Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Vấn đề bà Cúc hỏi, Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời như sau:
Khoản 1 Điều 8 và Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch quy định, công dân Việt Nam ở trong nước, đăng ký hộ tịch (trong đó có việc đăng ký khai sinh cho trẻ em) được thực hiện tại nơi người đó đăng ký hộ khẩu thường trú; nếu không có nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, thì việc đăng ký hộ tịch được thực hiện tại nơi người đó đăng ký tạm trú có thời hạn theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ khẩu.
UBND cấp xã nơi cư trú của người mẹ thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ em; nếu không xác định được nơi cư trú của người mẹ, thì UBND cấp xã, nơi cư trú của người cha thực hiện việc đăng ký khai sinh.
Theo điểm a, khoản 1, Mục II Thông tư số 01/2008/TT-BTP ngày 2/6/2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn về thẩm quyền đăng ký khai sinh theo nơi người mẹ cư trú thì việc đăng ký khai sinh cho trẻ em phải được thực hiện tại UBND cấp xã, nơi người mẹ đăng ký thường trú; trường hợp người mẹ không có nơi đăng ký thường trú, việc đăng ký khai sinh cho trẻ em được thực hiện tại UBND cấp xã, nơi người mẹ đăng ký tạm trú.
Trường hợp người mẹ có nơi đăng ký thường trú, nhưng thực tế đang sinh sống, làm việc ổn định tại nơi đăng ký tạm trú, thì UBND cấp xã, nơi người mẹ đăng ký tạm trú cũng có thẩm quyền thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ em. Trong trường hợp này, UBND cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh có trách nhiệm thông báo cho UBND cấp xã, nơi người mẹ đăng ký thường trú để biết. Cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ “Đăng ký khai sinh theo nơi tạm trú của người mẹ”.
Trường hợp bà Đặng Thị Hồng Cúc, căn cứ các quy định nêu trên, việc đăng ký khai sinh cho trẻ em được thực hiện tại UBND cấp xã nơi bà Cúc đăng ký thường trú là tỉnh Bạc Liêu.
Tuy nhiên, bà Cúc cũng có thể lựa chọn việc đăng ký khai sinh cho trẻ tại UBND cấp xã nơi đang sinh sống, làm việc ổn định tại tỉnh Hậu Giang với điều kiện bà Cúc phải đăng ký tạm trú tại Công an cấp xã nơi đang sinh sống.
Theo quy định của Luật Cư trú, bà Cúc có trách nhiệm đến công an cấp xã nơi đang sinh sống để đăng ký tạm trú. Việc sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú mà không đăng ký tạm trú là vi phạm pháp luật về cư trú.
Căn cứ Điều 15 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP (trong đó có khoản 1 Điều này đã được sửa đổi, bổ sung theo khoản 4 Điều 1 Nghị định số 06/2012/NĐ-CP ngày 2/2/2012 của Chính phủ), khi đi khai sinh cho trẻ, bà Cúc phải nộp hồ sơ gồm: Tờ khai, Giấy chứng sinh (theo mẫu quy định). Vì bà sống đơn thân, sinh con ngoài giá thú nên không phải xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn. Khi khai sinh cho con ngoài giá thú, nếu không xác định được người cha, thì phần ghi về người cha trong sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh để trống. Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh có người nhận con, thì UBND cấp xã kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh.
Nếu bà Cúc thực hiện đăng ký tạm trú tại tỉnh Hậu Giang, thì đủ điều kiện đăng ký khai sinh cho trẻ tại UBND cấp xã nơi đăng ký tạm trú. Nơi đã đăng ký khai sinh có trách nhiệm thông báo cho UBND cấp xã, nơi bà Cúc đăng ký thường trú ở tỉnh Bạc Liêu biết. Cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ “Đăng ký khai sinh theo nơi tạm trú của người mẹ”.
Luật sư Lê Văn Đài
VPLS Khánh Hưng – Đoàn luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.