• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Đắk Lắk: Hàng nghìn ha cà phê, hồ tiêu 'khát nước'

(Chinhphu.vn) - Mặc dù chưa đến cao điểm mùa khô nhưng tình trạng khô hạn, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất đã xảy ra tại nhiều địa phương của tỉnh Đắk Lắk với khoảng 10.000 ha cây trồng bị hạn, 5.300 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Theo nhận định đợt hạn hán này còn kéo dài trong 1-2 tháng tới với mức độ khốc liệt.

13/03/2016 16:52

Hàng nghìn ha cà phê tại Đắk Lắk đang trong tình trạng thiếu nước tưới. Ảnh: VGP/Thế Phong

Nguồn nước suy giảm nhanh

Theo ghi nhận tại xã Ea Dăh (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk), người dân trồng cà phê, hồ tiêu đang rất khó khăn về nguồn nước tưới. Tất tả kéo ống nước chống hạn cho cây, ông Lê Văn Tâm, người trồng cà phê tại đây cho biết, hạn hán kéo dài từ Tết Nguyên đán 2016 đến nay khiến nguồn nước trên sông, suối chảy qua địa bàn xã cạn kiệt, mực nước ngầm suy giảm mạnh gây khó khăn cho sản xuất, nhất là việc tưới tiêu cho cây cà phê, hồ tiêu.

“Gia đình tôi có 1,5 ha cà phê đang giai đoạn đơm trái, nếu không bảo đảm nước tưới, năng suất sẽ giảm mạnh, thậm chí có nhiều cây sẽ chết héo. Trong khi đó, do nắng hạn, sông Ea Dăh phục vụ tưới tiêu cho hàng trăm ha cây cà phê, hồ tiêu trên địa bàn xã đã cạn từ 10 ngày trước. Chúng tôi huy động máy bơm, đấu nối thêm đường ống tranh thủ vét nước vũng còn ứ đọng ở lòng sông để chống hạn cho cây, nhưng nguồn nước này chỉ duy trì được vài ngày”, ông Tâm lo lắng.

Trường hợp của gia đình ông Tâm cũng là tình trạng chung của nhiều hộ dân trồng cà phê, hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Qua khảo sát tại các khu vực khác, người dân còn đầu tư hàng trăm triệu đồng để đào, khoan thêm giếng lấy nước, tuy nhiên không phải ai cũng may mắn tiếp cận được nguồn nước ngầm, có hộ khoan đến 3-4 địa điểm vẫn không đủ nước.

Còn tại huyện Krông Buk, không chỉ thiếu nước tưới tiêu cho cây trồng mà hàng nghìn hộ dân rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt do hạn hán. UBND huyện Krông Buk cho biết hiện có 1.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, tập trung chủ yếu ở các xã Ea Sin, Cư Pơng, Cư Né, Chư Kbô…

Nếu không bảo đảm nước tưới, năng suất cà phê sẽ giảm mạnh, thậm chí nhiều cây sẽ chết héo. Ảnh: VGP/Thế Phong

Trao đổi với phóng viên, bà Phạm Thị Thu Hiền, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk cho biết: Tại Đắk Lắk, hiện nay dòng chảy các sông, suối ở mức rất thấp, nguồn nước ngầm, mực nước giảm sâu và lưu lượng nhỏ, dung tích các hồ chứa giảm nhanh. Dự kiến đến cuối tháng 3/2016, trên địa bàn Đắk Lắk sẽ có khoảng 250 hồ chứa nhỏ khô cạn và nhiều trạm bơm không còn nguồn để bơm tưới, nhiều vùng thậm chí không còn  nước ngầm khai thác.

Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, đến nay toàn tỉnh Đắk Lắk có 9.272 ha cây trồng bị hạn, 5.300 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Tình trạng thiếu nước xảy ra chủ yếu đối với các hộ sử dụng nước từ giếng đào, giếng khoan do mực nước ngầm giảm nhanh. Tại địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, do nguồn nước cạn kiệt, từ ngày 5/3 đã phải áp dụng lịch cấp nước luân phiên. Các địa phương đang bị khô hạn, thiếu nước nghiêm trọng gồm các huyện Ea H’leo, Krông Buk, Cư Mgar, Buôn Đôn...

Tăng cường quản lý nước

Theo nhận định của tỉnh Đắk Lắk, dự báo mức độ hạn hán trong vụ Đông Xuân năm 2015-2016 là hết sức khốc liệt. Dự kiến toàn tỉnh có khoảng 80.000 ha cây trồng bị hạn, trong đó khoảng 70.000 ha cà phê, hồ tiêu và 10.000 ha lúa nước; số hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt khoảng 25.000 hộ.

Trong chuyến kiểm tra công tác chống hạn mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk tăng cường phổ biến tình hình hạn hán nghiêm trọng đến các cấp ngành, địa phương và người dân để chủ động triển khai biện pháp ứng phó. Trọng tâm là tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nguồn nước tiết kiệm, rà soát các nguồn nước để có biện pháp bảo vệ, chống thất thoát nước. Trong vụ Hè Thu tới, tỉnh cần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng ở những vùng thiếu nước sang trồng cây hoa màu, phát triển chăn nuôi.

Người dân nỗ lực chống hạn cho cây trồng. Ảnh: VGP/Thế Phong

Về phía tỉnh Đắk Lắk, các địa phương, đơn vị trên địa bàn đã triển khai nhiều biện pháp quản lý, điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất. Đồng thời, huy động nguồn lực trong nhân dân tích cực chống hạn, bảo vệ sản xuất và bảo đảm nước sinh hoạt.

Để ứng phó với nắng hạn được dự báo sẽ khốc liệt hơn trong thời gian tới, lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, các sở, ngành, đơn vị triển khai vận hành công trình tưới tiết kiệm, khuyến cáo nhân dân chuyển đổi mùa vụ gieo trồng sớm, sử dụng giống cây ngắn ngày, chịu hạn hoặc chuyển đổi số diện tích lúa không bảo đảm nguồn nước sang cây trồng cạn, thực hiện phủ gốc hoặc phủ màng nilon nhằm hạn chế bốc hơi …

Đối với các khu vực khan hiếm nguồn nước, công tác chống hạn rất khó khăn, cần phải phân phối nguồn nước chống hạn ưu tiên theo thứ tự: Nước phục vụ sinh hoạt, nước uống cho gia súc gia cầm, nước tưới cho cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao. Khi nguồn nước quá khó khăn, có thể chỉ tưới cầm chừng để bảo vệ toàn bộ diện tích cây cà phê, hồ tiêu trong vùng không bị chết. UBND tỉnh chỉ đạo tuyệt đối không để xảy ra tình trạng người dân không có nước sinh hoạt.

Cuối tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ 85,1 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2015 cho 6 tỉnh khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn vụ Hè Thu năm 2015. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk được hỗ trợ 22,4 tỉ đồng.

Thế Phong