Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch BritCham chia sẻ, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khối ASEAN mở cửa hoàn toàn vào tháng 3 năm 2022, đây là một quyết định rất táo bạo vào thời điểm đó và là hình mẫu cho các quốc gia khác noi theo.
Phía doanh nghiệp nước ngoài cũng ghi nhận nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp qua việc thành lập 3 Tổ công tác, tập trung vào việc tối ưu hóa thanh khoản tín dụng, hỗ trợ thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp cũng như thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu.
Theo Chủ tịch BritCham, trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng từ những hệ lụy do dịch COVID-19 gây ra và rủi ro từ suy thoái kinh tế toàn cầu, Chính phủ Việt Nam luôn bày tỏ sự ủng hộ đối với phát triển doanh nghiệp và không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường hành chính, pháp lý cũng như hỗ trợ các ngành ảnh hưởng nặng nề do dịch.
Điều này đã được thể hiện trong việc giảm thuế VAT xuống còn 8% vào năm 2023 và miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất đối với một số lĩnh vực.
Đề cập tới những đóng góp của doanh nghiệp Anh đối với sự phát triển kinh tế tại Việt Nam, ông Kenneth Atkinson cho biết, Vương quốc Anh là một trong những nhà đầu tư sớm nhất tại Việt Nam, với sự hiện diện của các tập đoàn năng lượng hàng đầu như BP và Shell và các công ty dịch vụ kiểm toán, thuế, giao dịch tài chính và tư vấn hàng đầu thế giới như Price Waterhouse, Ernst and Young, Grant Thornton và KPMG.
Bên cạnh đó, các ngân hàng lớn như HSBC và công ty bảo hiểm Prudential đang hoạt động rất thành công và tiếp tục mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Các doanh nghiệp này đóng góp vào việc đào tạo nhân viên, hỗ trợ lực lượng lao động tại Việt Nam đạt được trình độ chuyên môn quốc tế, và nâng cao các tiêu chuẩn đạo đức.
Chủ tịch BritCham cũng đề cập tới đóng góp của Tập đoàn dược phẩm toàn cầu Astra Zeneca nhằm giúp Việt Nam đạt được tỉ lệ tiêm chủng cao và sớm mở cửa hoàn toàn.
Giáo dục cũng là lĩnh vực mà nhiều doanh nghiệp Vương quốc Anh đang đầu tư tại Việt Nam với nhiều cơ sở giáo dục Anh quốc được thành lập tại nhiều địa phương, hiện có hơn 11.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Vương quốc Anh.
Kể từ những năm 1990, Vương quốc Anh không ngừng tăng cường đầu tư tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, bao gồm bảo hiểm, sản xuất, dược phẩm, du lịch. Vương quốc Anh hiện đang là một trong những nhà đầu tư châu Âu lớn nhất tại Việt Nam. Tính đến cuối năm 2022, các nhà đầu tư Anh quốc đã "rót" hơn 11 tỷ USD vào Việt Nam.
Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức, doanh nghiệp Anh vẫn phát triển mạnh mẽ nhờ có mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Anh rất tốt đẹp và hoạt động hiệu quả của Ủy ban Hỗn hợp Kinh tế và Thương mại giữa hai nước, ông Kenneth Atkinson bày tỏ.
Ngoài ra, nhiều công ty của Vương quốc Anh đã cử đại diện tham gia trong các nhóm công tác của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam và năm nay Britcham giữ vai trò đồng Chủ tịch tại Diễn đàn, qua đó đóng góp đáng kể vào sự phát triển của nhiều lĩnh vực của nền kinh tế bao gồm ngân hàng, điện và năng lượng, thuế...
Dù đầu tư nước ngoài cũng như thương mại có dấu hiệu chậm lại nhưng ông Kenneth Atkinson tin rằng, đây chỉ là hiện tượng tạm thời và các hoạt động đầu tư và thương mại sẽ sớm tăng trở lại.
Tuy nhiên, sự sụt giảm này cũng là tín hiệu và cơ hội để Chính phủ Việt Nam giải quyết một số vấn đề đang gây khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài nhằm thu hút đầu tư mới, bao gồm việc hoàn thiện Quy hoạch điện VIII.
Chủ tịch BritCham khuyến nghị, Việt Nam nên đơn giản hóa hơn nữa các bước xử lý đơn xin thị thực và cắt giảm thủ tục về giấy phép lao động cũng như đơn giản hóa Bộ luật Lao động để tạo điều kiện thuận lợi cho thủ tục cấp phép lao động cho người nước ngoài tại Việt Nam. Điều này sẽ cho phép doanh nghiệp thu hút những tài năng nước ngoài đến lao động tại Việt Nam.
Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam nên cùng với doanh nghiệp nước ngoài nghiên cứu về tác động của thuế tối thiểu toàn cầu và tác động của việc áp dụng loại thuế này đến quyền lợi của nhà đầu tư và môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Việt Nam nên tổ chức nhiều cuộc đối thoại hơn nữa với các nhà đầu tư nước ngoài nhằm xây dựng các giải pháp thiết thực, hiệu quả và kịp thời để bảo đảm đầu tư cũng như lợi ích cho doanh nghiệp trong trường hợp cắt giảm hoặc hủy bỏ các ưu đãi về thuế khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.
"Hơn nữa, sự tăng trưởng của nền kinh tế kỹ thuật số tại Việt Nam đòi hỏi phải phát triển hơn nữa cơ sở hạ tầng và dịch vụ kỹ thuật số như điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu. Do vậy, Việt Nam nên hài hòa các tiêu chuẩn trong nước với tiêu chuẩn quốc tế để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm trong lĩnh vực này." Chủ tịch BritCham khuyến nghị thêm./.
Thùy Dung