• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Cơ hội lịch sử để Quảng Trị vươn lên, trở thành cực tăng trưởng mới

(Chinhphu.vn) - Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc sáp nhập hai tỉnh (Quảng Trị, Quảng Bình) là cơ hội lịch sử để tỉnh Quảng Trị mới, với truyền thống yêu nước, đoàn kết, quyết tâm và sự đồng lòng của nhân dân, sẽ vươn lên mạnh mẽ, tạo nên cực tăng trưởng mới, đầy triển vọng cho khu vực Bắc Trung Bộ.

08/07/2025 10:46
Cơ hội lịch sử để Quảng Trị vươn lên, trở thành cực tăng trưởng mới- Ảnh 1.

Tiếp xúc cử tri tại tỉnh Quảng Trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc sáp nhập 2 tỉnh (Quảng Trị, Quảng Bình) là cơ hội lịch sử để tỉnh Quảng Trị mới vươn lên mạnh mẽ, tạo nên cực tăng trưởng mới, đầy triển vọng cho khu vực Bắc Trung Bộ - Ảnh: VGP/Thu Sa

Sáng 8/7, tại tỉnh Quảng Trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng và Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Trị tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV.

Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị, bà Nguyễn Minh Tâm, Phó Trưởng chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đã báo cáo với cử tri kết quả kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Cũng tại cuộc tiếp xúc, nhiều cử tri đã bày tỏ phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ hướng đến một giai đoạn mới trong phát triển đất nước và sự tâm huyết, tầm nhìn của các ĐBQH để "được dân yêu, dân tin, dân mến". Đồng thời, các đại biểu cũng đề xuất, kiến nghị một số vấn đề liên quan đến triển khai các dự án đầu tư, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh, giáo dục, hoạt động của đơn vị hành chính cấp phường xã,…

Bước ngoặt lịch sử trong lập hiến, lập pháp

Sau khi lắng nghe ý kiến của các cử tri, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho biết, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV ghi dấu bước ngoặt lớn trong lịch sử lập hiến, lập pháp của Quốc hội và cả nước, với tinh thần cải cách thể chế toàn diện, sắp xếp bộ máy mạnh mẽ và những quyết sách chiến lược mở đường cho giai đoạn phát triển mới của đất nước đã diễn ra thành công tốt đẹp.

Qua 2 đợt, Quốc hội đã hoàn thành khối lượng lập pháp lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay, bao gồm: Xem xét, thông qua 34 luật, 13 nghị quyết quy phạm pháp luật, bằng gần 2/3 tổng số luật được ban hành tại 16 kỳ họp trước của Khóa XV; cho ý kiến về 6 dự án luật quan trọng.

Cơ hội lịch sử để Quảng Trị vươn lên, trở thành cực tăng trưởng mới- Ảnh 2.

Bà Nguyễn Minh Tâm, Phó Trưởng chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đã báo cáo với cử tri kết quả kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV - Ảnh: VGP/Thu Sa

Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp với tỷ lệ đồng thuận tuyệt đối; thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và nhiều luật, nghị quyết để thiết lập nền tảng pháp lý đồng bộ phục vụ triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Ngay sau đó, vào ngày 30/6, tại 34 tỉnh, thành phố trên cả nước, chúng ta đã cùng chứng kiến lễ công bố các nghị quyết, quyết định về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.

"Đây là dấu mốc lịch sử, một sự kiện chính trị trọng đại, không chỉ đối với Quảng Trị và Quảng Bình, mà còn là bước ngoặt trong hành trình đổi mới toàn diện đất nước, khẳng định quyết tâm xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả", Phó Thủ tướng khẳng định.

Cũng theo Phó Thủ tướng, việc sáp nhập thể hiện tầm nhìn chiến lược, ý chí mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước, hướng tới một nền hành chính công vụ hiện đại, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, thịnh vượng.

Cả nước đồng lòng, từ Trung ương đến địa phương, từ Nhà nước đến doanh nghiệp đến người dân, cùng đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% năm 2025, đạt mức 2 con số giai đoạn 2026-2030 và các năm tiếp theo, đưa Việt Nam vào nhóm nước thu nhập trung bình cao năm 2030 và thu nhập cao năm 2045.

Cơ hội lịch sử để Quảng Trị vươn lên, trở thành cực tăng trưởng mới- Ảnh 3.

Ảnh: VGP/Thu Sa

8 nhiệm vụ trọng tâm

Quảng Trị và Quảng Bình là 2 mảnh đất giàu truyền thống yêu nước, anh hùng, nghĩa tình, gắn bó bởi những giá trị chung về địa lý, lịch sử, văn hóa, vùng đất "địa linh nhân kiệt"- nơi sản sinh những người con ưu tú của dân tộc, tiêu biểu là Tổng Bí thư Lê Duẩn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp - hiện thân của khí phách và trí tuệ Việt Nam.

Phó Thủ tướng cho rằng, việc sáp nhập hai tỉnh là cơ hội lịch sử để tạo nên cực tăng trưởng mới, đầy triển vọng cho khu vực Bắc Trung Bộ, cụ thể như: Mở rộng không gian phát triển; tối ưu hóa mạng lưới giao thông, thúc đẩy logistics và thương mại quốc tế, hội tụ đầy đủ điều kiện phát triển mô hình kinh tế mở, hiện đại; du lịch đa dạng, bền vững; trở thành trung tâm năng lượng sạch; phát triển kinh tế biển; văn hóa phong phú.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, việc sáp nhập 2 tỉnh bước đầu cũng không tránh khỏi một số thách thức. Đơn cử như tâm lý lo lắng của cán bộ và người dân; vấn đề về bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương; phát triển kinh tế không đồng đều, mất cân bằng có thể xảy ra.

Nhấn mạnh bước vào một giai đoạn phát triển mới, đứng trước nhiều thời cơ và thách thức mới, tỉnh Quảng Trị mới cần có sự đồng thuận xã hội, chiến lược quy hoạch bài bản và cơ chế chính sách linh hoạt, lấy người dân và nhà đầu tư làm trung tâm, Phó Thủ tướng đề nghị các cấp ủy, chính quyền tỉnh Quảng Trị khẩn trương, quyết liệt triển khai đồng bộ một số nhiệm vụ trọng tâm.

Cơ hội lịch sử để Quảng Trị vươn lên, trở thành cực tăng trưởng mới- Ảnh 4.

Các cử tri bày tỏ phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ hướng đến một giai đoạn mới trong phát triển đất nước - Ảnh: VGP/Thu Sa

Thứ nhất, lãnh đạo phải tiên phong, đoàn kết; đảng viên, cán bộ, công chức cần nêu gương, bản lĩnh, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, loại bỏ tư tưởng cục bộ, đặt lợi ích chung lên trên hết. Quan tâm chế độ, chính sách nhà ở, điều kiện việc làm, đi lại cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Thứ hai, đảm bảo hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp hoạt động thông suốt, không gián đoạn, hiệu quả, đồng bộ; kịp thời điều chỉnh, xử lý vướng mắc, khó khăn phát sinh.

Thứ ba, xây dựng văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025-2030 không chỉ là sự "chắp nối" giữa hai chiến lược cũ của Quảng Bình và Quảng Trị, mà phải là sự kết tinh của tư duy đổi mới, tầm nhìn liên vùng và khát vọng phát triển chung của một chỉnh thể lớn hơn, mạnh hơn và đa dạng hơn về quy mô, nguồn lực, vị thế và tiềm năng, như đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo. Tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 nghiêm túc, bài bản, khoa học và đồng bộ.

Cơ hội lịch sử để Quảng Trị vươn lên, trở thành cực tăng trưởng mới- Ảnh 5.

Cử tri đề xuất, kiến nghị một số vấn đề liên quan đến triển khai các dự án đầu tư, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh, giáo dục, hoạt động của đơn vị hành chính cấp phường xã,… - Ảnh: VGP/Thu Sa

Thứ tư, tập trung vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phát huy đầy đủ tiềm năng, thế mạnh khi 2 tỉnh được hợp nhất, để tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng kinh tế xã hội trong thời gian tới.

Trong đó, tập trung điều chỉnh Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; xác định rõ vai trò của từng khu vực, khai thác tối đa tiềm năng và tạo ra một hệ sinh thái kinh tế liên kết chặt chẽ cho tỉnh Quảng Trị mới; tiếp tục đầu tư vào hạ tầng chiến lược, mở rộng không gian phát triển thông qua tập trung đầu tư hạ tầng giao thông kết nối vùng, các trục động lực, hạ tầng khu kinh tế; rà soát điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch và triển khai đồng bộ hạ tầng lưới điện, các công trình, dự án điện, trọng tâm là năng lượng tái tạo; chủ động cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; ưu tiên số hóa các ngành kinh tế chủ lực; chú trọng hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp số tại Đồng Hới và Đông Hà, khơi dậy tinh thần sáng tạo của thanh niên, phụ nữ, nông dân.

"Trong phát triển, cần có tư duy mới, tầm nhìn mới, không chỉ là những vấn đề nội tỉnh, mà là liên kết vùng, tỉnh xung quanh, như khu kinh tế phía Bắc là Hòn La giao với khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) để phát triển công nghiệp; phía Nam gắn kết với Huế để phát triển du lịch; phía Tây kết nối với Lào và Thái Lan qua các cửa khẩu quốc tế để phát triển kinh tế biên mậu; phía Đông hướng ra biển kết nối kinh tế biển với quốc tế", Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Thứ năm, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đa dạng các dân tộc, biến văn hóa thành nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế; chú trọng quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Cơ hội lịch sử để Quảng Trị vươn lên, trở thành cực tăng trưởng mới- Ảnh 6.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng thăm Trung tâm Phục vụ dịch vụ hành chính công phường Đồng Hới - Ảnh: VGP/Thu Sa

Cơ hội lịch sử để Quảng Trị vươn lên, trở thành cực tăng trưởng mới- Ảnh 7.

Phó Thủ tướng trò chuyện, thăm hỏi người dân tại Trung tâm Phục vụ dịch vụ hành chính công phường Đồng Hới - Ảnh: VGP/Thu Sa

Thứ sáu, gắn tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội; thực hiện tốt các chính sách cho người có công; nâng cao chất lượng đời sống, chăm lo vật chất, tinh thần của nhân dân để mọi người dân không ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, có cơ chế đặc thù hỗ trợ người dân vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số như Vân Kiều, Pa Cô, Chứt, Rục…

Thứ bảy, tăng cường công tác tuyên truyền, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của đội ngũ cán bộ cơ sở, già làng, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số để lan tỏa thông tin chính thống, tạo đồng thuận và củng cố niềm tin trong nhân dân đối với việc sáp nhập 2 tỉnh và triển khai đơn vị hành chính 2 cấp.

Thứ tám, tiếp tục tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo đảm ổn định chính trị, nâng cao chất lượng xây dựng Đảng, chính quyền.

Về kiến nghị của cử tri, Phó Thủ tướng đề nghị Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị tổng hợp đầy đủ, chuyển đến cơ quan có thẩm quyền trả lời. Các kiến nghị thuộc thẩm quyền tỉnh cần được giải quyết dứt điểm, hiệu quả.

"Tôi tin rằng, với truyền thống yêu nước, đoàn kết, với quyết tâm và sự đồng lòng của nhân dân, tỉnh Quảng Trị mới sẽ vươn lên mạnh mẽ, trở thành cực tăng trưởng mới của Bắc Trung Bộ, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước", Phó Thủ tướng bày tỏ.

Cơ hội lịch sử để Quảng Trị vươn lên, trở thành cực tăng trưởng mới- Ảnh 8.

Phó Thủ tướng và các đại biểu viếng Đền thờ Bác Hồ tại tỉnh Quảng Trị - Ảnh: VGP/Thu Sa

Cơ hội lịch sử để Quảng Trị vươn lên, trở thành cực tăng trưởng mới- Ảnh 9.

Ảnh: VGP/Thu Sa

Cũng trong chuyến công tác, trước khi tiếp xúc cử tri, Phó Thủ tướng và Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị đã thăm Trung tâm Phục vụ dịch vụ hành chính công phường Đồng Hới và đến viếng Đền thờ Bác Hồ tại tỉnh Quảng Trị.

Thu Sa