Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Về vấn đề này, Bộ Y tế trả lời cử tri tỉnh An Giang như sau:
Bộ Y tế được phân công xây dựng dự thảo Luật sửa đổi Luật Dược. Các quy định cụ thể về người hành nghề dược và điều kiện kinh doanh đối với từng hình thức tổ chức kinh doanh trong đó có hình thức bán lẻ thuốc đã được nghiên cứu bổ sung cho phù hợp hơn.
Về quy định người trực tiếp bán thuốc phải có trình độ chuyên môn đã được quy định trong Luật Dược năm 2005. Cụ thể là các hành vi: “Kinh doanh thuốc mà không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc”, “Hành nghề dược mà không có chứng chỉ hành nghề dược”, “Giả mạo, thuê, mượn, cho thuê, cho mượn chứng chỉ hành nghề dược, Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc” đã được quy định là những hành vi bị cấm tại Điều 9 Luật Dược năm 2005.
Hành vi thuê mượn chứng chỉ hành nghề dược hoặc người có chứng chỉ hành nghề vắng mặt tại cơ sở kinh doanh thuốc đã được quy định trong các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về y tế đã ban hành trước đây và Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đang có hiệu lực thi hành là Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ.
Cụ thể là hành vi “a) Người quản lý chuyên môn vắng mặt nhưng không thực hiện việc ủy quyền hoặc cử người thay thế theo quy định của pháp luật” bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với cơ sở bán lẻ thuốc. Bên cạnh đó còn có hình thức xử phạt bổ sung là “a) Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề dược trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng”.
Các văn bản Quy phạm pháp luật hiện hành đã tương đối đầy đủ và đã quy định mức xử phạt cụ thể. Một số trường hợp thuê, mượn Chứng chỉ hành nghề dược bị phát hiện đều đã bị xử lý nghiêm theo quy định.
Trong thời gian gần đây, việc thuê, mượn chứng chỉ hành nghề dược đã được khắc phục đáng kể. Đặc biệt, thực hiện triển khai lộ trình áp dụng nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt nhà thuốc”, điều kiện cơ sở bán lẻ thuốc đã được nâng lên. Vai trò, nhiệm vụ của người quản lý chuyên môn tại cơ sở bán lẻ được quy định cụ thể hơn. Nhờ vậy, việc tuân thủ quy định pháp luật về dược cũng được nâng lên đồng thời công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của cơ sở bán lẻ thuốc cũng phát huy được hiệu quả.
Ngày 29/3/2013, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2013/TT-BYT hướng dẫn thực hiện Nghị định số 89/2012/NĐ-CP ngày 24/10/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2006/NĐ-CP ngày 9/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Dược. Trong đó, Bộ Y tế đã quy định việc cập nhật và công khai trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược và các Sở Y tế tỉnh, thành phố về danh sách các cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề dược và danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh dược kèm theo tên người hành nghề, số Chứng chỉ hành nghề dược.
Trên cơ sở các danh sách này, ngoài hệ thống thanh tra thì cơ quan quản lý, các tổ chức, cá nhân có thể tham gia vào việc phát hiện các trường hợp thuê, mượn chứng chỉ hành nghề, người đăng ký hành nghề không có mặt tại cơ sở kinh doanh.
Bên cạnh việc đề xuất và trực tiếp hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan theo thẩm quyền, Bộ Y tế sẽ bổ sung các biện pháp và hướng dẫn thanh tra, kiểm tra để hạn chế và loại bỏ tình trạng thuê, mượn chứng chỉ hành nghề dược, người hành nghề dược không có chứng chỉ hành nghề dược.
Chinhphu.vn