Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Mất rạn san hô, sinh vật biển không còn nơi sinh sản, sinh sống từ đó dẫn đến hệ sinh thái mất đi. Phải mất rất lâu, trong môi trường tự nhiên san hô mới có thể phát triển lại bình thường vì mỗi năm chúng chỉ phát triển 1-2cm.
Ông Bình đề nghị các ban ngành có biện pháp để bảo vệ môi trường biển Việt Nam.
Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:
Theo Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, hiện trạng rạn san hô ở vùng biển Việt Nam đã bị suy thoái từ mức rạn phát triển trung bình (bậc 3) xuống mức rạn phát triển nghèo nàn (bậc 1, bậc 2).
Điều này thể hiện xu hướng suy thoái rạn san hô đang diễn ra trên toàn vùng từ khu vực phía Bắc đến phía Nam biển Việt Nam. Đối với các khu bảo tồn biển luôn cho thấy sự suy thoái nhẹ hơn các khu vực khác khoảng 2 đến 3 lần. Một số khu bảo tồn biển rạn san hô ở mức duy trì hoặc có xu hướng tăng nhẹ trong 4 năm gần đây.
Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thoái san hô như do điều kiện tự nhiên, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của ô nhiễm cục bộ,… Do vậy, việc khẳng định nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thoái san hô do đánh bắt trái phép là chưa có đủ căn cứ.
Để bảo vệ môi trường biển trong đó bảo tồn và phát triển rạn san hô trên vùng biển Việt Nam, Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã nêu rõ quan điểm đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hoá sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng.
Nghị quyết thể hiện rõ quan điểm về phát triển bền vững, “không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế biển”, phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển.
Sau khi Nghị quyết số 36-NQ/TW được ban hành, nhằm cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, chủ trương lớn, khâu đột phá và giải pháp chủ yếu đã được đề ra, ngày 5/3/2020, Chính phủ đã có Nghị quyết số 26/NQ-CP ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW.
Kế hoạch xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, lộ trình thực hiện và phân công cụ thể cho các bộ, ngành và địa phương có liên quan thực hiện. Kế hoạch đã đề ra 6 nhóm nội dung, giải pháp cụ thể.
Theo đó, nhóm kế hoạch về môi trường, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng cũng đã đưa ra những nội dung, giải pháp cụ thể cùng với danh mục đề án, nhiệm vụ theo lộ trình (đến năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030).
Trong đó, giai đoạn đến năm 2025 sẽ thực hiện Đề án mở rộng, thành lập mới các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phục hồi các hệ sinh thái biển đến năm 2025, để bảo đảm diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 3% diện tích các vùng biển Việt Nam.
Ngoài ra, Dự thảo Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, đang trình Thủ tướng Chính phủ cũng đưa ra quan điểm chỉ đạo, tầm nhìn và mục tiêu cụ thể về bảo tồn đa dạng sinh học trong đó có đa dạng sinh học hệ sinh thái rạn san hô.
Theo đó, tầm nhìn đến năm 2050 đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái được coi trọng, bảo tồn, phục hồi, phát triển và sử dụng hiệu quả tạo nền tảng phát triển bền vững kinh tế - xã hội và mang lại lợi ích cho mọi người dân.
Một số mục tiêu cụ thể của Chiến lược liên quan đến bảo tồn hệ sinh thái biển trong đó có hệ sinh thái rạn san hô được đề ra là:
“Các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng được bảo vệ và phục hồi: Tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt khoảng 2-3% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; có thêm 12 khu bảo tồn biển, 5 khu bảo tồn đất ngập nước được thành lập mới và đi vào hoạt động; phục hồi 20% diện tích hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái, ưu tiên phục hồi các hệ sinh thái tại các khu bảo tồn thiên nhiên, rừng phòng hộ, phục hồi rạn san hô (diện tích rạn san hô được duy trì ở mức hiện có và có kế hoạch bảo vệ và phục hồi hiệu quả); kiểm soát các hoạt động gây tác động xấu đến đa dạng sinh học: Kiểm soát hiệu quả nạn khai thác, gây nuôi, buôn bán và tiêu thụ trái phép các loài”.