Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Điệu múa xoang của đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum. |
Đây là lần đầu tiên có một trưng bày quy mô nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc, con người, thiên nhiên, du lịch xứ sở đại ngàn - Kon Tum Bắc Tây Nguyên trong công cuộc hội nhập, phát triển. Đặc biệt, Ban tổ chức giới thiệu đến công chúng về cây sâm Ngọc Linh - báu vật của đại ngàn trong thảm thực vật núi Ngọc Linh - Kon Tum.
Tại cuộc họp báo diễn ra ngày 16/1 tại Hà Nội, đại diện Ban tổ chức cho biết: Tại cuộc trưng bày, tỉnh Kon Tum giới thiệu đến công chúng 200 hiện vật bao gồm nông cụ lao động; dụng cụ săn bắn, đánh bắt; đồ dùng sinh hoạt gia đình; ghè (ché), nồi đồng; trang phục, trang sức; nhạc cụ; tài liệu khoa học...
Ngoài ra còn có phần trình diễn nghề thủ công truyền thống như nghề làm gốm của người Ba Na; nghề nhuộm sợi, dệt vải dân tộc Xơ Đăng; đan lát; chế tác dụng cụ săn bắn, đánh bắt và chế tác nhạc cụ; nghề rèn.
Bên cạnh đó là phần trình diễn các làn điệu dân ca, múa xoang, cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống... Thông qua hoạt động trưng bày, trình diễn, tỉnh Kon Tum giới thiệu khái quát về văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm du lịch đến đông đảo nhân dân cũng như du khách quốc tế.
Bên cạnh việc quảng bá, giới thiệu văn hóa-du lịch, tỉnh Kon Tum mong muốn định vị thương hiệu các sản phẩm du lịch của địa phương, nhất là sản phẩm từ sâm Ngọc Linh Kon Tum để xây dựng hình ảnh mới với khát vọng vươn lên dựa trên nền tảng văn hóa, sự đoàn kết thống nhất trong đa dạng.
Phần giới thiệu về sâm Ngọc Linh có sự phối hợp giữa trưng bày tài liệu, hiện vật với trưng bày thực cảnh tái hiện rừng sâm Ngọc Linh. Qua phần này, công chúng có thể hiểu hơn về môi trường, đa dạng sinh học của vùng rừng núi Ngọc Linh; lịch sử phát hiện, nghiên cứu, bảo tồn nguồn gốc, nhân giống và phát triển cây sâm Ngọc Linh; xây dựng thương hiệu quốc gia...
Kon Tum được thiên nhiên ưu đãi cùng các yếu tố về địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng đã tạo nên nguồn tài nguyên hết sức đa dạng và thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Đặc biệt, Tỉnh Kon Tum có diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm 2/3 diện tích tự nhiên, với độ che phủ của rừng chiếm 62,3% nên có nguồn tài nguyên dược liệu tự nhiên phong phú, đa dạng về chủng loại và có giá trị to lớn về y tế và kinh tế như: Sâm Ngọc Linh, đảng sâm, ngũ vị tử, đương quy, lan Kim Tuyến, sa nhân, trinh nữ hoàng cung, ý dĩ và các loại nấm dược liệu...
Đặc biệt, sâm Ngọc Linh được biết đến là cây đặc hữu của núi rừng Ngọc Linh, là một loại sâm quý hiếm trên thế giới, đến nay đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận sản phẩm quốc gia.
(theo TTXVN)