những đồ gá, thiết bị đo, kiểm nghiệm hiện đại nhất cũng được đưa vào ứng dụng, như sử dụng thiết bị Easy laser trong cân chỉnh, kiểm tra, lắp ráp hệ trục chân vịt, các mặt phẳng chuẩn, lắp đặt các hệ thống vũ khí, khí tài… vừa đảm bảo độ chính xác cao, chất lượng tốt, chủ động trong việc bảo đảm kỹ thuật, vừa tiết kiệm ngoại tệ. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phóng dạng hạ liệu cũng góp phần tiết kiệm thép tấm, nhôm tấm và các nguyên vật liệu khác dùng trong đóng tàu.
Do làm chủ công nghệ, hiểu rõ các yêu cầu, nội dung của từng bài thử trong quy trình kiểm - thử các tính năng kỹ, chiến thuật của tàu, Tổng Công ty đã nghiên cứu, đề xuất kế hoạch thử nghiệm tàu theo từng cặp để kiểm tra khả năng đối hải; đồng thời, phối hợp với quân chủng Phòng không - Không quân sử dụng trực thăng, máy bay tiêm kích để thực hiện các bài kiểm tra, hiệu chỉnh khả năng đối không. Với phương pháp này, thay cho việc phải đưa tàu ra biển để kiểm tra, thử nghiệm từ 15 - 20 lần, thì nay chỉ cần 4 lần là kiểm tra, đánh giá được toàn bộ tính năng kỹ - chiến thuật của tàu.
Những ngày cuối tháng 4 này, hoà trong niềm vui của cả dân tộc Kỷ niệm 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1075 - 30/4/2015), những người lính thợ Ba Son còn có niềm tự hào riêng, khi cặp tàu hộ vệ tên lửa lớp Molniya thứ 2 do chính họ chế tạo đã được nghiệm thu, sẵn sàng để bàn giao, hoà cùng đội ngũ các lực lượng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi chợt nhớ đến lời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi đến thăm và làm việc tại Tổng Công ty Ba Son: “Muốn giữ gìn hòa bình, ổn định, chúng ta phải mạnh lên, cả về chính trị, kinh tế, quốc phòng; trong đó phải thúc đẩy phát triển công nghiệp quốc phòng, từng bước làm chủ công nghệ, kỹ thuật quân sự hiện đại”. Ngành đóng tàu quân đội, trong đó có Tổng Công ty Ba Son đã thực hiện xuất sắc lời căn dặn đó.
Theo Mod.gov.vn