Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có chuyến thăm chính thức đến Hàn Quốc từ ngày 30/6 đến ngày 3/7, phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc phỏng vấn Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu về hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong thời gian qua, những chiến lược phát triển du lịch trong thời gian tới và kỳ vọng về những kết quả đạt được trong hợp tác du lịch giữa hai nước trong chuyến thăm lần này của Thủ tướng.
Ông Hà Văn Siêu nhấn mạnh, chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ đến Hàn Quốc sẽ tạo tiền đề quan trọng tiếp tục thúc đẩy hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Hàn Quốc cất cánh. Nhân dịp này ông Hà Văn Siêu cùng đoàn của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng tháp tùng Thủ tướng trong chuyến đi để chuẩn bị cho những kết hợp tác giữa cơ quan du lịch quốc gia, các doanh nghiệp, các đối tác, các dự án đầu tư phát triển giữa hai bên.
- Mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong 32 năm qua đã đạt được thành quả vô cùng đáng quý, trong đó phải kể đến sự tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, du lịch đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy trao đổi giữa hai nước. Ông đánh giá như thế nào về hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong thời gian qua, thưa ông?
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Hà Văn Siêu: Việt Nam và Hàn Quốc trải qua hơn 32 năm quan hệ hữu nghị và hợp tác, được nâng tầm lên Đối tác Chiến lược toàn diện từ năm 2022, đã đạt được nhiều thành quả tích cực trên mọi lĩnh vực. Đặc biệt, hợp tác du lịch là điểm sáng nổi bật, với sự phát triển vượt bậc cả về quy mô và chất lượng. Du lịch phát triển đã góp phần quan trọng làm sâu sắc hơn nữa tình hữu nghị, sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, nhờ đó làm cho giao lưu, hợp tác về văn hóa, giáo dục, đầu tư, thương mại… ngày càng mở rộng và hiệu quả.
Hiệp định hợp tác du lịch Việt Nam-Hàn Quốc được ký ngày 31/8/2002 đã đánh dấu mốc quan trọng, tạo tiền đề và cơ sở vững chắc để Việt Nam và Hàn Quốc tăng cường hợp tác trên lĩnh vực du lịch. Kể từ đó, trao đổi khách du lịch hai chiều đã tăng hơn 46 lần, từ 105.000 lượt khách năm 2002 lên 4,8 triệu năm 2019.
6 tháng đầu năm 2024, lượng khách Hàn Quốc đến Việt Nam đã đạt 2,28 triệu lượt, tăng 42% so với cùng kỳ 2023 - phục hồi vượt 10% cho với năm 2019 thời điểm trước dịch và chiếm tới 28% tổng dung lượng thị trường khách quốc tế đến Việt Nam. Hàn Quốc đã trở thành thị trường gửi khách số 1 của du lịch Việt Nam. Ở chiều ngược lại, lượng khách Việt Nam đến Hàn Quốc tăng lên không ngừng, năm 2023 đạt trên 420.000, xếp thứ 5 thị trường gửi khách tới Hàn Quốc và xếp thứ 1 từ ASEAN.
Kết quả đó đã góp phần đưa du lịch Việt Nam phát triển vượt bậc trong thời gian qua và đang dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Chính sự hợp tác phát triển du lịch hai chiều mạnh mẽ đó đã lan tỏa thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực khác ở mỗi nước và cộng sinh cùng thắng giữa hai bên; giao lưu nhân dân thuận tiện với sự thấu hiểu và tin cậy trong hợp tác về văn hóa, giáo dục, đầu tư, thương mại…
Đến nay, du khách và nhà đầu tư Hàn Quốc luôn được hoan nghênh chào đón bằng sự nồng hậu, chí tình của người Việt và qua đó đã khơi dậy tình yêu chân thành của người Hàn Quốc. Họ đã coi Việt Nam như ngôi nhà thứ hai, quê hương thứ hai, hứa hẹn nhiều cơ hội, triển vọng và thành công ở Việt Nam. Có thể nói, đây là thàng tựu sáng chói đầy ý nghĩa và rất đáng tự hào trong quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam-Hàn Quốc, mà du lịch góp phần quan trọng.
- Theo ông, thế mạnh của du lịch Việt Nam thu hút khách du lịch Hàn Quốc ở điểm nào và làm thế nào để tiếp tục phát huy những thế mạnh đó?
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Hà Văn Siêu: Việt Nam là đất nước tươi đẹp, giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, thiên nhiên hùng vĩ, con người hiền hòa, nồng hậu, mến khách, sản phẩm du lịch phong phú, đặc sắc luôn là điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch quốc tế, đặc biệt đối với du khách đến từ Hàn Quốc, từ những bãi biển tuyệt đẹp, những khu nghỉ dưỡng chất lượng cao, như Sapa, Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, đến những cảnh quan kỳ vĩ của vịnh Hạ Long, Tràng An, sự huyền bí, hấp dẫn, thơ mộng của Đà Lạt, cao nguyên Đá Đồng Văn, hồ Ba Bể, thác Bản Giốc, cho tới vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long...
Không chỉ vậy, những di sản mang đậm dấu ấn lịch sử, như Hoàng thành Thăng Long, Cố đô Huế, phố cổ Hội An... đã làm nên "Vẻ đẹp bất tận Việt Nam", cuốn hút du khách, nhà đầu tư Hàn Quốc đến khám phá, trải nghiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư phát triển.
Có thể nói, ngoài một Việt Nam - vẻ đẹp bất tận, thì điểm đặc biệt thu hút khách Hàn Quốc chính là văn hóa và con người Việt Nam rất đặc sắc, có một không hai trên thế giới, với tình cảm đặc biệt dành cho người Hàn Quốc; đó là sự tương đồng, gần gũi như huyết thống, sự ấm áp từ trái tim, sự tin cậy và chân thành trong giao tiếp và sẵn lòng hiếu khách, luôn hoan nghênh chào đón và tận tâm giúp đỡ.
Đến với Việt Nam, các bạn Hàn Quốc luôn nhận được sự đón tiếp nồng hậu, cảm nhận thấy sự chí tình, chí nghĩa của người Việt.
Sự ân nghĩa trong quan hệ hữu nghị hợp tác ấy còn thể hiện ở chính sách miễn thị thực đơn phương của Việt Nam dành cho công dân Hàn Quốc. Bởi vậy mà chúng ta rất vui khi thấy ở Hàn Quốc đã nổi lên những làn sóng, những "cơn sốt" đi du lịch Việt Nam. Du lịch Việt Nam tiếp tục ghi điểm tại thị trường Hàn Quốc.
- Xin ông cho biết chiến lược quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc sẽ được thực hiện như thế nào trong thời gian tới?
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Hà Văn Siêu: Nhận thức được tiềm năng, thế mạnh đặc thù của du lịch Việt Nam, đặc biệt là điểm cộng riêng có trong quan hệ hữu nghị hợp tác du lịch Việt Nam-Hàn Quốc trong suốt 32 năm qua, ngành du lịch Việt Nam có chiến lược riêng trong xúc tiến, quảng bá vào thị trường Hàn Quốc.
Trong giai đoạn vừa qua, bên cạnh những chính sách đổi mới, cởi mở thuận lợi, chúng ta đã nỗ lực, dày công, kiên trì giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, vẻ đẹp văn hóa và thiên nhiên Việt Nam đến với thị trường Hàn Quốc và đã gặt hái được những thành quả đáng ghi nhận nêu trên. Tuy nhiên, với tầm nhìn chiến lược phát triển vươn lên tầm cao về tính chuyên nghiệp, hiệu quả và bền vững trong bối cảnh cạnh tranh, công nghệ và toàn cầu hóa đòi hỏi du lịch Việt Nam cần phải đổi mới toàn diện, đặc biệt trong xúc tiến, quảng bá du lịch.
Đối với thị trường Hàn Quốc, hằng năm chúng ta vẫn sẽ tiếp tục triển khai các chiến dịch quảng bá du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc, như giới thiệu điểm đến, khảo sát điểm đến, tuần văn hóa-du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc, hội chợ du lịch, sự kiện, kết nối doanh nghiệp… nhưng chuyên nghiệp hơn, đa dạng và lựa chọn đúng phân khúc thị trường mục tiêu.
Chiến lược tập trung quảng bá sản phẩm chất lượng cao, sản phẩm xanh, chuyên biệt có hàm lượng văn hóa và công nghệ cao có tiêu điểm nhằm vào thị trường mới ở phân khúc cao cấp có tính cá biệt cao, như du lịch MICE, du lịch nghỉ dưỡng-công vụ (bleisure), du lịch giải trí tương tác cao, du lịch chăm sóc sức khỏe và làm đẹp, du lịch golf, du lịch sự kiện; xây dựng và định vị hình ảnh thương hiệu du lịch Việt Nam rõ nét hơn, vững chắc hơn với thông điệp về một Việt Nam - vẻ đẹp bất tận "dành cho bạn".
Đối với thị trường Hàn Quốc nhất định phải đổi mới, xây dựng được nội dung quảng bá truyền tải làm nổi bật những cơ hội khám phá, trải nghiệm và tận hưởng những tinh hoa văn hóa, sinh thái, ẩm thực và di sản của Việt Nam.
Xác định những ưu tiên trong chương trình xúc tiến quảng bá du lịch, trong đó tiếp tục quảng bá mở rộng kết nối điểm đến gắn với quảng bá các đường bay mới; hướng tới hình thành và phát huy vai trò văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc; mở rộng kết nối đối tác doanh nghiệp đa ngành; thông qua các nhân vật ảnh hưởng để (KOL) để quảng bá cả trực tiếp và trực tuyến trên nền tảng số.
Đặc biệt, phát huy hơn nữa vai trò của Đại sứ Du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc và cân nhắc liên kết với đối tác, sử dụng tư vấn bản địa để quảng bá. Bên cạnh đó, quảng bá tại chỗ thông qua không ngừng hoàn thiện quy trình chất lượng dịch vụ điểm đến đối với thị trường đặc thù Hàn Quốc.
Tôi tin tưởng rằng, với sự đầu tư thích đáng cho công tác xúc tiến quảng bá du lịch nói chung và đối với thị trường Hàn Quốc nói riêng, du lịch Việt Nam tiếp tục ghi điểm tại thị trường Hàn Quốc.
- Thủ tướng Chính phủ có chuyến thăm chính thức đến Hàn Quốc từ ngày 30/6 đến ngày 3/7, ông kỳ vọng như thế nào về chuyến thăm này, đặc biệt là cơ hội hợp tác đầu tư du lịch giữa Việt Nam và Hàn Quốc, thưa ông?
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Hà Văn Siêu: Chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ thể hiện rõ quan tâm, nỗ lực, thiện chí và cam kết của Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, môi trường du lịch để ngày càng hấp dẫn và tin cậy trong con mắt nhà đầu tư và du khách Hàn Quốc. Nhân sự kiện này, lãnh đạo cấp cao hai nước sẽ chứng kiến các văn bản ký kết hợp tác giữa cơ quan du lịch quốc gia, các doanh nghiệp, các đối tác, các dự án đầu tư phát triển giữa hai bên.
Điều này sẽ tiếp tục tạo ra những tiền đề quan trọng thúc đẩy hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Hàn Quốc cất cánh trong thời gian tới. Từ đó, cơ quan du lịch quốc gia Hàn Quốc và Việt Nam, các hãng hàng không, công ty du lịch, lữ hành, các cơ sở dịch vụ, các doanh nghiệp sẽ cùng nhau đưa ra những ý tưởng mới để sát cánh đồng hành cùng nhau triển khai các chương trình hành động, các dự án hợp tác kinh doanh cụ thể, thiết thực mang lại hiệu quả cùng thắng cho cả hai bên, đưa du lịch Việt Nam và Hàn Quốc phát triển lên một tầm cao mới, tương xứng với quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện đang hết sức thuận lợi.
Các hãng hàng không của hai nước tiếp tục hợp tác mở thêm các đường bay mới tới các điểm đến của mỗi nước. Các doanh nghiệp lữ hành, công ty du lịch Việt Nam và Hàn Quốc liên tục đưa ra các sản phẩm mới, hấp dẫn và độc đáo. Số hoá giúp công tác xúc tiến quảng bá du lịch thực hiện hiệu quả hơn và đúng thị trường mục tiêu hơn.
Chúng ta kỳ vọng về sự duy trì vị trí hàng đầu với tỷ trọng vượt trội của thị trường gửi khách Hàn Quốc đến Việt Nam; kỳ vọng về quy mô và đẳng cấp chất lượng dịch vụ cao hơn hẳn giai đoạn trước đối với thị trường Hàn Quốc. Đặc biệt, du lịch Việt Nam có sự gia tăng mạnh tỷ trọng đầu tư trực tiếp từ Hàn Quốc vào du lịch Việt Nam, trong đó nổi lên về lĩnh vực giải trí, công nghiệp văn hóa và kinh tế sáng tạo gắn với du lịch.
Diệp Anh (thực hiện)