• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Cởi áo tu hành, khoác áo blouse xông pha lên tuyến đầu chống dịch

(Chinhphu.vn) – Khi đất nước có giặc ngoại xâm, tăng ni cởi cà sa mặc áo bào cùng đánh đuổi quân xâm lăng. Khi có thiên tai, tăng ni, phật tử khắp mọi miền tới những nơi bị ảnh hưởng để hỗ trợ người dân. Thời dịch bệnh, tăng ni cởi cà sa, khoác áo blouse, cùng xông pha vào nơi tuyến đầu chống dịch.

26/07/2021 09:55


Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm: Thời dịch bệnh, tăng ni cởi cà sa, khoác áo blouse, cùng xông pha vào nơi tuyến đầu chống dịch.

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội) chia sẻ điều này khi là người đầu tiên phát biểu tại phiên thảo luận trên diễn đàn Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, phương hướng 6 tháng cuối năm và giải pháp phòng chống COVID-19.

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm bày tỏ, hơn 2.000 năm qua, Phật giáo là tôn giáo luôn đồng hành cùng dân tộc. "Khi đất nước có giặc ngoại xâm, tăng ni cởi cà sa mặc áo bào cùng đánh đuổi quân xâm lăng. Khi có thiên tai, tăng ni, phật tử khắp mọi miền tới những nơi bị ảnh hưởng để hỗ trợ người dân. Thời dịch bệnh, tăng ni cởi cà sa, khoác áo blouse, cùng xông pha vào nơi tuyến đầu chống dịch". 

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho biết: Tới ngày 20/7, có 612 tình nguyện viên Phật giáo, 59 tăng ni và 553 Phật tử phát tâm đăng ký chăm sóc bệnh nhân F0 tại bệnh viện dã chiến. 

Nhiều ngôi chùa xung phong thành bệnh viện dã chiến. Nhiều máy thở, phòng áp lực âm, trang thiết bị y tế được Giáo hội Phật giáo trao tặng thông qua Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nhiều ngôi chùa chuyển hàng trăm tấn rau củ vào vùng tâm dịch giúp đỡ người dân. 

Trung ương Giáo hội và Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh thành cùng tín đồ Phật tử đã góp hàng trăm tỷ đồng vào Quỹ Vaccine COVID-19.

Ngày 19/7, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi phật tử cả nước cấm túc, ở yên một chỗ tụng kinh cầu nguyện, đẩy lùi dịch bệnh. 

Các nữ tu Công giáo tham gia hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch đăng ký tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Bệnh viện quận 11. Ảnh MTTQ

Chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo xung phong lên tuyến đầu chống dịch

Vừa qua, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Tôn giáo và Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, hàng trăm tình nguyện viên là người có đạo đã “cởi áo tu hành, khoác áo blouse trắng” tình nguyện lên tuyến đầu tham gia phòng chống dịch bệnh, COVID-19.

Các chức sắc, chức việc, tín đồ Phật giáo, Công giáo và Tin lành xung phong tham gia thiện nguyện đã trải qua khóa tập huấn và làm bài kiểm tra trực tuyến do Sở Y tế TPHCM tổ chức, về kỹ năng an toàn, biện pháp 5K và những kiến thức căn bản trong việc phòng ngừa COVID-19... 

Những tình nguyện viên được lựa chọn đều có sức khỏe tốt, ở độ tuổi từ 18-40, cư trú tại Thành phố Hồ Chí Minh. Một số người có kiến thức y khoa và kinh nghiệm trong công tác chăm sóc sức khỏe. Các tình nguyện viên đăng ký tham gia hỗ trợ tuyến đầu phòng, chống dịch trong thời gian 1 tháng hoặc 2 tháng và cam kết thực hiện cách ly 21 ngày tại nhà sau khi kết thúc đợt  tình nguyện.

Các tình nguyện viên khi tham gia công tác thiện nguyện lần này sẽ được cung cấp trang thiết bị bảo hộ y tế, kiểm tra tầm soát  SARS-CoV-2,… tham gia phòng, chống dịch tại các Bệnh viện dã chiến, Bệnh viện hồi sức COVID-19.

Ngay sau khi có lời kêu gọi tham gia phong trào, chỉ trong 5 ngày đầu tiên đã có hơn 1.000 chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo trên địa bàn thành phố và các địa phương lân cận đăng ký tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, do những quy định liên quan đến độ tuổi, yêu cầu về sức khỏe và nơi cư trú, nên chỉ khoảng 700 người được tuyển chọn.

Các tình nguyện viên Phật giáo xuất quân lên tuyến đầu chống dịch.

Sự tham gia của các tình nguyện viên tôn giáo là động lực mạnh mẽ để TPHCM chiến thắng dịch bệnh

Ngày 22/7 vừa qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ xuất quân cho 299 tình nguyện viên các tổ chức tôn giáo tham gia phòng chống dịch COVID-19.

Phát biểu tại lễ xuất quân, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu cho biết: Trong những ngày vừa qua, Thành phố ghi nhận hàng trăm ca nhiễm mới mỗi ngày. Đợt bùng phát dịch bệnh lần này rất nguy hiểm do chủng virus mới đang lây lan rất nhanh. Nhiều hộ gia đình, nhiều khu phố và cả phường phải cách ly; các bệnh viện điều trị COVID-19 đều quá tải, lượng y, bác sĩ và điều dưỡng tại đây khá mỏng và thiếu trầm trọng…

“Từ tình hình trên, đòi hỏi Thành phố phải tập trung toàn bộ tâm trí và nguồn lực, đồng sức, đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 bằng những biện pháp và quyết tâm cụ thể”, bà Tô Thị Bích Châu nhấn mạnh và bày tỏ cảm động, biết ơn và tin tưởng vào sức mạnh của người dân Thành phố khi hàng chục ngàn cán bộ y tế, cán bộ chiến sĩ đang phải ngày đêm bám sát các điểm nóng các bệnh viện, khu cách ly tập trung... và cảm động hơn cả là sự đùm bọc, chia sẻ những tài lực, vật lực, những suất cơm, gói quà san sẻ yêu thương của các tỉnh, Thành phố trong cả nước, của từng người dân, các cháu thiếu nhi; của các tổ chức tôn giáo, của các chức sắc, chức việc, tu sĩ trong Thành phố đã chắt chiu gửi gắm, trao niềm yêu thương giúp đỡ đồng bào Thành phố Hồ Chí Minh trong cơn hoạn nạn.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Hồ Hải trao vật dụng và trang thiết bị thiết yếu đảm bảo an toàn cho các tình nguyện viên.

Thay mặt lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, bà Tô Thị Bích Châu kêu gọi các tầng lớp nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức Giáo hội các tôn giáo, các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, tu sĩ, đồng bào tín các tôn giáo... tùy theo điều kiện và khả năng của mình, đăng ký tham gia phục vụ tại các bệnh viện, các khu vực cách ly... nhằm tăng cường hỗ trợ lực lượng y tế cơ sở, đảm trách những phần việc nặng nề và đầy hiểm nguy, nhưng cao cả... các tình nguyện viên xứng đáng được trân trọng và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh luôn đặt niềm tin nơi các tình nguyện viên tôn giáo.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu tin tưởng với tinh thần đoàn kết, yêu thương, với tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp, nhân văn của người dân Thành phố Hồ Chí Minh, của các tình nguyện viên sẽ được nhân rộng, phát huy cao độ huy động được sức mạnh vật chất, tinh thần to lớn.

“Sự tình nguyện của các tình nguyện viên sẽ là động lực, là chất xúc tác mạnh mẽ để Thành phố Hồ Chí Minh chiến thắng dịch COVID-19”, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu nhấn mạnh.

Các tình nguyện viên Công giáo tham gia hỗ trợ phòng chống dịch Covid -19 chuẩn bị xuất quân.

Đại diện tình nguyện viên tăng, ni, Phật tử tham gia tình nguyện đợt này, Đại đức Thích Trung Khai, chùa Long Hoa, Phường 11, Quận 10 cam kết đồng lòng, sẽ tuân theo sự hướng dẫn của Sở Y tế và Ban lãnh đạo bệnh viện và quyết tâm đầy trách nhiệm, bằng cả tâm và sức, mong góp phần mang lại sức khỏe an toàn cho bệnh nhân.

Bà Đào Thị Phương Liên, dòng Trinh Vương Sài Gòn - tình nguyện viên tham gia chống dịch bày tỏ: Chúng tôi rất vinh dự khi được thể hiện sự đóng góp của các nữ tu Công giáo. Điều này cũng nói lên sự đoàn kết của dân tộc, của các tôn giáo để cùng nhau cứu trợ khi anh em chúng ta đang gặp khó khăn. Nhà nước đã rất quan tâm, nhưng các y bác sĩ trên tuyến đầu quá mệt. Chúng tôi rất sung sướng khi được tiếp quân, cùng Thành phố chống dịch.

Sau lễ xuất quân, 214 tình nguyện viên đã tham gia hỗ trợ lực lượng tuyến đầu tại bệnh viện Hồi sức chuyên sâu COVID-19, phường Tân Phú, Thành phố Thủ Đức; 45 tình nguyện viên tham gia hỗ trợ lực lượng tuyến đầu tại Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 10, Chung cư lô D07 Khu dân cư 30,2 ha, phường An Khánh, Thành phố Thủ Đức và 40 tình nguyện viên tham gia hỗ trợ lực lượng tuyến đầu tại Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 12, Khối chung cư R5 Khu tái định cư 38,4 ha phường An Khánh, TP. Thủ Đức.

BT (tổng hợp)