• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Chuyên ngành truyền nhiễm: Cần chế độ hỗ trợ và đãi ngộ xứng đáng

(Chinhphu.vn) – Chỉ sau khi đại dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát trên toàn cầu, chúng ta mới thấy được tầm quan trọng thực sự của các bác sĩ truyền nhiễm và chuyên ngành truyền nhiễm trong đào tạo nhân lực y tế hiện nay - một chuyên ngành được đánh giá vất vả, nhiều nguy cơ lây nhiễm, thậm chí bị kỳ thị và ít sinh viên theo học.

06/03/2023 15:24
Chuyên ngành truyền nhiễm: Cần chế độ hỗ trợ và đãi ngộ xứng đáng - Ảnh 1.

TS. Vũ Quốc Đạt: Những chính sách mới trong Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua là tín hiệu tích cực đối với ngành truyền nhiễm ở nước ta - Ảnh: VGP/Hiền Minh

Xung quanh nội dung này, phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với TS. Vũ Quốc Đạt, giảng viên Bộ môn Truyền nhiễm (Trường Đại học Y Hà Nội), Phó trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới và can thiệp giảm hại (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), thành viên nhóm Cố vấn chiến lược và kỹ thuật cho các bệnh truyền nhiễm bị quên lãng của WHO.

Là một chuyên gia được đào tạo bài bản ở nước ngoài và có nhiều năm gắn bó với ngành truyền nhiễm, ông có thể cho biết thực trạng của chuyên ngành truyền nhiễm hiện nay ở nước ta như thế nào?

TS. Vũ Quốc Đạt: Theo quy định của Luật Phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, tất cả các bệnh viện từ tuyến quận/huyện trở lên đều phải thiết lập một đơn vị điều trị bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, nhân lực phục vụ cho đơn vị này còn rất hạn chế.

Đây chính là lý do tại sao ở nhiều bệnh viện, thậm chí các bệnh viện đa khoa tuyến Trung ương cũng chưa thành lập được các khoa truyền nhiễm, vì chính họ cũng chưa đủ nhân lực.

Tại nhiều bệnh viện tuyến tỉnh cũng chưa thiết lập được khoa truyền nhiễm riêng, chuyên môn truyền nhiễm thường nằm trong khoa nội hoặc một số khoa khác.

Một dẫn chứng rất dễ thấy, ngay trong đại dịch COVID-19 vừa qua, khi chúng ta rất cần các bác sĩ truyền nhiễm, nhưng lực lượng này rất ít. Những bác sĩ truyền nhiễm được đào tạo bài bản như nội trú, chuyên khoa I, chuyên khoa II lại chủ yếu tập trung ở tuyến Trung ương.

Các bác sĩ ở các tuyến khác rất ít, chủ yếu là các bác sĩ kiêm nhiệm. Tức là các bác sĩ đã được đào tạo ở các chuyên ngành khác, như nội khoa, da liễu… sang điều trị các bệnh truyền nhiễm, hoặc quản lý về bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện.

Nhận thấy bất cập này, năm 2023, Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi chính thức được Quốc hội thông qua, trong đó có chính sách khuyến khích, động viên người học chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu.

Cụ thể, hỗ trợ hoàn toàn học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học đối với người học một trong các chuyên ngành này nếu học tại các cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của Nhà nước; hỗ trợ tiền đóng học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học đối với người học một trong các chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu tương ứng với mức quy định nếu học tại các cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của tư nhân.

Đây chính là tín hiệu tích cực đối với ngành truyền nhiễm ở nước ta, bởi trong nhiều năm, truyền nhiễm không được coi là bệnh được hỗ trợ về đào tạo cũng như sinh hoạt phí, trong khi môi trường làm việc khắc nghiệt, thu nhập thấp nên rất ít người theo học chuyên ngành này.

Mới đây, Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi đã quy định một số chính sách mới đối với những người theo học chuyên nhiễm. Ông có kỳ vọng gì vào chính sách mới này?

TS. Vũ Quốc Đạt: Với những quy định mới trong Luật Khám chữa bệnh sửa đổi (năm 2023) sẽ có nhiều thuận lợi cho các bác sĩ chuyên ngành truyền nhiễm, vì đây là một ngành hiện đang rất khó tuyển sinh, chi phí đào tạo cũng rất lớn. Vì vậy, được hỗ trợ học phí, cũng như chi phí sinh hoạt theo quy định của Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi sẽ hỗ trợ người học lựa chọn chuyên ngành này nhiều hơn. Như vậy, ít nhất chúng ta sẽ bảo đảm việc đào tạo bác sĩ truyền nhiễm.

Tuy nhiên, hiện nay, những bác sĩ sẵn sàng theo học chuyên ngành truyền nhiễm rất ít, vì đây được coi là chuyên ngành vất vả, làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao, phụ cấp thấp… nên người học không mặn mà và không thực sự mong muốn gắn bó với chuyên ngành này.

Bên cạnh đó, trong chương trình đào tạo chuyên ngành truyền nhiễm cho sinh viên hiện nay chỉ kéo dài 3 tuần. Cách đây khoảng 10 năm, chương trình đào tạo truyền nhiễm cho bác sĩ y khoa kéo dài 8 tuần. Tức là thời gian đào tạo chuyên ngành này đã bị rút ngắn đi rất nhiều, điều đó gây khó khăn trong việc huy động nhân lực y tế trong công tác phòng chống dịch.

Bài học trong đợt dịch COVID-19 cho thấy, khi chúng ta không đủ nhân lực, phải huy động các bác sĩ các chuyên ngành khác, như sản, mắt, da liễu… để cùng điều trị bệnh COVID-19.

Để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần mở rộng yêu cầu về đào tạo ngành truyền nhiễm cho các chuyên khoa khác, để khi cần chúng ta có thể điều động, huy động nhân lực thuận lợi hơn, đỡ tốn thời gian trong đào tạo.

Chuyên ngành truyền nhiễm: Cần chế độ hỗ trợ và đãi ngộ xứng đáng - Ảnh 2.

Chuyên ngành truyền nhiễm cần chế độ hỗ trợ và đãi ngộ xứng đáng - Ảnh: VGP/Hiền Minh

Vậy, những chuyên ngành nào có thể học luôn chuyên ngành truyền nhiễm, thưa ông?

TS. Vũ Quốc Đạt: Thứ nhất, chúng ta có thể đưa truyền nhiễm trở thành chương trình đào tạo bắt buộc cho một số chuyên ngành gần, như hồi sức cấp cứu, nhi khoa, nội khoa… Ví dụ, hiện nay trong chương trình đào tạo của Trường Đại học Y Hà Nội, tất cả các bác sĩ nội khoa học chuyên ngành nội, chuyên ngành nhi đều bắt buộc phải học chuyên ngành truyền nhiễm. Đối với chuyên ngành hồi sức cấp cứu hiện nay chưa có chứng chỉ riêng thì nên cân nhắc.

Thứ hai, cần mở rộng thời gian đào tạo chuyên ngành truyền nhiễm, vì truyền nhiễm có đặc thù so với các bệnh khác, đó là thường xảy ra khi bùng phát dịch. do đó, không phải lúc nào trong năm số lượng bệnh nhân truyền nhiễm cũng cao, nên việc sử dụng quá nhiều nguồn lực để xây dựng lực lượng truyền nhiễm có thể lãng phí.

Tuy nhiên, chúng ta phải bảo đảm, khi cần vẫn phải đủ nhân lực để điều động. Hay nói cách khác, lực lượng truyền nhiễm cần được coi giống như lực lượng phòng cháy chữa cháy, chúng ta phải có một lực lượng đủ mạnh, tinh nhuệ để khi cần sẽ điều động ngay lập tức. Tất nhiên, chúng ta không mong muốn dịch bệnh xảy ra, nhưng nếu có dịch xảy ra thì phải có lực lượng đó để đối phó.

Xin ông chia sẻ những khó khăn khiến bác sĩ truyền nhiễm khi ra trường không mặn mà với nghề?

TS. Vũ Quốc Đạt: Đó là mối quan tâm của xã hội, của các nhà đầu tư (các bệnh viện tư nhân) về bệnh truyền nhiễm rất hạn chế, vì bệnh truyền nhiễm đến nay vẫn bị phân biệt đối xử, kỳ thị nên ít người muốn đầu tư và không muốn công tác trong ngành nghề này.

Bên cạnh đó, thu nhập của các bác sĩ truyền nhiễm rất thấp so với các chuyên ngành khác. Chuyên ngành truyền nhiễm có đặc thù, căn nguyên sinh bệnh là vi sinh vật, nên thuốc sẽ là vật dụng duy nhất để điều trị cho bệnh nhân; các can thiệp khác cho bệnh nhân truyền nhiễm tương đối hạn chế, không được đầu tư và phát triển.

Ngoài ra, vấn đề mang tính hệ thống, đó là dù Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định, các bệnh viện đa khoa từ tuyến huyện trở lên phải có khoa truyền nhiễm, nhưng các bệnh viện đều không thiết lập được vị trí việc làm do không có người học chuyên ngành này ứng tuyển, thậm chí còn có bệnh viện chưa quan tâm đầu tư đến chuyên ngành truyền nhiễm.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều địa phương hiện nay có một số chính sách đãi ngộ đối với các bác sĩ truyền nhiễm, đa số là các bác sĩ trẻ mới ra trường, tuy nhiên, chỉ thời gian ngắn sau, họ lại chuyển sang môi trường khác để làm việc.

Chuyên ngành truyền nhiễm có rất nhiều mặt bệnh. Để bảo đảm được thì cần có tính bền vững. Tức là không phải hỗ trợ trong thời gian đào tạo mà cần hỗ trợ và có sự đãi ngộ khi họ làm nghề. Vì sau thời gian đào tạo, nếu chế độ đãi ngộ không tương xứng thì họ cũng không thể gắn bó với nghề truyền nhiễm.

Việc hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí cho người học theo quy định mới sẽ bảo đảm hỗ trợ cho những người học chuyên ngành truyền nhiễm trong một giai đoạn ngắn (ví dụ, học nội trú 3 năm, học chuyên khoa 1 là 2 năm). Tuy nhiên, sau khi học xong, chúng ta lại chưa có chế độ đãi ngộ xứng đáng để họ gắn bó với bệnh nhân và chuyên ngành này.

Đây là vấn đề tôi cho rằng, thời gian tới, các nhà hoạch định chính sách nên cân nhắc để có những đặc thù riêng nhằm bảo đảm đào tạo nguồn nhân lực rất khó tuyển sinh này.

Theo ông, còn những thách thức nào đối với chuyên ngành chuyên nhiễm hiện nay?

TS. Vũ Quốc Đạt: Thứ nhất là học. Hiện nay số cơ sở thực hành về truyền nhiễm cho sinh viên rất ít. Ngoài Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, thì tại Hà Nội chỉ có một số cơ sở truyền nhiễm lớn, trong đó có Bệnh viện Bạch Mai, Bẹnh viên Đại học Y Hà Nội. Tuy nhiên, các khoa truyền nhiễm tương đối nhỏ nên môi trường đào tạo cho sinh viên còn thấp.

Thứ hai là việc dạy. Rõ ràng sự đãi ngộ về nghề nghiệp của các em không nhiều, nên sinh viên không thực sự hào hứng khi lựa chọn chuyên ngành này để xây dựng sự nghiệp của mình.

Thứ ba, chương trình đào tạo chuyên ngành truyền nhiễm cũng không được đều đặn cập nhật, sửa đổi vì không có kinh phí hỗ trợ.

Đã bao giờ ông thấy tủi thân khi sinh viên theo ngành của mình quá ít so với các chuyên ngành khác?

TS. Vũ Quốc Đạt: Có chứ. Có những chương trình mà sau khi sinh viên ra trường để thi bác sĩ nội trú thì các em thường lựa chọn chuyên ngành từ cao đến thấp và luôn luôn truyền nhiễm, lao là những chuyên ngành cuối cùng; khi chỉ tiêu của các chuyên ngành khác đã hết thì các bạn mới cân nhắc lựa chọn.

Ở các quốc gia khác, chuyên ngành truyền nhiễm rất được chú trọng. Các bác sĩ truyền nhiễm có rất nhiều chương trình học, có học bổng rất cao để họ nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm.

Hiện tại, mỗi năm ở nước ta đào tạo được khoảng 25 bác sĩ chuyên ngành truyền nhiễm sau đại học. Nếu tính tổng số bệnh viện tại Việt Nam khoảng 1.200 cơ sở, theo đúng quy định của Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi thì mỗi cơ sở phải có 1 khoa truyền nhiễm, mỗi khoa ít nhất phải có 4 bác sĩ. Như vậy chúng ta đang thiếu khoảng 4.000 bác sĩ truyền nhiễm. Trong khi số lượng bác sĩ ra trường mỗi năm quá ít.

Xin cảm ơn ông!

Hiền Minh (ghi)