• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Có giữ mô hình Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện?

(Chinhphu.vn) - Theo phản ánh của bà Nguyễn Thị Loan (Hà Nam), tỉnh của bà và một số tỉnh đã thực hiện việc sáp nhập, thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện. Tuy nhiên về chức năng, nhiệm vụ thì mỗi nơi mỗi khác, chưa có sự đồng nhất.

08/11/2022 10:02

Bà Loan hỏi, hệ thống các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp hiện nay có giữ nguyên hiện trạng không hay lại tách thành 3 trạm về các chi cục trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như trước kia?

Nếu không tách ra, bà đề nghị cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành hướng dẫn về chức năng nhiệm vụ, vị trí việc làm đối với Trung tâm.

Nhiều cán bộ hiện nay làm chức năng, nhiệm vụ của ngành trồng trọt, thú y nhưng không được hưởng 10% phụ cấp ngành (cụ thể những người giữ ngạch khuyến nông viên). Bà Loan đề nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu sửa đổi các quy định trước đây về phụ cấp ngành cho đội ngũ thực hiện nhiệm vụ của ngành nhưng không được hưởng phụ cấp ngành.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời vấn đề này như sau:

Về các trạm thuộc chi cục thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Theo quy định tại Luật Thú y, Nghị định số 35/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật Thú y, hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y gồm:

(1) Cấp Trung ương: Cục Thú y thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

(2) Cấp tỉnh: Chi cục có chức năng quản lý chuyên ngành thú y thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

(3) Cấp huyện: Trạm thuộc chi cục có chức năng quản lý chuyên ngành thú y đặt tại huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Theo quy định tại Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, Nghị định số 116/2014/NĐ-CP ngày 4/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật gồm:

(1) Cấp Trung ương: Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

(2) Cấp tỉnh: Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật cấp tỉnh trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

(3) Cấp huyện: Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật cấp huyện trực thuộc cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật cấp tỉnh, thực hiện nhiệm vụ được giao trên địa bàn cấp huyện.

Việc thí điểm thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện

Về thẩm quyền thành lập tổ chức, tổ chức lại tổ chức: Khoản 1, 2, 3, Điều 12 Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 4/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ, quy định:

"Điều 12. UBND cấp tỉnh

1. Quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của sở phù hợp với hướng dẫn của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực; quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng Phó Giám đốc của sở phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương và các tiêu chí quy định tại Nghị định này.

2. Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chi cục thuộc sở phù hợp với hướng dẫn của bộ quản lý ngành, lĩnh vực; quyết định việc thành lập chi cục thuộc sở và cơ cấu tổ chức của chi cục thuộc sở theo quy định tại Nghị định này.

3. Quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở theo quy định của pháp luật, bảo đảm phù hợp với quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hướng dẫn của bộ quản lý ngành, lĩnh vực và Bộ Nội vụ".

Khoản 1, Điều 2 Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ, quy định:

"1. Các địa phương đã thực hiện thí điểm hợp nhất, sáp nhập các cơ quan chuyên môn theo Kết luận số 34-KL/TW ngày 7/8/2018 của Bộ Chính trị về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, tổng kết việc thực hiện thí điểm theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền".

Như vậy, việc tổng kết, đánh giá thí điểm hợp nhất, sáp nhập các cơ quan chuyên môn về nông nghiệp và phát triển nông thôn, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các chi cục thuộc Sở phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành thuộc thẩm quyền quyết định của UBND cấp tỉnh.

Trong khi chờ Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 15/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có cơ sở ban hành Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và Thông tư số 15/2015/TT-BNNPTNT ngày 26/3/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn nhiệm vụ các chi cục và các tổ chức sự nghiệp trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BNN-BNV, Thông tư số 15/2015/TT-BNNPTNT.

Về hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp: Hệ thống các văn bản pháp luật chuyên ngành về nông nghiệp và phát triển nông thôn không có quy định về tổ chức Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện nên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa có cơ sở pháp lý để ban hành hướng dẫn.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận được báo cáo của một số tỉnh đã thực hiện thí điểm việc giải thể các Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Chăn nuôi và Thú y để thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện, trong đó đánh giá việc giải thể các Trạm để thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm dịch, điều tra, phát hiện và phòng trừ dịch hại thực vật, dịch bệnh động vật, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y, xử lý vi phạm trong lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thú y.... theo quy định của Luật Trồng trọt, Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, Luật Chăn nuôi, Luật Thú y, pháp luật có liên quan và đề nghị duy trì hoặc tái thành lập các trạm thuộc chi cục thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Sở trên địa bàn cấp huyện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Bộ sẽ rà soát, tổng hợp ý kiến của các địa phương để đề xuất, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

Việc thực hiện phụ cấp đặc thù đối với cán bộ khuyến nông

Đối với phản ánh, nhiều cán bộ hiện nay làm chức năng, nhiệm vụ của ngành trồng trọt, thú y nhưng không được hưởng 10% phụ cấp ngành (cụ thể những người giữ ngạch khuyến nông viên). Đề nghị nghiên cứu sửa đổi các quy định trước đây về phụ cấp ngành cho đội ngũ thực hiện nhiệm vụ của ngành nhưng không được hưởng phụ cấp ngành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin trả lời như sau:

Thời gian qua, cán bộ khuyến nông nói chung và viên chức chuyên ngành khuyến nông ở cấp huyện nói riêng đã tích cực thực hiện nhiệm vụ tại địa phương, cơ sở; góp phần chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, thông tin, truyền bá kiến thức và đào tạo tay nghề cho nông dân, nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, với tinh thần triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp và quy định tại Điểm b, Khoản 8, Mục II Quyết định số 2276/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021: "Xây dựng chế độ tiền lương mới theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành, không bổ sung các loại phụ cấp mới theo nghề".

Vì vậy, việc xây dựng phụ cấp đặc thù đối với cán bộ làm công tác khuyến nông được thực hiện theo quy định trên.

Chinhphu.vn