• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Chủ tịch nước: Việt Nam cần sự kết nối, chia sẻ và chung tay của cộng đồng quốc tế

(Chinhphu.vn) - Tối 31/8, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân chủ trì Lễ kỷ niệm 77 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2022). Tại đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu chào mừng. Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:

01/09/2022 09:04
Chủ tịch nước: Việt Nam cần sự kết nối, chia sẻ và chung tay của cộng đồng quốc tế - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: TTXVN

Thưa các Đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,

Thưa Ngài Đại sứ Saadi M. H. Salama, Trưởng Đoàn Ngoại giao, các vị Đại sứ, Đại biện, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam,

Thưa các vị khách quý!

1. Thay mặt Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam, tôi thân ái chào mừng các vị khách quý đến dự Lễ kỷ niệm trọng thể 77 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trời thu Hà Nội xanh thắm những ngày này như vẫn âm vang khí thế hào hùng của muôn triệu người dân đất Việt đứng lên giành độc lập, mùa thu tháng 8 cách đây 77 năm, và cách không xa nơi chúng ta đang dự lễ hôm nay là Quảng trường Ba Đình lịch sử, nơi mà ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập chính thức khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong Tuyên ngôn độc lập, áng văn lập quốc lịch sử, thay mặt cả dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nói lên tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường, khát vọng của mọi người dân đất Việt mà còn là tiếng nói tự tin, mạnh mẽ hướng tới mọi quốc gia, bạn bè và cả những đại cường trên thế giới về sự ra đời của một Nhà nước mới-Nhà nước Việt Nam, quốc gia không chỉ đề cao quyền con người, như nhiều quốc gia khác mà còn đề cao cả quyền dân tộc tự quyết, thể hiện cho khát vọng cháy bỏng “không có gì quý hơn Độc lập, Tự do” của dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam.

2. Kể từ Tuyên ngôn độc lập, nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức để giữ vững nền độc lập, thống nhất đất nước và đạt nhiều thành tựu xây dựng và phát triển đáng tự hào. Từ bản lĩnh cải cách mạnh mẽ của “Đổi mới” 1986, với nỗ lực bền bỉ, Việt Nam từ một nước chịu sự tàn phá bởi chiến tranh, kém phát triển, quan hệ đối ngoại hạn chế… nay đã vươn lên trở thành một nền kinh tế đang phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao; chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Với mức tăng GDP hàng năm trung bình khoảng 7% trong 35 năm qua, ngày nay, Việt Nam đứng trong top 40 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới, top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất. Việt Nam là nơi hội tụ của hàng vạn nhà đầu tư đến từ 140 quốc gia, vùng lãnh thổ, với gần 35.000 dự án FDI đang hoạt động có tổng vốn đầu tư gần 430 tỷ USD. 

Năm 2021, tổng kim ngạch đạt mức kỷ lục, khoảng 670 tỷ USD, tăng gần 23%. Việt Nam đã tham gia 15 Hiệp định FTA, trong đó có các FTA thế hệ mới, như CPTPP, EVFTA, RCEP… với tiêu chuẩn cao, ưu đãi thị trường rộng mở giúp Việt Nam tiếp cận dễ dàng hơn thị trường của 60 quốc gia, nền kinh tế, đã góp phần giúp cho phục hồi kinh tế nhanh, giữ nhịp độ tăng trưởng, mở rộng hợp tác...

Việt Nam thuộc nhóm nước đạt mức cao chỉ số HDI về phát triển con người. Tỷ lệ nghèo đa chiều (chuẩn Liên Hợp Quốc), năm 2020 giảm còn 4,8% (so với 9,9% năm 2016), thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục; phổ cập tiểu học năm 2000, phổ cập trung học cơ sở năm 2010, một số trường Đại học của Việt Nam đạt vị trí cao trong xếp hạng của châu Á... Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ MDG-2015 và đang nỗ lực thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững SDG-2030 của Liên Hợp Quốc; thực hiện cam kết COP26 về giảm phát thải...

Việt Nam có quan hệ đối ngoại ngày càng rộng mở, đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 190 quốc gia; quan hệ gắn bó với các nước láng giềng; thiết lập quan hệ ổn định lâu dài với 30 đối tác chiến lược và toàn diện. Chúng tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ Năm APEC 2017, Nước chủ nhà Thượng đỉnh Triều Tiên-Hoa Kỳ 2019, Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực, Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc 2020-2021.

Vừa qua, với tín nhiệm cao, Việt Nam tham gia Hội đồng Chấp hành UNESCO 2021-2025 và tái đắc cử vào Ủy ban Luật pháp quốc tế. Các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam và công an nhân dân Việt Nam đã tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình (PKO) đạt nhiều kết quả tích cực, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao... Trong dịch COVID-19, Việt Nam vẫn tiếp tục đưa quan hệ với nhiều đối tác đi vào chiều sâu, thực hiện ngoại giao chân thành “từ trái tim đến trái tim”, kiên định với đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập tự chủ, là đối tác có trách nhiệm, chủ động hội nhập quốc tế.

3. Từ đầu năm 2022 đến nay, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, ổn định chính trị xã hội, nền kinh tế đang phục hồi nhanh, GDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,42%, lạm phát được kiểm soát, bảo đảm các cân đối lớn về lương thực, năng lượng... Đời sống nhân dân được cải thiện, an sinh xã hội được triển khai tích cực. Độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng được đẩy mạnh. Đối ngoại được tăng cường, thích ứng hiệu quả với tình hình. Tự tin mở cửa du lịch quốc tế từ ngày 15/3/2022. Nhiều sự kiện quốc gia quan trọng được tổ chức thành công, nổi bật là SEA Games 31, làm thắm thêm tình đoàn kết “gia đình ASEAN” và quốc tế.

Thưa các Đồng chí và các Bạn,

4. Trên mỗi chặng đường đã qua, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, chúng tôi luôn nhận được sự đồng tình của cả cộng đồng quốc tế rộng lớn. Thay mặt Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam, tôi xin bày tỏ tình cảm chân thành, lời cảm ơn sâu sắc đối với sự ủng hộ, hỗ trợ quý báu, hợp tác hiệu quả của các quốc gia, các tổ chức, các đối tác quốc tế, các doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế và sự đóng góp chân tình của bạn bè, nhân dân thế giới dành cho Việt Nam.

Đặc biệt, vừa qua các quốc gia, tổ chức quốc tế, các bạn bè và đối tác trên khắp thế giới, dù cũng đang rất khó khăn vì dịch COVID-19, nhưng đã hỗ trợ, chia sẻ nguồn vaccine và thiết bị vật tư y tế để giúp Việt Nam, vào những lúc chúng tôi khó khăn nhất, cần thiết nhất. Tình bạn, tình hữu nghị, tình cảm sẻ chia quý báu đó được nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ và trân trọng.

Thưa các Đồng chí và các Bạn,

5. Tình hình quốc tế có nhiều cơ hội mới, nhất là xu thế số hóa lan rộng, đan xen với những biến động nhanh, khó lường, cạnh tranh địa-chính trị gay gắt tại khu vực và trên thế giới; các thách thức về an ninh phi truyền thống về năng lượng, lương thực, sự đứt gẫy các chuỗi cung ứng, tiến trình toàn cầu hóa chậm lại, biến đổi khí hậu, thiên tai khắc nghiệt… đang tác động sâu sắc đến tất cả các nước chúng ta.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới với khát vọng về phát triển Việt Nam hùng cường. Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định mục tiêu, nỗ lực phấn đấu: đến 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến 2045, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Hướng tới những mục tiêu đó đòi hỏi những quyết sách mạnh mẽ, trước hết là phát huy nội lực với sự đoàn kết của cả dân tộc thực hiện 4 định hướng chiến lược sau:

(i) Luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.

(ii) Tập trung triển khai ba đột phá chiến lược về hoàn thiện đồng bộ thể chế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng. Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững; gắn kết phát triển kinh tế-xã hội, với văn hóa, an sinh xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Xây dựng Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, chuyển đổi sang nền kinh tế số, kinh tế xanh.

(iii) Khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ, sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc.

(iv) Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại. Tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi. Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Thưa các Đồng chí và các Bạn,

6. Từ thực tiễn đã qua, chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng: để hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường, trước hết phải đoàn kết toàn dân tộc, phát huy “nội lực” là yếu tố quyết định, nhưng đó là “chưa đủ”. Việt Nam cần phải có sự ủng hộ, đồng hành, hợp tác cùng có lợi với cả cộng đồng quốc tế để có thêm “ngoại lực” làm mạnh thêm “quốc lực” chung cho phát triển nhanh, bền vững. Rất mong có sự kết nối, chia sẻ và chung tay của các nước và cả cộng đồng quốc tế, trong đó các vị Đại sứ, Đại biện, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam có vai trò rất quan trọng.

Cùng với các chương trình hợp tác song phương, đa phương chúng ta đã có, tôi đề xuất bốn ưu tiên hợp tác như sau:

Thứ nhất, duy trì hòa bình, ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc; duy trì một môi trường quốc tế thuận lợi cho hợp tác phục hồi kinh tế.

Thứ hai, tiếp tục đưa quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, thực chất, ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, bảo đảm chuỗi cung ứng bền vững, triển khai hiệu quả các thỏa thuận về chuyển đổi số, kinh tế xanh, hợp tác nguồn nhân lực, khoa học công nghệ,…

Thứ ba, đẩy mạnh hợp tác về biến đổi khí hậu, phòng, chống dịch bệnh, nâng cao năng lực y tế, an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, bất bình đẳng xã hội.

Thứ tư, tăng cường các hình thức kết nối, trao đổi đoàn các cấp, các đoàn đầu tư, thương mại, văn hóa và giao lưu nhân dân.

Thưa các Đồng chí và các Bạn,

7. Người ta thường nói, “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”. Trong thời gian qua, chúng ta đã cùng chia sẻ khó khăn và cùng nhau hợp tác, cùng phát triển bên nhau. Tôi mong các Đại sứ, Đại biện, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam tiếp tục thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa đất nước và các tổ chức quốc tế mà Quý vị đại diện với Việt Nam để chúng ta càng thêm gắn bó, nắm chặt tay nhau cùng vượt thách thức và cùng hành động hướng tới tương lai thịnh vượng.

Thông qua Quý vị, tôi xin gửi tới Lãnh đạo các quốc gia, tổ chức quốc tế lời chào trân trọng, lời cảm ơn chân thành và những lời chúc tốt đẹp nhất.

8. Trong không khí trang trọng, thân tình, hoà chung niềm vui “Tết Độc lập” với mọi người dân và trọng thể kỷ niệm 77 năm Quốc khánh, ngày 2/9, tôi đề nghị chúng ta cùng nâng cốc:

Vì một thế giới hoà bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng!

Vì quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam với các quốc gia, tổ chức và bạn bè quốc tế!

Vì hòa bình, hạnh phúc và phồn vinh của đất nước và nhân dân Việt Nam!

Chúc sức khỏe và hạnh phúc các Quý vị!

Xin trân trọng cảm ơn./.