Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đánh giá về kết quả thực hiện các chính sách, pháp luật về giảm nghèo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng chính sách tín dụng cho hộ nghèo là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn của hộ nghèo, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực, là một trong những điểm sáng trong các chính sách giảm nghèo.
Trong phiên thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005-2012”, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao hiệu quả mà chính sách tín dụng cho người nghèo mang lại.
Đại biểu Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) cho rằng, trong các chính sách giảm nghèo, tôi cho rằng quan trọng nhất và có tính khả thi, hiệu quả nhất, đó là chính sách về tín dụng trong các chương trình hỗ trợ về tín dụng.
Theo ông Cự, các chương trình tín dụng ưu đãi cho người nghèo do NHCSXH thực hiện có hiệu quả rất cao. “Đối tượng của NHCSXH cho vay đều khó khăn, rất nghèo. Họ đã nghèo từ lúc đang còn ở trong bụng mẹ”. Nhưng nhờ có đội ngũ cán bộ tâm huyết, được đào tạo bài bản, cách thức tổ chức hợp lý nên đồng vốn ưu đãi của Chính phủ đã kịp thời đến với người dân ở những nơi tái định cư, nơi vừa bão lũ tàn phá, những nơi đặc biệt khó khăn... để người nghèo có vốn đầu tư sản xuất, vươn lên.
Đặc biệt, tỷ lệ vốn quá hạn chỉ có 0,82%, tức là chưa đầy 1%, rất an toàn, hàng triệu người dân rất tâm đắc, biểu dương, đánh giá cao.
Đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hoá) cho rằng, các chính sách tín dụng trực tiếp cho hộ nghèo trong giai đoạn vừa qua được đánh giá là một điểm sáng thực hiện chủ yếu thông qua NHCSXH. Qua chương trình này khoảng 10 triệu hộ nghèo được tiếp cận vốn, hơn 2,4 triệu người thoát nghèo bền vững, góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo và tạo được dấu ấn trong xã hội.
Tăng vốn là yêu cầu cấp bách
Đánh giá cao chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ, tuy nhiên các đại biểu cũng cho rằng nguồn vốn cho vay còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu vốn rất lớn của người nghèo.
Do vậy, các đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh), Võ Kim Cự (Hà Tĩnh), Cao Thị Xuân (Thanh Hóa)… đề nghị “cơ quan có thẩm quyền xem xét tăng vốn điều lệ cho NHCSXH, vì hơn 4 năm qua, đơn vị này chưa được tăng vốn điều lệ để nâng cao hiệu quả phục vụ tín dụng cho người nghèo”.
Đại biểu Võ Kim Cự cho rằng tăng vốn điều lệ cho ngân hàng phục vụ người nghèo là yêu cầu lớn nhất. Nếu chúng ta tăng khoảng 4-5 nghìn tỷ đồng mà giải quyết được chục vạn hộ và hàng triệu người giảm nghèo thì tăng như thế này là cần thiết, cấp bách và rất đúng đắn.
“Bản thân Hà Tĩnh là tỉnh khó khăn, nhưng cũng đã bổ sung được vài chục tỷ và sẽ bổ sung thêm. Chúng tôi cho đây là một nhu cầu rất cần thiết và đề nghị Quốc hội quan tâm”, ông Cự nhấn mạnh.
Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) và đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa đề nghị Chính phủ chỉ đạo nâng mức cho vay bình quân lên khoảng 20 triệu đồng/hộ. Và muốn nâng ở mức vay cho hộ thì Chính phủ phải tăng cấp vốn, đồng thời chỉ đạo các địa phương phải tăng nguồn vốn ủy thác từ ngân sách của mình cho NHCSXH, hiện chỉ chiếm 3%.
Vay vốn gắn với tiết kiệm nhỏ
Bên cạnh việc đề cao trách nhiệm địa phương, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo tổ chức thực hiện tiết kiệm, gắn với các hộ vay vốn.
Từ kinh nghiệm thực tế của Hội Phụ nữ là giúp người nghèo bằng cách cho vay vốn nhưng phải gắn với tiết kiệm nhỏ, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa cho rằng: Hiện nay có 3 triệu hộ đang có dư nợ với NHCSXH, giả sử một ngày một hộ nghèo tiết kiệm 1.000 đồng thì một tháng NHCSXH đã có thêm 90 tỷ đồng tiền vốn và một năm có thêm hơn 1.000 tỷ đồng.
Bà Hòa khẳng định, số tiền này không nhỏ và chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Thực tế Hội LHPNVN đã làm và hiện nay Hội có 4.200 tỷ đồng tiết kiệm, trong đó 1.200 tỷ đồng đang gửi ở NHCSXH, còn lại cho vay trong chị em với nhau.
Hỗ trợ vốn phải gắn với đào tạo nghề
Để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn tín dụng ưu đãi hơn nữa, theo đại biểu Huỳnh Văn Tiếp, việc nâng mức cho vay bình quân phải gắn với việc tập huấn đào tạo nghề, chuyển giao khoa học, kỹ thuật đến cho người nghèo để họ làm ăn có hiệu quả, vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho gia đình của mình và góp phần phát triển KTXH đất nước.
Cũng về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa lấy ví dụ: “Tôi cũng có đến một xã mà tôi nghe báo cáo mở tới 7 lớp dạy nghề làm nấm. Hỏi mỗi lớp bao nhiêu người thì mỗi lớp 30 người, tức là 210 người học làm nấm. Hỏi ở xã là sau khi được học như vậy thì có bao nhiêu người phát triển được nghề làm nấm? Xã trả lời là vì chỉ bán ở thị trấn nên một ngày chỉ khoảng 10kg cho nên cũng không phát triển được”.
Từ thực tế này, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa cho rằng: Để tăng hiệu quả của công tác giảm nghèo thì Chính phủ cũng cần có những biện pháp rất cụ thể để chỉ đạo quyết liệt việc kết nối giữa các chương trình. Đặc biệt là chính sách tín dụng với dạy nghề, tạo việc làm, chính sách khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn cách làm ăn để có thể giảm nghèo bền vững và bảo toàn được nguồn vốn vay. Tránh tình trạng dạy nghề chỉ dạy theo chỉ tiêu mà không gắn với việc giải quyết việc làm.
Tiếp tục thực hiện ủy thác
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa cho biết thêm, đối với mặt trận đoàn thể, hiện nay các đoàn thể đổi mới về phương thức hoạt động, không chỉ tham gia vận động chung chung mà có rất nhiều mô hình xóa nghèo tốt.
Đặc biệt 4 đoàn thể là Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn thanh niên đang thực hiện ủy thác cho vay hộ nghèo, cho vay học sinh, sinh viên, cho vay tạo việc làm theo Nghị định 78 với dư nợ trên 120.000 tỷ đồng bằng 98,7% dư nợ của cả hệ thống NHCSXH.
Phương thức ủy thác này chỉ có ở Việt Nam và qua hơn 10 năm thực hiện đã chứng tỏ đây là một cách làm đúng và phù hợp. Dư nợ cao và ngày càng tăng, nợ quá hạn chỉ dưới 1%, trong tình hình nợ xấu còn cao thì con số dưới 1% là một kết quả tốt đẹp.
Trước khi thực hiện ủy thác cho vay thì nợ quá hạn hơn 10%, đặc biệt cách cho vay ủy thác tiết kiệm được chi phí quản lý, chỉ chiếm 0,5% trên định mức 6%. Các đoàn thể phát triển thêm được hội viên, có điều kiện sâu sát cơ sở, tăng cường tuyên truyền vận động người dân thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Trong số dư nợ 120.000 tỷ, riêng Hội Phụ nữ đến tháng 4/2014 dư nợ trên 50.000 tỷ, nợ quá hạn là 0,7% và số tiết kiệm là 1.200 tỷ đồng. Kết quả đạt được như trên là một nỗ lực rất lớn và đóng góp quan trọng của 4 đoàn thể. Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa đề nghị cho 4 đoàn thể tiếp tục được thực hiện ủy thác cho hộ nghèo vay.