Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trong thời gian học ông Định được hưởng 40% lương và được đóng BHXH. Ông Định hỏi, 4 năm ông đi học (2009-2013) có được tính vào thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo không?
Về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:
Chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo được quy định tại các văn bản sau:
- Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo.
- Thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 15/11/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 54/2011/NĐ-CP.
- Thông tư liên tịch số 29/2015/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 20/11/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH.
Khoản 1, Điều 1 Thông tư liên tịch số 29 quy định rõ đối tượng hưởng phụ cấp thâm niên là “Nhà giáo thuộc danh sách trả lương được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đang làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các trường, trung tâm, học viện thuộc cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi tắt là cơ sở giáo dục công lập) được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động (bao gồm nguồn thu từ ngân sách Nhà nước cấp và các nguồn thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật)”.
Trường hợp ông Ngô Văn Định được cử đi học nghiên cứu sinh tiến sĩ ở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước từ năm 2009 đến năm 2013. Trong thời gian đi học, ông đã được hưởng chính sách theo quy định của Nhà nước nhưng theo quy định của các văn bản trên, ông không được hưởng phụ cấp thâm niên trong thời gian đi học từ năm 2009 đến năm 2013.