Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chủ đầu tư đã lập dự toán dự án nêu trên từ năm 2019, do nhiều nguyên nhân khách quan nên dự toán chưa được phê duyệt, đến nay một số trang thiết bị y tế đã lỗi thời, cần rà soát lại thông số, một số trang thiết bị đã được mua sắm và tài trợ trong đợt dịch COVID-19 đến nay cần rà soát, thay đổi chủng loại.
Quy định về định mức, giá mua sắm trang thiết bị chưa được cập nhật kịp thời nên việc phê duyệt dự toán phải kéo dài, công trình bệnh viện dự kiến đưa vào hoạt động trong năm nay cần các trang thiết bị cần thiết như phần mềm công nghệ thông tin và trang thiết bị văn phòng. Bà Hà hỏi, vậy chủ đầu tư có thể lập dự toán phần này trước để trình phê duyệt không, hay phải lập và trình phê duyệt dự toán cho toàn bộ dự án?
Về vấn đề này, Bộ Y tế trả lời như sau:
Theo quy định chung, dự án đầu tư công được triển khai theo quy định tại Luật Đầu tư công và Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 6/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công.
Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 28 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP (nội dung và xác định dự toán dự án - Dự án đầu tư công không có cấu phần xây dựng): Dự toán dự án là toàn bộ chi phí cần thiết để thực hiện dự án được xác định ở giai đoạn thực hiện dự án phù hợp với báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án và thiết kế dự án được duyệt; các yêu cầu công việc khác phải thực hiện. Vì vậy, việc lập, phê duyệt dự toán dự án cần bao gồm đầy đủ các cấu phần phù hợp với báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án để bảo đảm hiệu quả đầu tư.
Đối với các trường hợp đặc thù, đề nghị các tổ chức cá nhân liên hệ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư và ban hành các văn bản hướng dẫn về đầu tư, để được hướng dẫn cụ thể theo đúng quy định.
Chinhphu.vn