Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Nhân kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, mới đây, tỉnh Bến Tre phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế "Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay".
Trên thực tế, trong gần 160 năm của tiến trình nghiên cứu về Nguyễn Đình Chiểu, mới chỉ có 2 hội thảo khoa học trong nước được tổ chức. Đó là vào năm 1972, nhân kỷ niệm lần thứ 150 năm ngày sinh của cụ, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo khoa học của Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam và các trường đại học. Hội thảo được tổ chức với sự tham gia của các Giáo sư: Nguyễn Khánh Toàn, Vũ Đức Phúc, Phạm Thiều, Ca Văn Thỉnh, các nhà nghiên cứu: Cao Huy Đỉnh, Bùi Thanh Ba, Nguyễn Quang Vinh, Nguyễn Liệu…
Năm 1973, Nhà xuất bản Khoa học xã hội đã tập hợp các bài tham luận tại Hội thảo này để xuất bản thành sách với tựa đề "Nguyễn Đình Chiểu, tấm gương yêu nước và lao động nghệ thuật".
Năm 1982, kỷ niệm lần thứ 160 ngày sinh của Nguyễn Đình Chiểu, Hội nghị khoa học quốc gia đầu tiên về Nguyễn Đình Chiểu do Viện Khoa học xã hội tại TPHCM, thừa ủy quyền của Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, phối hợp cùng tỉnh Bến Tre tổ chức vào ngày 29 và 30/6/1982. Gần 200 nhà khoa học từ các viện nghiên cứu, các trường đại học ở mọi miền đất nước đã về Bến Tre tham dự Hội nghị này.
Năm 1984, Sở Văn hóa và Thông tin cùng Hội Văn nghệ Nguyễn Đình Chiểu Bến Tre đã xuất bản Kỷ yếu Hội nghị khoa học đó. Trong 40 năm qua, nhiều công trình nghiên cứu về nhà thơ, nhà văn hóa Nguyễn Đình Chiểu của các nhà khoa học Việt Nam và nước ngoài tiếp tục được công bố.
Hội thảo "Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay"-hội thảo thứ 3 về cụ đồ Chiểu, tập trung hơn 100 tham luận của các nhà khoa học, đã nghiên cứu, tìm hiểu về Nguyễn Đình Chiểu trên nhiều phương diện cũng như sức ảnh hưởng và di sản của ông để lại cho hậu thế.
Đầu tiên, dễ dàng nhận thấy di sản văn hóa mà vị danh nhân này để lại là đức nhân, trung, hiếu, tiết, nghĩa. Đó là tình yêu thương con người, trung với nước, hiếu thảo với cha mẹ và giữ gìn tiết nghĩa. Trước bối cảnh lịch sử của đất nước thời bấy giờ, là một nhà nho giàu lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, cụ đồ Chiểu đã thể hiện rõ quan điểm của mình với triều đình phong kiến cũng như giặc Pháp xâm lược. Những giá trị đạo đức, nhân cách sống vô cùng đáng quý đó không chỉ có giá trị trong quá khứ mà còn cần thiết đối với việc xây dựng đạo đức, nhân cách con người Việt Nam hiện nay.
Trong bối cảnh hiện nay, những giá trị cốt lõi trong nhân cách, đạo đức của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu vẫn có ảnh hưởng tích cực. Đó là lòng yêu nước, thương nòi, trọng đạo hiếu, sống có tình nghĩa, không chịu khuất phục trước cái ác, cái xấu; sống có lý tưởng, có trách nhiệm, sẵn sàng cống hiến, hy sinh cho cộng đồng. Đó là nghị lực phi thường vượt qua khó khăn và vượt lên chính mình; tinh thần tự tôn, ý thức giữ gìn những giá trị đạo đức văn hóa cao đẹp của dân tộc...
Trước thực trạng những giá trị đạo đức bị đảo lộn, chúng ta thêm trân trọng mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình và xã hội mà Nguyễn Đình Chiểu đã khắc họa trong tác phẩm của mình về tình cha con, vợ chồng, thầy trò, bạn bè.
Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu đã có thời gian hơn một phần tư thế kỷ sống, chiến đấu bằng ngòi bút đanh thép, hòa cùng đời sống của quần chúng nhân dân. Qua các nhân vật trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu cũng như trong 3 tác phẩm Lục Vân Tiên, Ngư Tiều y thuật vấn đáp, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc cùng rất nhiều văn tế, thơ điếu, chúng ta thấy hiện lên hình ảnh người dân Nam Bộ đậm chất dân gian.
TS. Mai Mỹ Duyên, Giảng viên Đại học Trà Vinh nhận định, Lục Vân Tiên là tác phẩm chứa đựng hình tượng nhân vật phong phú, cùng âm điệu lục bát và chất trữ tình sâu sắc. Chính vì vậy, ngay từ khi ra đời, tác phẩm đã nhanh chóng được quần chúng nhân dân yêu thích và truyền bá rộng rãi trong toàn vùng Nam Bộ dưới dạng nói thơ Vân Tiên.
Thể loại diễn xướng dân gian nói thơ Vân Tiên là sản phẩm văn hóa dân gian được người Nam Bộ sáng tạo có nguồn gốc từ lối nói thơ của miền Trung nhưng đã có nhiều cải tiến (về âm điệu, cách thể hiện) cho phù hợp với ngôn ngữ, tính cách, tâm hồn và không gian diễn xướng của Nam Bộ.
Lối nói thơ Vân Tiên ra đời trên cơ sở nhu cầu phổ biến thơ văn yêu nước, thể hiện tinh thần đấu tranh không khuất phục cường quyền, đem trí tài phụng sự đất nước và nhu cầu truyền bá đạo lý, tôn vinh phẩm hạnh con người Việt Nam trước nguy cơ đảo lộn, suy đồi các giá trị truyền thống trong xã hội đương thời. Có thể nói, thơ Vân Tiên được xem là "đặc chủng" phái sinh từ nhu cầu xã hội: Phổ biến tác phẩm Lục Vân Tiên của cụ đồ Chiểu bằng phương thức truyền khẩu. Và căn cứ tiểu sử của nhà thơ cho thấy việc phổ biến tác phẩm Lục Vân Tiên qua điệu nói thơ Vân Tiên bằng con đường truyền khẩu đã lan tỏa khắp Nam Bộ trước khi ông về Ba Tri sinh sống.
Sự kiện Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu được tôn vinh là một niềm vinh dự, tự hào cho Bến Tre, có ý nghĩa tích cực trong giáo dục truyền thống văn hóa, truyền thống yêu nước từ những di sản văn hóa mà cụ Đồ Chiểu để lại cho nhân dân.
Việc tổ chức hội thảo khoa học quốc tế đã được tỉnh Bến Tre chuẩn bị chu đáo, tích cực từ sắp xếp chọn tác giả, đặt hàng các tham luận. Hội thảo góp phần khai thác, tổng hợp các ý kiến đánh giá của các nhà khoa học về Nguyễn Đình Chiểu một cách toàn diện, làm phong phú thêm tư liệu nghiên cứu và tìm hiểu về danh nhân Nguyễn Đình Chiểu.
Tại Hội thảo này, ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam một lần nữa khẳng định, tác giả Nguyễn Đình Chiểu là một nhân vật xuất chúng, một trong những nhà thơ Việt Nam được tôn vinh nhiều nhất và có các tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng. Những triết lý về hòa bình, về tình yêu của con người cũng như về lòng khoan dung hoàn toàn phù hợp với triết lý và mục tiêu của UNESCO.
Nguyễn Đình Chiểu đã cống hiến cả cuộc đời mình để lan tỏa kiến thức và còn là một thầy thuốc vĩ đại với một tầm nhìn sâu rộng trong việc cứu người. Đây cũng là một sứ mệnh của UNESCO-sứ mệnh giáo dục. Câu chuyện cuộc đời của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu là nguồn cảm hứng không chỉ với người dân Việt Nam mà còn là với cả nhân loại.
Hữu Nghĩa