
Để tránh tình trạng “thày bói xem voi”, đưa ra những đánh giá không toàn diện về game online, sáng nay, 31/10, Kênh VTC2 Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC đã tổ chức buổi đối thoại với chủ đề: "Game online: Cần một đánh giá đầy đủ và khoa học".
Ba vị khách mời của chương trình là Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình - Viện Xã hội học Việt Nam, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu “Khảo sát xã hội về dịch vụ trò chơi trực tuyến ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế"; Phó giáo sư - Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Hồi Loan, nguyên Chủ nhiệm Khoa Tâm lý học, Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQGHN và ông Nguyễn Đình Mạnh - Vụ phó Vụ công tác học sinh sinh viên, Bộ Giáo dục & Đào tạo.
Mọi nghiên cứu mới chỉ là lát cắt!
Đã từng công bố một nghiên cứu về game online, TS Trịnh Hòa Bình cho hay bản thân ông và nhóm nghiên cứu cũng rất bất ngờ và lo lắng khi nhận được rất nhiều sự phản hồi từ cộng đồng. Cuộc khảo sát, đặt ra vấn đề đang rất nóng của xã hội mà TS Trịnh Hòa Bình là chủ đề tài theo ông đó là một việc cho cộng đồng, đã đưa ra được một lát cắt giúp cộng đồng có cái nhìn khách quan với game online.
Từ công trình nghiên cứu của mình, theo TS Trịnh Hòa Bình, cần xem game online như một hiện tượng xã hội, một thực tiễn đã và đang tác động vào đời sống tinh thần, giải trí của xã hội để đặt vấn đề quản lý nó, kiềm tỏa nó cũng như phát huy những lợi thế, những tác động dương tính của nó đến đời sống xã hội.
Trả lời cho câu hỏi: “Tại sao đến thời điểm này vẫn chưa có một nghiên cứu quy mô toàn quốc về game online?”, Phó giáo sư - Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Hồi Loan, nguyên Chủ nhiệm Khoa Tâm lý học, Trường ĐH KHXH&NV - Đại học Quốc gia Hà Nội thừa nhận, đúng là chưa có các công trình nghiên cứu lớn về game online.
Bản thân ông và các học trò của mình mới chỉ dừng lại ở một số nghiên cứu, khảo sát để trả lời vì sao game online thu hút giới trẻ mạnh mẽ đến như vậy. Điều thứ hai mà chúng tôi quan tâm là các trò chơi game online có sức ảnh hưởng thế nào tới quá trình học tập của các em.
Cần một công trình tổng thể, khách quan
Cũng đã có khá nhiều đề tài liên quan đến game online, cũng đề cập tới sự cấp thiết phải có các nghiên cứu khoa học liên quan và sự cần thiết phải chung tay để dư luận có cái nhìn chính xác và khách quan về trò chơi trực tuyến. Thế nhưng, trên thực tế, để có một nghiên cứu về game quy mô toàn quốc không phải là việc dễ thực hiện.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồi Loan, cái khó đầu tiên ở chỗ, đây là phương tiện giải trí không chỉ của thanh niên, nên cần phải có nghiên cứu toàn diện. Nó đòi hỏi cần có sự liên kết giữa nhiều ngành khác nhau: xã hội học, tâm lý học, nhà quản lý, nhà sản xuất… Cần có những cuộc phỏng vấn, điều tra với nguồn kinh phí sẽ rất lớn. Và một thành phần rất quan trọng nữa đó là những em đang cai nghiện game online, nhất là trong các cơ sở cai nghiện tại TP.HCM và Hà Nội, và những học sinh, sinh viên đang chơi game cần tham gia vào cuộc điều tra.
Game online thu hút con người ta vào cuộc chơi, lôi cuốn người chơi rất nhiều, ảnh hưởng tới người chơi rất nhiều. Cần nghiên cứu trò chơi đó có tác động đến các em ra sao. Đặc biệt, xần xem xét nội dung của các trò chơi game online có phù hợp để cho các em học sinh chơi hay không.
Chúng ta đều biết, vấn đề quản lý game online đang là đề tài nóng. Bộ Thông tin và Truyền thông hiện đang là đơn vị được giao soạn thảo dự thảo quản lý game online tại Việt Nam. Chính Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn từng nhấn mạnh chúng ta phải gấp rút thực hiện 5 nhóm giải pháp. Trong đó, có nhóm giải pháp trước mắt, nhóm giải pháp lâu dài.
Tuy nhiên, bài toán thực tiễn đang đặt ra và đòi hỏi phải nỗ lực giải quyết đều. Các biện pháp trước mắt mà Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra đang phát huy tác dụng, nhưng nếu không có kiểm soát chặt chẽ thì mặt xấu của game online cũng vẫn có “cửa” phát tác. Điều quan trọng là việc kiểm soát nó phải thực hiện một cách khoa học, thông minh.
Đồng quan điểm đó với PGS.TS Nguyễn Hồi Loan, ông Nguyễn Đình Mạnh - Vụ phó Vụ công tác học sinh sinh viên, Bộ Giáo dục & Đào cũng cho rằng, game online là một sản phẩm của công nghệ tiên tiến đang được toàn thế giới đón nhận và giới trẻ Việt Nam cũng đang đón nhận nó như một tiến trình phát triển và hội nhập.
Ngay lúc này chúng ta cần phải có một biện pháp để quản lý game online và hài hòa các lợi ích của tất cả các đối tượng về cả những người quản lý và những người chơi. Để làm rõ hơn về vấn đề này cần phải có một công trình nghiên cứu khoa học tổng thể để đánh giá thực tế những ảnh hưởng của game online và công trình này phải có đầy đủ phù hợp với tính nhân văn, văn hóa của dân tộc.
Còn về phía ngành GD&ĐT, vấn đề ảnh hưởng mạnh mẽ của game online vào trường học như hiện nay trước mắt sẽ được thực hiện bằng việc kiểm soát chặt chẽ hành vi của các em giữa gia đình và nhà trường.
Hiền Mai
Theo VnMedia