
Khô hạn ở Ngọc Hồi- Ảnh Đ.Nhuận
Do nhận được lượng bức xạ mặt trời lớn nhất trong năm và chịu tác động của sự tranh chấp giữa các khối không khí: Không khí lạnh ở phương Bắc và không khí nóng do các áp thấp nóng phía Tây chi phối nên trong thời kỳ cuối mùa khô hàng năm ở Kon Tum thời tiết có khá nhiều biến động. Nắng nóng, lốc tố, dông sét, mưa đá thường đan xen xuất hiện gây ra những khó khăn trở ngại và đôi khi trở thành thiên tai ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt, sức khỏe và sản xuất của nhân dân.
Nắng nóng là một trong những dạng thời tiết có mức độ tác động khá mạnh, diện ảnh hưởng rộng, thời gian kéo dài và luôn gây ra nhiều trở ngại cho đời sống sinh hoạt, sức khỏe của con người. Nắng nóng do gió Tây khô nóng gây ra ở Kon Tum cũng được coi là hiện tượng thời tiết nguy hiểm đối với sản xuất nông nghiệp và đã từng gây ra những thiệt hại đáng kể cho một số địa phương, nhất là ở những vùng thung lũng thấp. Những ngày có gió Tây khô nóng xuất hiện nhiều trong các tháng 3, tháng 4 và tháng 5, đem lại thời tiết nắng nóng và độ ẩm khá thấp. Kết quả là nhiệt độ lúc 13giờ trưa có thể lên đến 35 0 C, một số vùng thung lũng hẹp có thể lên trên 37 0 C, độ ẩm thấp nhất ngày xuống dưới 50%, có nơi xuống dưới 20%. Hiện tượng này thường xuất hiện ở những vùng có độ cao dưới 800m. Sở dĩ có hiện tượng như vậy là do có sự kết hợp giữa gió Tây nắng nóng, độ ẩm thấp và bức xạ nhiệt giữa các sườn núi xuống khu vực thung lũng. Do vậy các vùng này là các vùng có nền nhiệt độ cao và trong năm có số ngày có gió Tây nắng nóng lạ thường không đặc trưng cho vùng núi cao nguyên lộng gió. Gió Tây khô nóng thường xuất hiện nhiều nhất trong tháng 4, trung bình từ 5 đến 7 ngày, những vùng thung lũng khuất gió có năm có tới 10 đến 17 ngày có gió Tây khô nóng xuất hiện trong tháng 4. Tháng 3 cũng là tháng có nhiều ngày có gió Tây khô nóng, thường từ 4 đến 10 ngày. Tháng 5 tuy đã có mưa nhiều nhưng số ngày có gió Tây khô nóng vẫn có thể đạt từ 3 đến 7 ngày.
Gió Tây khô nóng ở Kon Tum khác hẳn về bản chất với gió Tây Nắng nóng ở các vùng duyên hải Trung bộ và Khu Bốn cũ. Hiện tượng này đã được nhiều tác giả trong và ngoài nước nghiên cứu nhưng đến nay vẫn chưa có định nghĩa chính thống nào về hiện tượng này một cách thỏa đáng. Song dù sao những giá trị về mặt tiêu chuẩn, định lượng có tính quy ưóc trên đây của hiện tượng này cũng có ý nghĩa khoa học và thực tiễn của nó. Mặt khác, rõ rệt hiện tượng này cũng đã gây ra những tác hại trong sản xuất và đời sống cần được xếp vào dạng thời tiết đáng chú ý và phải có biện pháp phòng tránh. Các đợt gió Tây khô nóng xuất hiện sớm thường có tác hại nhất định tới cây trồng, nhất là lúa Đông Xuân cấy muộn đang trong thời kỳ làm đòng hoặc trổ bông nở hoa, phơi màu, gặp gió tây khô nóng sẽ làm cho tỷ lệ hạt lép tăng lên, khiến năng xuất, sản lượng giảm. Đối với vụ Hè Thu, các đợt gió Tây khô nóng vào đầu tháng 5 làm ảnh hưởng tới các ruộng mạ, lúa mới xạ, làm héo táp các loại cây trồng như bắp, lúa rãy, đậu đỗ các loại.
Việc đề phòng và hạn chế những tác hại của gió Tây khô nóng phụ thuộc nhiều vào cách thức canh tác trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh việc trồng xen, che phủ trên mặt đất, xới xáo đất, gieo trỉa đúng thời vụ,... thì công tác trồng các đai rừng có ý nghĩa rất lớn trong việc cải thiện tuần hoàn ẩm trên khu vực sản xuất và trồng trọt. Nhiều thực nghiệm cho thấy do tác động của các đai rừng mà tốc độ gió đã giảm đi 30 đến 40%. Ngoài tốc độ gió giảm, khả năng che bóng mát của lá cây đã giúp giảm lượng bốc thoát hơi của mặt đất. Đai rừng càng cao, càng dày thì tác dụng càng tốt. Trong khoảng cách từ 20 đến 30 lần độ cao của cây rừng sẽ là khu vực hữu hiệu để điều hòa khí hậu và điều hòa ẩm.
Năm nay, đến thời điểm giữa tháng 3, hoạt động của các đợt không khí lạnh còn ảnh hưởng khá rõ nét đến thời tiết tỉnh Kon Tum, do đó mà nhiệt độ còn tương đối thấp, nắng nóng mới chỉ chớm xuất hiện ở các vùng thung lũng nhưng cũng chưa tới mức gay gắt. Theo dự báo, trong tháng 4 nắng nóng sẽ xuất hiện thường xuyên và gay gắt hơn. Trong điều kiện nguồn nước khan hiếm như hiện nay thì nắng nóng có thể làm cho hạn hán trở nên trầm trọng hơn.
Nguyễn Văn Huy
Trung tâm KTTV tỉnh Kon Tum