Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu. |
Ông Hiểu nhìn nhận: việc bố trí, sắp xếp, phân công không ít cán bộ trong các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp không phù hợp với năng lực, trình độ, kinh nghiệm, sở trường. Mặt khác, một số cán bộ công chức không yếu về năng lực, trình độ, thậm chí so với công chức trong khu vực, nhưng lại kém về phẩm chất đạo đức và tinh thần, trách nhiệm.
Ông nhấn mạnh rằng công chức các cấp khi cầm trên tay hồ sơ hành chính của công dân, doanh nghiệp và tổ chức để giải quyết phải thực sự nâng niu, trân trọng và coi đó là trách nhiệm của mình.
“Liệu có bao nhiêu % trong họ thường trực một tâm niệm: phải tham mưu, xử lý thật nhanh, thật đúng để công dân kịp thời giải quyết công việc cá nhân và gia đình của họ; để doanh nghiệp sớm đi vào hoạt động, ăn nên làm ra, giải quyết việc làm, nộp thuế cho Nhà nước. Hay họ tìm cớ gây khó khăn, nhũng nhiễu; làm cho nhiều doanh nghiệp, công dân ngại ngần, sợ hãi khi phải tiếp cận các thủ tục hành chính", ông Hiểu phát biểu và cho rằng đây là vấn đề không cá biệt ở các cấp, các ngành, các địa phương.
Về vấn đề thể chế, đại biểu Ngọ Duy Hiểu cho rằng “đất nước còn nhiều văn bản pháp luật chất lượng không cao, hiệu lực ngắn, xung đột, chồng chéo với các văn bản khác trong hệ thống, khó đi vào đời sống. Một số văn bản khác trói buộc, kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp và sức sáng tạo của nhân dân”.
“Một xã hội khởi nghiệp, sáng tạo thật khó sinh sôi và phát triển trong một môi trường pháp lý như vậy. Ngay từ những phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các thành viên Chính phủ tập trung xây dựng, hoàn thiện dự thảo các nghị định để trình Chính phủ, khắc phục bệnh kinh niên nợ văn bản, luật ra nhưng không được đi vào cuộc sống” - ông Hiểu nói.
Nhưng đại biểu Hà Nội vẫn lo ngại trước tình trạng, ở một số Bộ, Bộ trưởng thì quan tâm nhưng cấp dưới thì không chú trọng việc xây dựng hệ thống các thông tư, nghị định. Có bộ chưa chọn những cán bộ giỏi, am tường, nhiều kinh nghiệm trực tiếp tham gia xây dựng văn bản, chính sách.
Thực tế, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng hết sức quan tâm công tác xây dựng thể chế, tình trạng nợ đọng văn bản đã cơ bản được khắc phục. Ở thời điểm đầu tháng 10, lần đầu tiên Chính phủ không còn nợ đọng văn bản hướng dẫn.
Trước đó, phát biểu tại hội trường Quốc hội ngày 2/11, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sĩ Cương cũng bày tỏ lo ngại về tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.
Đưa ví dụ cụ thể, vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại tiết lộ nhiều doanh nghiệp nhỏ nói với ông rằng lực lượng chức năng đóng trên địa bàn “việc gì có thể không biết chứ trên địa bàn có bao nhiêu doanh nghiệp, kinh doanh, sản xuất gì họ biết tuốt và xuống thăm hỏi thường xuyên”. Thăm hỏi không phải là để kiểm tra, xem xét gì mà chỉ để xin kinh phí hỗ trợ.
Theo ông Cương, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm hết mức, tìm mọi cách hỗ trợ và tạo mọi điều kiện, cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp làm ăn. Nhưng chính sự nhũng nhiễu của một số nơi như vậy khiến hiệu quả chỉ đạo giảm rất nhiều.
Thành Đạt