Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo ông Hà tìm hiểu Khoản 1 Điều 102 Bộ luật Lao động thì doanh nghiệp chỉ được trừ lương trong trường hợp nhân viên làm hư hỏng, thất lạc tài sản của doanh nghiệp.
Ông Hà có phản ánh thì được công ty trả lời, đây là doanh nghiệp tư nhân, lương theo khoán doanh thu, không phải doanh nghiệp nhà nước, công ty không làm trái luật. Lương trung bình đến giờ của ông Hà và nhiều lái xe rất thấp (chưa đến 4 triệu đồng) mặc dù đều đi làm đủ cả tháng không nghỉ ngày nào.
Ông Hà hỏi, công ty làm vậy có đúng quy định của pháp luật không? Và nếu công ty làm trái luật lao động thì ông phải làm gì để bảo đảm được quyền lợi của mình?
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng, Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời ông Trần Thanh Hà như sau:
Khoản 1 Điều 96 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận về hình thức trả lương theo thời gian, sản phẩm hoặc khoán.
Theo Điểm c Khoản 1 Điều 54 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung về điều kiện lao động và quan hệ lao động thì, tiền lương khoán được trả cho người lao động hưởng lương khoán căn cứ vào khối lượng công việc, chất lượng công việc và thời gian phải hoàn thành công việc.
Như vậy, trả lương khoán là một hình thức trả lương theo quy định của pháp luật về lao động.
Trường hợp công ty nơi ông Trần Thanh Hà đang làm việc có quy định mức khoán doanh thu của lái xe taxi trong 1 ngày làm việc phải nộp về công ty 650.000 đồng thì công ty sẽ trả một khoản tiền lương cụ thể theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động. Công ty sẽ trích một phần tiền khoán nộp về để trả lương cho người lao động theo tỷ lệ thuận, đủ mức khoán sẽ được nhận tiền lương như thỏa thuận. Trường hợp vượt mức khoán tiền lương sẽ cao hơn; chưa đủ mức khoán tiền lương sẽ bị giảm đi nhưng tiền lương tháng công ty trả cho người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Điều 102 Bộ luật Lao động 2019 quy định, người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 129 của Bộ luật này; người lao động có quyền được biết lý do khấu trừ tiền lương của mình.
Mức khấu trừ tiền lương hằng tháng không được quá 30% tiền lương thực trả hằng tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản BHXH bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập cá nhân.
Theo đó, công ty chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của công ty theo quy định tại Điều 129 của Bộ luật Lao động 2019. Việc công ty khấu trừ tiền lương của người lao động bằng số tiền còn thiếu để bù cho đủ mức khoán 650.000 đồng/ngày là thiệt thòi cho người lao động trái pháp luật.
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người lao động cần thiết phản ánh với tổ chức công đoàn cơ sở, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để được giúp đỡ, hỗ trợ, có kiến nghị với công ty xem xét, xây dựng lại quy chế tiền lương, tiền thưởng, mức khoán phù hợp với quy định của pháp luật.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.