Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Sáng 29/6, UBND tỉnh Bến Tre và Bộ VHTT&DL phối hợp tổ chức hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề "Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay". Hoạt động nhằm chào mừng kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông.
Dự hội thảo có ông Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TPHCM; ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam; ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ VVHTT&DL.
Về phía tỉnh Bến Tre có Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam.
Hội thảo còn quy tụ các nhà khoa học từ Pháp, Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nhà khoa học trong nước.
Phát biểu chào mừng hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ nhấn mạnh, Nguyễn Đình Chiểu là một nhà văn hóa lớn, nhà thơ yêu nước tiêu biểu của dân tộc Việt Nam, nhà giáo của nhiều thế hệ, là thầy thuốc tinh thông y lý, y thuật và nổi tiếng về y đức. Tài năng của ông trên văn đàn, y thuật và nền giáo dục nước nhà đã được ghi nhận, tôn vinh từ rất sớm, ngay cả lúc ông còn sinh thời.
Là một trong những người khai sáng và là tác giả tiêu biểu nhất của dòng văn chương yêu nước chống ngoại xâm nửa sau thế kỷ XIX, ông đã góp phần nâng cao tầm vóc và ảnh hưởng của văn học nước nhà. Ông còn là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, thương dân, ý chí kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống ngoại xâm, chống lại mọi cám dỗ về vật chất, đe dọa về tinh thần, thể hiện rõ khí phách hiên ngang của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng và văn hóa.
Mặc dù cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu gặp nhiều gian truân, nhưng với tâm sáng, chí cao, nghèo khó nhưng không yếu hèn, ủy mị, ông đã luôn thể hiện bản lĩnh, vươn lên vượt qua nghịch cảnh. Trước cảnh nước mất, nhà tan, không thể cầm súng, cầm gươm giết giặc, ông xung phong dùng ngòi bút sáng tác thơ văn để "chở đạo" và "trừ gian", xem đây là cứu cánh để cổ vũ tinh thần của nghĩa binh và nhân dân; đồng thời, dùng y thuật để giúp dân, giúp nước trong cơn biến loạn. Ông chiến đấu không ngừng nghỉ với những câu tuyên ngôn bất hủ để lại cho nhân loại.
Đối với khu vực Nam Bộ, nhất là tỉnh Bến Tre - vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng, Nguyễn Đình Chiểu là tấm gương tiêu biểu cho các thế hệ người Bến Tre nói riêng, Nam Bộ và cả nước nói chung về đạo lý làm người, về tinh thần yêu nước và ý chí kiên cường, bất khuất.
Theo ông Lê Đức Thọ, hội thảo "Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay" được tỉnh Bến Tre tổ chức hôm nay là một trong những hoạt động quan trọng của tỉnh thay mặt Việt Nam cam kết với UNESCO về việc vinh danh nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu là Danh nhân văn hóa, cùng kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông (1/7/1822-1/7/2022).
Cũng qua hội thảo này, Đảng bộ và nhân dân Bến Tre mong muốn UNESCO, các quốc gia thành viên của UNESCO, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và các bộ, ban, ngành Trung ương, các nhà khoa học quốc tế tiếp tục đồng hành, hỗ trợ để hoạt động gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa, thơ văn của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu xứng tầm với danh hiệu cao quý được công nhận, vinh danh ở tầm quốc tế; đồng thời, đề nghị đưa kỷ niệm ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu được tổ chức cấp Nhà nước vào những năm chẵn, năm tròn theo quy định hiện hành.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương khẳng định, cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu đã được nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu ở Việt Nam và quốc tế tìm hiểu trong suốt hơn 150 năm qua. Việc giới thiệu về tác phẩm của ông được người Pháp tiến hành ngay từ khi nhà thơ còn sống. Trải qua thời gian, cuộc đời và tác phẩm của Nguyễn Đinh Chiểu đã đi vào lịch sử, văn học, văn hóa-nghệ thuật, vào đời sống của người dân Nam Bộ cũng như trong và ngoài nước. Nguyễn Đình Chiểu là tác giả Việt Nam có tác phẩm được phổ biến ở nước ngoài chỉ đứng sau đại thi hào Nguyễn Du và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hội thảo tập trung vào các nội dung: Nguyễn Đình Chiểu trong lịch sử Việt Nam, khu vực và quốc tế nửa sau thế kỷ XIX; nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu với vận mệnh quốc gia, số phận con người trong chiến tranh qua nghệ thuật văn chương; tư tưởng nhân văn của Nguyễn Đình Chiểu; tư duy tiến bộ về giải phóng con người trong những tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu; nhân cách văn hóa Nguyễn Đình Chiểu, những giá trị văn hóa trường tồn; tinh thần hiếu học của Nguyễn Đình Chiểu trong xã hội thế kỷ XIX và dòng chảy lịch sử; bảo vệ và phát huy giá trị tư tưởng, nhân cách của Nguyễn Đình Chiểu trong bối cảnh hội nhập quốc tế; di sản Nguyễn Đình Chiểu và phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam, du lịch danh nhân ở Việt Nam nói chung, Bến Tre nói riêng…
Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được 133 tóm tắt tham luận, toàn văn tham luận của các tác giả; đồng thời, đã lựa chọn 96 tham luận của các tác giả (17 tham luận của tác giả nước ngoài, 79 tham luận của các tác giả trong nước) để in trong kỷ yếu hội thảo.
Vũ Phong