Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đơn vị của bà Hà đã chuyển những người đang thực hiện các công việc hỗ trợ, phục vụ như quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 111/2022/NĐ-CP sang ký hợp đồng theo quy định của Nghị định số 161/2018/NĐ-CP từ ngày 1/1/2020, tuy nhiên cơ quan cấp trên yêu cầu phải thực hiện chuyển sang ký hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP.
Bà Hà hỏi như vậy có đúng không, nếu đơn vị muốn chấm dứt hợp đồng với một số trường hợp (đang ký hợp đồng không xác định thời hạn theo Nghị định số 161/2018/NĐ-CP) do không bảo đảm được nguồn kinh phí chi trả thì có được không?
Về vấn đề này, Bộ Nội vụ trả lời như sau:
Điểm c Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 111/2022/NĐ-CP quy định kinh phí thực hiện ký kết hợp đồng dịch vụ hoặc hợp đồng lao động thực hiện công việc hỗ trợ, phục vụ tại đơn vị nhóm 3: "Sử dụng nguồn thu hoạt động sự nghiệp để thực hiện hợp đồng; ngân sách nhà nước hỗ trợ (nếu có), bảo đảm không làm tăng tổng chi thường xuyên từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định".
Theo đó, trường hợp của đơn vị của bà Đinh Thị Hà thực hiện theo quy định về sử dụng nguồn kinh phí nêu trên.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 111/2022/NĐ-CP, người đang thực hiện các công việc hỗ trợ, phục vụ theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định này nếu chưa chuyển sang ký hợp đồng lao động theo quy định của Nghị định số 161/2018/NĐ-CP và cơ quan, tổ chức, đơn vị không ký hợp đồng dịch vụ thì trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chuyển sang ký hợp đồng lao động.
Hợp đồng lao động ký kết phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp về tiền lương, chế độ BHXH và các chế độ khác theo quy định của pháp luật. Trường hợp một trong các bên không có nhu cầu thì giải quyết chế độ thôi việc theo quy định của pháp luật.
Theo đó, trường hợp đã chuyển sang ký hợp đồng theo Nghị định số 161/2018/NĐ-CP thì không phải chuyển sang ký hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP.
Chinhphu.vn