Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân |
Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân: Chương trình đã bám sát Nghị quyết 29, song cần phải cụ thể, rõ ràng hơn nữa. Tôi rất lo chúng ta đề ra nhiều đề án nhưng sau khi tổng kết lại không thực hiện được bao nhiêu.
Đơn cử, trong nhiệm vụ phê duyệt mạng lưới các cơ sở nghiên cứu khoa học, giáo dục và khoa học quản lý công trước năm 2016 được nêu trong Dự thảo Chương trình thì trong Nghị quyết 20-NQ/TW (khóa XI) cũng đã giao cho Bộ KHCN xây dựng mạng lưới tổ chức KHCN công lập, mà các trường ĐH của chúng ta cũng là một loại hình tổ chức KHCN. Vì vậy, có thể có sự chồng chéo, trùng lặp.Hoặc là nhiệm vụ thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học cần thực hiện như thế nào? Trên thực tế Bộ KHCN đã đề xuất với Bộ GDĐT phát triển mô hình đại học nghiên cứu, đội ngũ làm nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp. Sau năm 1992 các trường ĐH không còn biên chế người làm nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp, nhiều trường ĐH không cập nhật được các kiến thức mới trong nghiên cứu cơ bản. Mối liên hệ giữa các trường và các Viện nghiên cứu cơ bản rất lỏng lẻo. Vì vậy nếu đặt ra vấn đề thì phải có đề án chi tiết, cụ thể mới có thể thực hiện được.
![]() |
Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM Phan Thanh Bình |
Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM Phan Thanh Bình: Tôi cho rằng quan điểm và nhận thức của chúng ta về giáo dục là hết sức quan trọng khi triển khai thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. Chương trình hành động cần xác định rõ mục tiêu, thời gian thực hiện cụ thể đặt ra đối với việc thực hiện đổi mới giáo dục, đào tạo.
Tôi vẫn suy nghĩ hình như đào tạo phổ thông của chúng ta đang đi sâu đào tạo các chuyên gia, dạy các em học rất nhiều, rất sớm, trong khi, đối với tôi đơn giản là để đào tạo những công dân có ý thức, trách nhiệm trước xã hội. Như vậy đòi hỏi với các em sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Còn hiện nay từ gia đình, nhà trường đến xã hội đều muốn các em là những thiên tài, bắt các em học rất nhiều, chuẩn bị đủ thứ. Do đó, cần đánh giá hiện nay chương trình học của chúng ta đang như thế nào, đang ở đâu?
Nền giáo dục nhiều nước trên thế giới đều quan tâm đến một con người toàn diện, trên nền tảng đó đào tạo ra những công nhân, kỹ sư, chuyên gia tốt. Và thực tế, có những học sinh bình thường ở Việt Nam khi đào tạo ở nước ngoài đã trở thành viên chức tốt, nhà khoa học giỏi. Vì vậy, mục tiêu đổi mới giáo dục phải hướng đến việc tạo ra được khối lượng nhân lực đủ lớn, đủ tốt để phục vụ phát triển đất nước.
Bên cạnh đó là cơ chế đầu tư phát triển cho giáo dục, nhất là trong huy động nguồn lực từ xã hội, đang rất hạn chế, bất cập trong khi khái niệm giáo dục xuyên biên giới đã trở nên phố biến. Nhiều nước tăng cường thu hút sinh viên nước ngoài, vừa để truyền bá khoa học công nghệ, chọn được những người giỏi, tuyên truyền văn hóa, thu lợi từ giáo dục. Chương trình cũng cần đặt ra, xem xét, nghiên cứu vấn đề này.
Thứ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Thế Phương: Vấn đề xã hội hóa giáo dục, đào tạo, chúng ta nói rất nhiều nhưng làm chưa được bao nhiêu mà đây là nguồn lực cần phải quan tâm hơn. Hiện tỷ trọng chi đầu tư từ ngân sách Nhà nước/tổng đầu tư xã hội ngày càng ít đi, trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo cũng vậy. Nếu để thực hiện tất cả các đề án trong Chương trình mà chỉ trông chờ vào nguồn lực Nhà nước thì sẽ rất khó, do đó, chúng ta cần đặt ra vấn đề huy động nguồn lực xã hội, đặc biệt là sự tham gia của DN là rất quan trọng.
![]() |
Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam Nguyễn Xuân Thắng |
Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam Nguyễn Xuân Thắng: Chương trình đã gợi mở những ý tưởng hay, khả thi, đúng hướng trong đổi mới giáo dục, đào tạo, song chúng ta cần dành trọng tâm ưu tiên để gỡ những nút thắt khó khăn nhất của giáo dục là: Đổi mới giáo trình, chương trình; quản lý chặt chẽ, kiểm định chất lượng đầu ra; cách thức, chế độ đãi ngộ trong đào tạo và sử dụng giáo viên.
Bên cạnh đó cần có sự tích hợp để đảm bảo nguồn lực đầu tư có hiệu quả, đơn cử trong việc thực hiện một số đề án về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.
Một số đề án được nêu trong Chương trình nên được phân công thực hiện cho một số bộ, ngành làm cơ quan đầu mối thay vì tập trung vào Bộ GDĐT. Ví dụ, chúng ta mở rộng sự hội nhập về giáo dục đào tạo, khả năng đầu tư của nước ngoài theo hướng mở trường quốc tế nên chăng cần giao cho Bộ KHĐT, còn Bộ GDĐT cử cán bộ để phối hợp thực hiện, đảm bảo định hướng về giáo dục, đào tạo.
![]() |
Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phùng Xuân Nhạ |
Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phùng Xuân Nhạ: 40 đề án được đề ra trong Chương trình cần có sự ưu tiên, phân công rõ ràng, cụ thể, cần bổ sung vai trò, huy động nguồn lực của 2 Đại học quốc gia, 2 Viện Hàn lâm trong thực hiện một số đề án.
Chúng ta nên bổ sung nhiệm vụ rà soát, sắp xếp hệ thống giáo dục quốc dân vào Chương trình hành động. Có thể chưa làm ngay được nhưng cũng phải tính từ bây giờ để phục vụ cho việc sắp xếp, xây dựng các chương trình, bậc học rõ ràng hơn sau khi đã có thiết kế tổng thể.
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp: Vấn đề phân luồng trong đào tạo nghề gắn với sử dụng cần được nhấn mạnh hơn trong Chương trình. Thực tế tại một số địa phương số học sinh học trung cấp nghề chỉ bằng 1/10 số sinh viên học cao đẳng, đại học. Ví dụ, Hà Tĩnh mỗi năm 9.000 sinh viên theo học cao đẳng, đại học, 800 em học nghề. Bến Tre có 7.000 em học đại học, cao đẳng và 600 em học nghề. Để khắc phục tình trạng này, cần phải thông tin cụ thể về dự báo nhu cầu nhân lực trong từng năm và trong kế hoạch 5 năm để xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp. Đồng thời cần huy động vai trò của DN trong đào tạo cũng như cung cấp nhu cầu nhân lực để ngành Giáo dục, đào tạo xây dựng, phân bổ chỉ tiêu đào tạo.
GS.TSKH Nguyễn Minh Đường (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam): Tôi tán thành Dự thảo Chương trình hành động nhấn mạnh đến việc đổi mới căn bản hình thức và phương pháp kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; định hướng xây dựng nội dung giáo dục mở, xã hội học tập…
![]() |
GS.TSKH Nguyễn Minh Đường |
Bên cạnh đó, định hướng xã hội hóa giáo dục cần phải được thực hiện với quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa. Bởi chưa một nước nào có đủ ngân sách Nhà nước dành cho giáo dục. Nhiều nước xã hội hóa giáo dục rất cao, đại bộ phận là các trường tư còn trường công chỉ một phần. Tuy nhiên, để phát triển trường tư, trường ngoài công lập cần có chính sách hợp lý, có sự đầu tư nhất định của Nhà nước và đặc biệt phải có sự quản lý kiểm soát chất lượng chặt chẽ của Bộ GDĐT chứ không thể thả nổi, cứ tự do tuyển sinh rồi đào tạo ra chất lượng kém, sinh viên tốt nghiệp không có việc làm. Nhất là đào tạo nghề, chúng ta cần xã hội hóa hơn nữa. Đặc biệt những nghề như nấu ăn, may mặc, làm tóc, trang điểm hãy để xã hội làm. Nhà nước chỉ đầu tư dạy nghề những lĩnh vực then chốt, cốt yếu và đòi hỏi đầu tư lớn mà tư nhân không muốn hoặc không thể làm.
Đồng thời, khắc phục tình trạng đào tạo không gắn với sử dụng. Tôi đề nghị hằng năm cơ quan quản lý lao động cần xây dựng kế hoạch phát triển nhân lực dựa trên kế hoạch phát triển kinh tế, quy hoạch phát triển kinh tế dài hạn tầm nhìn 5 năm, 10 năm.
Cơ quan quản lý, cơ quan sử dụng lao động cần xây dựng quy hoạch trong năm nay hoặc năm sau hoặc 5 năm tới cần bao nhiêu nhân lực cho các ngành cơ khí, may mặc, điện tử, điện, hàn… và nhà trường dựa vào đó để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng cho nhu cầu của thị trường.
Minh Khôi-Nguyệt Hà (ghi)