Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 8 nhóm tăng, trong đó, thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với mức tăng 7,51%; giáo dục tăng 0,75%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,5%; giao thông tăng 0,39%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,06%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,06%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,04%; bưu chính viễn thông tăng 0,03%.
Có 3 nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm là hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,87%; may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,12%; đồ uống và thuốc lá giảm 0,02%.
Theo Tổng cục Tống kê, các nguyên nhân khiến cho CPI tháng 3 tăng là do giá dịch vụ y tế tăng theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 1/3/2016. Thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ, tỉnh Thanh Hóa đã tăng học phí các cấp làm cho chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 0,75%.
Ở chiều ngược lại, các nguyên nhân làm giảm CPI tháng 3 là nhu cầu tiêu dùng về hàng hoá, dịch vụ của người dân sau Tết Nguyên đán giảm, giá các mặt hàng trở về mặt bằng trước Tết.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, để kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng năm bình quân năm 2017 đặt ra dưới 4%. các ngành, các cấp đã và đang tích cực triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp. Cụ thể, ngành công thương phối hợp với các ngành liên quan chỉ đạo các doanh nghiệp thương mại dự trữ hàng hóa, tham gia bình ổn thị trường phục vụ Tết Nguyên đán nên không xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến vào dịp Tết.
Bộ Tài chính tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tổ chức các đoàn công tác liên ngành kiểm tra tình hình triển khai thực hiện công tác quản lý bình ổn giá tại một số địa phương. NHNN điều hành chính sách tiền tệ kiên định mục tiêu giữ ổn định vĩ mô.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, CPI so cùng kỳ năm ngoái đang giảm dần, nhưng để kiểm soát CPI bình quân dưới 4%, cần có sự phối hợp giữa Bộ Tài chính, Bộ Công Thương trong việc theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu (gạo, xăng dầu, sắt thép, phân bón…) để cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý.
“Việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý nên tách ra các đợt và điều chỉnh trùng hoặc sau các tháng của năm trước đã điều chỉnh để số liệu so cùng kỳ không tăng cao. Nên tận dụng các tháng có CPI tăng thấp để điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý để hạn chế lạm phát kỳ vọng”, ông Lâm lưu ý.
Huy Thắng