Cụ thể, có bảy tác giả và ba cố tác giả được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, gồm: GS.TS, NSND Lê Ngọc Canh (sách: Đại cương nghệ thuật múa, Nghệ thuật múa Chèo, Nghệ thuật múa tộc người Mạ); NSND Chu Thúy Quỳnh (các tiết mục múa: Mùa xuân trên bản H’Mông, Hoa xuân đất nước, Hầu văn Xá Thượng Ngàn); TS. Trần Đình Ngôn (Kịch bản sân khấu: Duyên nợ ba sinh, Nàng chúa ong, Những vần thơ thép); Nhà nghiên cứu sân khấu Mịch Quang (sách: Đặc trưng nghệ thuật Tuồng, Khơi nguồn mỹ học dân tộc); TS. Doãn Nho (Thanh xướng kịch: Trẩy hội Đền Hùng, Hoa Lư Thăng Long - Bài ca dời đô, Giao hưởng Khúc tưởng niệm, Liên khúc Giao hưởng 3 chương Chiến thắng); PGS. Chu Minh (ca khúc: Tên người đẹp mãi Bến Tre, Non nước tên Người, Ngày ấy người đi dặm dài thế kỷ, Hòa tấu thính phòng: Trio cho Piano, violon và vioncelle, Khí nhạc Tuổi trẻ…). GS. NSND Trọng Bằng (ca khúc: Bão nổi lên rồi, Chúng ta là chiến sĩ công an, Vang mãi bản tình ca, Giao hưởng thơ Người về đem tới niềm vui, Hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng: Trường ca Tây Bắc- Điện Biên Phủ).
Ba cố tác giả được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh gồm nhà văn Nguyễn Xuân Thiều (tiểu thuyết thiếu nhi Khúc hát mở đầu, tiểu thuyết Huế mùa mai đỏ), nhà văn Trần Hữu Mai (tiểu thuyết Đêm yên tĩnh, Người lữ hành lặng lẽ), nhạc sĩ Hoàng Hà (Giao hưởng hợp xướng Côn Đảo, ca khúc Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn, Cùng hành quân giữa mùa xuân, Đất nước trọn niềm vui, Tiếng rừng dương).
Chủ tịch nước cũng trao Giải thưởng Nhà nước cho 56 tác giả, đồng tác giả và 11 cố tác giả có đóng góp xuất sắc cho nền văn học nghệ thuật. Lễ trao giải dự kiến diễn ra ngày 11/3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.