Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, về nguyên tắc, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải bảo đảm đủ thuốc chữa bệnh, không để người bệnh phải mua ngoài trong thời gian điều trị nội trú. Nếu cho người bệnh tự mua thuốc bên ngoài sẽ có nhiều nguy cơ liên quan đến chất lượng thuốc, an toàn người bệnh, giải quyết tranh chấp khi có tai biến, rủi ro, lạm dụng chỉ định, bệnh nhân phải mua giá cao, khó xác định giá trong vấn đề thanh toán…
Thực tế, trong thời gian đại dịch COVID-19 và sau đại dịch, nhiều cơ sở y tế không đảm bảo đủ thuốc điều trị cho người bệnh, mà người bệnh phải ra ngoài mua thuốc điều trị.
Về vấn đề này, Bộ trưởng cho rằng, hiện nay, theo quy định, chưa có quy định về việc trực tiếp thanh toán cho bệnh nhân khi ra ngoài mua thuốc. Chính vì vậy, thời gian qua, Bộ Y tế đã triển khai một số giải pháp.
Thứ nhất, Bộ Y tế đề nghị các cơ sở y tế thực hiện các quy định liên quan đến mua thuốc, vật tư y tế để bảo đảm phục vụ khám chữa bệnh.
Thứ hai, đề xuất các cơ chế các cơ sở y tế có thể điều chuyển thuốc giữa các cơ sở khi các kết quả thầu còn hiệu lực.
Thứ ba, rà soát lại danh mục thuốc và dự kiến đầu năm 2024 sẽ bổ sung danh mục thuốc BHYT để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT.
Thứ tư, Bộ đã giao Vụ BHYT đang xây dựng thông tư hướng dẫn và sẽ lấy ý kiến của các bộ, ban, ngành, địa phương…
Liên quan đến thanh toán tổng mức của BHYT theo Nghị quyết của Chính phủ, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng, tại Nghị quyết 144 ngày 5/11/2022 của Chính phủ đã tháo gỡ vấn đề tổng mức về BHYT bị vượt tổng mức của năm 2021.
Trên cơ sở này, Bộ Y tế và các cơ sở y tế cùng Bảo hiểm Xã hội đã rà soát các nội dung chi để thực hiện đúng theo các quy định. Hiện nay, tổng mức trên cơ sở rà soát là hơn 1.000 tỷ đồng. Hiện, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang phối hợp với các cơ sở y tế để thanh toán.
Hiền Minh