Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo phản ánh của Công ty TNHH Ross Studio, Hiệp định GATS quy định thương mại dịch vụ gồm 4 Mode, nhưng đến Hiệp định CPTPP thì Chương 10 chỉ đưa ra có 3 Mode, thiếu mode “commercial presence” (hiện diện thương mại) - là việc cung cấp dịch vụ thông qua việc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trực tiếp thành lập công ty cung cấp dịch vụ trực tiếp tại nước tiếp nhận đầu tư.
Chương 9 của Hiệp định CPTPP chỉ nói về tài sản đầu tư và các biện pháp liên quan đến nhà đầu tư và đầu tư của Bên khác, nhưng không nói về thương mại dịch vụ.
Ngoài ra, các Chương khác của CPTPP cũng không thấy có quy định về Thương mại dịch vụ.
Công ty TNHH Ross Studio hỏi, so với Hiệp định GATS thì Hiệp định CPTPP khuyết nội dung quy định về liên quan đến “Thương mại dịch vụ thông qua hiện diện thương mại” có đúng không? Do đó việc cung cấp dịch vụ thông qua hiện diện thương mại tại Việt Nam không được hưởng các quyền NT, MFN... như so với cung cấp xuyên biên giới?
Về vấn đề này, Bộ Công Thương trả lời như sau:
Về cách hiểu, phương thức hiện diện thương mại (tức là Mode 3) là phương thức mà theo đó, nhà cung cấp dịch vụ của một thành viên thiết lập các hình thức hiện diện thương mại như công ty 100% vốn nước ngoài, công ty liên doanh, chỉ nhánh, v.v… trên lãnh thổ của một thành viên khác để cung cấp dịch vụ.
Trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Chương 10 quy định về thương mại dịch vụ xuyên biên giới (tức là Mode 1 và Mode 2). Đối với phương thức cung cấp dịch vụ thông qua hình thức hiện diện thương mại, Hiệp định CPTPP quy định phương thức này tại Chương 9 – Đầu tư của Hiệp định CPTPP.
Cụ thể, phương thức cung cấp dịch vụ thông qua hình thức hiện diện thương mại được quy định tại định nghĩa về “Đầu tư” thuộc Điều 9.1 – Định nghĩa của Chương 9 – Đầu tư Hiệp định CPTPP. Lời văn cụ thể như sau:
“Đầu tư được hiểu là mọi tài sản do nhà đầu tư sở hữu hoặc kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp, có mang đặc tính của hoạt động đầu tư, bao gồm các đặc điểm như cam kết về vốn đầu tư hoặc các nguồn lực khác, kỳ vọng về lợi nhuận, hoặc gánh chịu rủi ro. Các hình thức đầu tư bao gồm: (a) doanh nghiệp;…”.
Điều này được hiểu là hoạt động cung cấp dịch vụ thông qua hình thức hiện diện thương mại được các quốc gia thành viên CPTPP đưa vào và trở thành một hình thức hoạt động “Đầu tư”.
Tại Khoản 2 của Điều 10.2 – Phạm vi điều chỉnh của Chương 10 – Thương mại dịch vụ xuyên biên giới, Điều 10.5 – Tiếp cận thị trường, Điều 10.8 – Quy định trong nước và Điều 10.11 – Minh bạch hóa, cũng sẽ áp dụng cho các biện pháp được áp dụng hoặc duy trì bởi một Bên có ảnh hưởng đến việc cung cấp một dịch vụ trên lãnh thổ của Bên đó bởi một khoản đầu tư. Theo quy định này, cung cấp dịch vụ thông qua hình thức hiện diện thương mại sẽ chịu sự điều chỉnh của Điều 10.5 – Tiếp cận thị trường (MA).
Đồng thời, cung cấp dịch vụ thông qua hình thức hiện diện thương mại cũng sẽ chịu sự điều chỉnh của Điều 9.4 - Đối xử quốc gia (NT) và Điều 9.5 - Đối xử tối huệ quốc (MFN), Điều 9.10 – Yêu cầu thực hiện (PR) và Điều 9.11 – Quản trị cấp cao và Hội đồng quản trị (SMBD).
Như vậy, hoạt động “Đầu tư” trong trường hợp này là cung cấp dịch vụ thông qua hiện diện thương mại cũng sẽ được hưởng đối xử theo nguyên tắc NT và MFN đối với việc thành lập, mua lại, mở rộng, quản lý, điều hành, vận hành, và bán hoặc định đoạt khoản đầu tư “khi ở trong hoàn cảnh tương tự”.