Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bà Thanh Hà (TPHCM) hiện là giảng viên cơ hữu của một trường cao đẳng công lập, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của 1 giảng viên. Do trường đột xuất thiếu giảng viên nên cần giảng viên một số môn thuộc các lớp chính quy.
Bà Hà hỏi, trường có thể ký hợp đồng thỉnh giảng đối với giảng viên cơ hữu không? Chế độ thanh toán đối với giảng viên thỉnh giảng như thế nào?
Về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:
Quy định về chế độ thỉnh giảng trong các cơ sở giáo dục được quy định tại Luật Giáo dục năm 2005 và được sửa đổi, bổ sung năm 2009; Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 2/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục; Thông tư số 44/2011/TT-BGDĐT ngày 10/10/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về chế độ thỉnh giảng trong các cơ sở giáo dục và được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 11/2013/TT-BGDĐT ngày 29/3/2013.
Tại Điều 31 Nghị định 75 quy định: “Thỉnh giảng là việc một cơ sở giáo dục mời nhà giáo hoặc người có đủ tiêu chuẩn của nhà giáo ở nơi khác đến giảng dạy”.
Như vậy, giảng viên cơ hữu của trường không được ký hợp đồng thỉnh giảng đối với trường mình đang công tác.
Chế độ đối với giảng viên thỉnh giảng được quy định tại Thông tư số 44/2011/TT-BGDĐT ngày 10/10/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về chế độ thỉnh giảng trong các cơ sở giáo dục và được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 11/2013/TT-BGDĐT ngày 29/3/2013.
Chinhphu.vn