Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải là Chủ tịch Hội đồng; 4 Phó Chủ tịch Hội đồng là Thứ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải và Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Ủy viên thường trực Hội đồng là Chánh Văn phòng Quỹ. Đồng thời, 7 ủy viên Hội đồng khác bao gồm lãnh đạo Vụ Tài chính, Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ Giao thông vận tải; Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam; lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam; Vụ hành chính sự nghiệp, Vụ Ngân sách, Bộ Tài chính và đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam.
Hội đồng Quản lý Quỹ quyết định các vấn đề trong tổ chức hoạt động của Quỹ, bao gồm: Đề xuất điều chỉnh các quy định liên quan đến nguồn thu của Quỹ và việc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến hoạt động của Quỹ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, phê duyệt kế hoạch tài chính (thu, chi) hàng năm của Quỹ; quyết định phân chia phí sử dụng đường bộ thu đối với ô tô hàng năm cho các Quỹ bảo trì đường bộ địa phương...
Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý Quỹ
Hội đồng quản lý Quỹ làm việc theo chế độ tập thể; chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Hội đồng, trách nhiệm cá nhân về phần việc được phân công trước Thủ tướng Chính phủ và trước pháp luật.
Hội đồng quản lý Quỹ họp định kỳ hàng quý để xem xét và quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của mình. Khi cần thiết, Hội đồng có thể họp bất thường để giải quyết những vấn đề cấp bách theo yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó chủ tịch Hội đồng. Hội đồng chỉ họp khi có ít nhất ½ số Ủy viên tham dự.
Hội đồng quản lý Quỹ quyết định các vấn đề theo nguyên tắc đa số, phiếu biểu quyết của các Ủy viên Hội đồng có giá trị ngang nhau. Quyết định của Hội đồng quản lý Quỹ có hiệu lực khi có trên 2/3 số Ủy viên Hội đồng biểu quyết tán thành.
Ngày 13/3/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 18/2012/NĐ-CP quy định về việc lập, quản lý và sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ. Quỹ được thành lập ở cấp Trung ương gọi là Quỹ trung ương và được thành lập ở cấp tỉnh gọi là Quỹ địa phương.
Theo quy định, nguồn hình thành Quỹ bảo trì đường bộ bao gồm: phí sử dụng đường bộ thu hàng năm trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm: Xe ô tô; máy kéo; rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, máy kéo và xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy.
Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước cấp bổ sung hàng năm cho Quỹ bảo trì đường bộ (Ngân sách trung ương cấp bổ sung cho Quỹ trung ương; ngân sách cấp tỉnh cấp bổ sung cho Quỹ địa phương).
Các nguồn thu liên quan đến sử dụng đường bộ và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật cũng là nguồn hình thành Quỹ bảo trì đường bộ.
Thanh Hoài