Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu củng cố năng lực, kiện toàn Ban quản lý các dự án, các đơn vị chủ quản đầu tư theo hướng chuyên nghiệp. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống cho biết đến ngày 30/11, 16 bộ, cơ quan Trung ương là Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Lao động-Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đại học quốc gia TPHCM, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Đại học quốc gia Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Ban Quản lý Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, mới giải ngân được 22,72% tổng số vốn đầu tư công được phân bổ trong năm 2021.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống đề nghị các bộ, cơ quan Trung ương phân tích, đánh giá kỹ lưỡng thực trạng giải ngân vốn đầu tư công, trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan và người đứng đầu. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Các ý kiến đã trao đổi thẳng thắn để tìm ra những giải pháp khắc phục hiệu quả, nỗ lực ở mức cao nhất để đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn cho biết, năm 2021 Bộ được giao một số dự án lớn nhưng đến quý III/2021 mới được phân bổ vốn và bắt đầu thực hiện các thủ tục đầu tư. Bộ Thông tin và Truyền thông phấn đấu hết tháng 6/2022 để hoàn thành việc giải ngân những dự án này.
Tương tự, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đoàn Văn Việt cho biết, Bộ đã giải ngân được 62% vốn đầu tư công được phân bổ trong năm 2021 và phấn đấu đến hết năm đạt 98% trở lên. Tuy nhiên, Bộ được phân bổ vốn đầu tư công cho 4 dự án phục vụ SEA Games vào cuối năm 2020 nhưng đến quý III/2021 mới xong thủ tục, Bộ tập trung để đến cuối năm 2021 sẽ hoàn thành giải ngân.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn cho biết, năm 2021 Bộ được giao một số dự án lớn nhưng đến quý 3/2021 mới được phân bổ vốn và bắt đầu thực hiện các thủ tục đầu tư. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Trong khi đó, dù đạt tỷ lệ giải ngân 70% nhưng Bộ Y tế gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai thủ tục các dự án đầu tư cơ sở 2 của một số bệnh viện tuyến Trung ương trong năm 2021; nguồn vốn dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, Bệnh viện Bạch Mai chuyển tiếp từ năm 2020 sang.
Đại diện các bộ, cơ quan Trung ương khẳng định quyết tâm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, đặc biệt là khâu chuẩn bị đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư. Nguyên nhân khách quan được đại diện các bộ, cơ quan Trung ương nêu lên là do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên hầu hết các công trình xây dựng tạm dừng thi công ở những khu vực có nguy cơ rất cao; giá cả nguyên vật liệu tăng cao; lưu thông khó khăn; vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng do cơ chế chính sách, đơn giá thay đổi thường xuyên; đến cuối tháng 9, đầu tháng 10 các bộ, cơ quan Trung ương mới được phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công cho các dự án khởi công mới.
Tập trung làm rõ nguyên nhân chủ quan, các ý kiến cho rằng sự lãnh đạo, chỉ đạo còn thiếu quyết liệt, sâu sát, cụ thể, chưa phát huy được vai trò người đứng đầu. Chất lượng chuẩn bị nhiều dự án còn yếu kém. Phân bổ vốn còn dàn trải, thiếu tập trung, lập kế hoạch vốn chưa sát thực tế. Công tác thẩm định, tư vấn còn chậm. Năng lực yếu kém của một số ban quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu.
Đại diện các bộ, cơ quan Trung ương khẳng định quyết tâm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, đặc biệt là khâu chuẩn bị đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Một số bộ, cơ quan Trung ương kiến nghị cho phép kéo dài kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 sang năm 2022; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; sửa đổi, bổ sung một số quy định pháp luật bất cập liên quan đến thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện báo cáo trong đó phân định rõ phần vốn đầu tư công của các dự án chuyển tiếp từ năm 2020 sang năm 2021; các dự án mới được phân bổ vốn và cam kết hoàn thành giải ngân của các bộ, cơ quan Trung ương theo các mốc thời gian cụ thể; làm rõ nguyên nhân các dự án ODA chậm giải ngân...
Năng lực Ban quản lý các dự án, các đơn vị chủ quản đầu tư cần được củng cố, kiện toàn theo hướng chuyên nghiệp.
Bộ Y tế khẩn trương tiếp thu ý kiến các bộ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nguyên nhân ách tắc trong triển khai dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, Bệnh viện Bạch Mai.
Về vấn đề giải phóng mặt bằng, Phó Thủ tướng yêu cầu, bên cạnh các kiến nghị chung, cần tập trung vào những đề xuất, giải pháp cụ thể phấn đấu hoàn thành giải phóng mặt bằng của Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học quốc gia TPHCM, Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Làng Văn hoá Du lịch các dân tộc Việt Nam… trong năm 2022.
Đình Nam