Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng cho biết Thành phố hiện có 6 khu công nghiệp (tỉ lệ lấp đầy 86,89%), 1 khu công nghệ cao (tỉ lệ lấp đầy 41,28%), 1 khu công nghệ thông tin tập trung (tỉ lệ lấp đầy 31,82%) và Cụm Công nghiệp Thanh Vinh mở rộng (tỉ lệ lấp đầy 100%).
Đến thời điểm hiện tại, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung và các khu công nghiệp đã thu hút 510 dự án đầu tư, trong đó có 380 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư trên 30.051 tỷ đồng và 130 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 1,913 tỷ USD.
Giai đoạn 2011-2021, quy mô giá trị tăng thêm ngành công nghiệp Đà Nẵng tăng bình quân 5,67%/năm, trong đó, giai đoạn 2011-2015 đạt 10,7%/năm. Tỉ trọng đóng góp của ngành công nghiệp vào cơ cấu GRDP Thành phố ngày càng tăng (từ 14,6% năm 2010 lên 14,95% năm 2021).
Cơ cấu giá trị tăng thêm ngành công nghiệp đã có sự chuyển dịch theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành. Kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp tăng bình quân 10,2%/năm. Ngành công nghiệp giải quyết khoảng 30,5% việc làm toàn Thành phố giai đoạn 2011-2015 và khoảng 26-27% trong giai đoạn 2016-2021.
Theo Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng, phát triển công nghiệp hỗ trợ được xác định là 1 trong 3 lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn, ưu tiên phát triển góp phần tạo lợi thế cạnh tranh để đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án công nghiệp quy mô lớn vào thành phố. Thành phố đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy lĩnh vực này phát triển.
Trên địa bàn Thành phố có 110 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Giá trị tăng thêm (VA) của công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2011-2021 đạt 19.200 tỷ đồng, chiếm 20% VA toàn ngành công nghiệp. Tỉ trọng VA của các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong toàn ngành công nghiệp tăng dần qua các năm, từ 17,1% năm 2011 lên trên 20,2% năm 2021.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp Thành phố còn những hạn chế như quy mô nhỏ, chưa có dựa án đột phá; công nghiệp chủ lực và hỗ trợ còn hạn chế; thu hút công nghệ cao chưa đạt kỳ vọng; tốc độ đổi mới, chuyển giao công nghệ còn chậm; công nghiệp hỗ trợ còn vướng nhiều điểm nghẽn; quy hoạch phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu về quỹ đất và mặt bằng sản xuất.
Sớm triển khai thành lập Trung tâm Kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng
Theo ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43/NQ-TW về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã khẳng định vai trò quan trọng của Đà Nẵng về kinh tế - xã hội, văn hóa, an ninh - quốc phòng trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.
Với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tập trung vào công nghệ kỹ thuật số, đã đưa sự hợp tác và phát triển của các quốc gia trên thế giới lên một cấp độ hoàn toàn mới.
Trên cơ sở các hiệp định hợp tác song phương và đa phương về kinh tế thương mại, nhiều quốc gia đã chủ động xây dựng chiến lược và hoạch định chính sách tham gia vào nền kinh tế thế giới thông qua mạng lưới sản xuất khu vực và toàn cầu, trong đó sản xuất, cung ứng hàng hóa từ công nghiệp hỗ trợ là một mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu.
Vì vậy, trong giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045, Thành phố sẽ dành sự quan tâm nhiều hơn đến phát triển công nghiệp. Những vấn đề lớn trong phát triển công nghiệp đều đã đưa vào quy hoạch chung TP. Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng thông tin.
Để công nghiệp hỗ trợ phát triển, TP. Đà Nẵng vừa đề nghị Bộ Công Thương sớm triển khai thành lập Trung tâm Kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng tại TP.Đà Nẵng trong năm 2022 theo nhiệm vụ đã được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 06/8/2020 về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Đồng thời tiếp tục hỗ trợ thành phố kết nối, thu hút đầu tư về công nghiệp hỗ trợ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nghiên cứu chuyển giao công nghệ trong công nghiệp hỗ trợ…
Lưu Hương