• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Dấu ấn quan trọng đối với Di tích Cố đô Huế

(Chinhphu.vn) - Hôm nay, 23/11, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận Di sản Tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO cho "Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế"; công bố hoàn thành "Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa" và động thổ công trình "Tu bổ, phục hồi di tích điện Cần Chánh".

23/11/2024 21:20
Dấu ấn quan trọng đối với Di tích Cố đô Huế- Ảnh 1.

Tỉnh Thừa Thiên Huế đón nhận Bằng công nhận Di sản Tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO cho "Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế" - Ảnh: VGP/Đức Tuân

Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, ông Jonathan Wallace Baker và đại diện một số bộ, ngành đã tham dự sự kiện, được tổ chức đúng dịp kỷ niệm Ngày Di sản Việt Nam (23/11).

Công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Huế đã chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, Huế vinh dự là địa phương đầu tiên của cả nước có di sản được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới (Quần thể di tích Cố đô Huế, 1993) và cũng là nơi sở hữu Di sản Phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Nhã nhạc cung đình Huế, 2003). 

Cho đến nay, Thừa Thiên Huế đang là địa phương có số lượng di sản thế giới nhiều nhất Việt Nam. Đây chính là minh chứng rõ nét cho sự phong phú và đa dạng của hệ thống di sản văn hóa mang giá trị toàn cầu tại vùng đất Cố đô.

Ngày 8/5/2024, tại kỳ họp thứ 10 của Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương diễn ra ở Mông Cổ, "Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế" chính thức được ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO.

Cửu đỉnh được đúc vào năm 1835 và hoàn thành vào năm 1837 dưới thời vua Minh Mạng. Đây được xem là bộ bách khoa toàn thư bằng hình ảnh sống động về đất nước Việt Nam thời bấy giờ và đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2012.

Việc UNESCO công nhận "Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế" là Di sản Tư liệu thế giới một lần nữa khẳng định tầm vóc, giá trị lịch sử của Cửu đỉnh trong kho tàng di sản văn hoá của nhân loại, đồng thời đem đến cho Thừa Thiên Huế vị thế là địa phương duy nhất mang trong mình 8 di sản được UNESCO công nhận, ông Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh.

Dấu ấn quan trọng đối với Di tích Cố đô Huế- Ảnh 2.

Dấu ấn quan trọng đối với Di tích Cố đô Huế- Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long và các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương điện Thái Hòa đưa vào phục vụ tham quan - Ảnh: VGP/Đức Tuân

Cũng trong sự kiện ngày hôm nay, Thừa Thiên Huế chính thức công bố hoàn thành "Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa" để đưa vào phục vụ tham quan và động thổ công trình "Tu bổ, phục hồi di tích điện Cần Chánh". Đây là hai công trình quy mô và có vai trò quan trọng bậc nhất trong khu vực Hoàng thành và Tử Cấm thành của Đại nội Huế.

Để tiến hành các thủ tục triển khai Dự án tu bổ, phục hồi điện Thái Hòa và tu bổ, phục hồi điện Cần Chánh, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quá trình nghiên cứu chuẩn bị công phu, bài bản và nhận được sự giúp đỡ hết sức to lớn của các tổ chức quốc tế, của các ban, bộ, ngành Trung ương và các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học trong quá trình thu thập tư liệu, hình ảnh, căn cứ pháp lý để triển khai.

Điều đó đã chứng minh, công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá Huế đã chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. 

Huế từng bước được các cá nhân, tổ chức trong nước và ngoài nước, đặc biệt là UNESCO đánh giá là địa phương đi đầu về bảo tồn, phát huy giá trị di sản, có khả năng xây dựng thành một trung tâm chuẩn mực về chuyển giao công nghệ bảo tồn tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Dấu ấn quan trọng đối với Di tích Cố đô Huế- Ảnh 4.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long nghe giới thiệu về những nét đặc sắc của Cửu đỉnh - Ảnh: VGP/Đức Tuân

Ông Nguyễn Văn Phương nêu rõ, tỉnh Thừa Thiên Huế cam kết sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, kế hoạch hành động của quốc tế và của Chính phủ về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; với các giải pháp cụ thể, vừa trước mắt, vừa lâu dài để tạo sức sống mới cho di sản; để di sản mãi mãi trường tồn, ngày càng lan tỏa phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng, di sản tư liệu của thế giới chính là di sản của tất cả chúng ta. Các di sản đó cần được gìn giữ và bảo tồn một cách toàn vẹn và được tiếp cận một cách vĩnh viễn, được công nhận một cách đúng đắn về các hoạt động thực hành văn hóa và tính thiết thực của văn hoá đó, được dành cho tất cả công chúng và không có sự cản trở.

Các tác phẩm đúc đồng trên Cửu đỉnh đã lưu giữ các giá trị giao thoa và tương tác giữa các nền văn hóa của xã hội Việt Nam và các nước Đông Á.

Dấu ấn quan trọng đối với Di tích Cố đô Huế- Ảnh 5.

Tái hiện Lễ Thiết triều theo hình thức sân khấu hóa - Ảnh VGP/Đức Tuân

UNESCO đánh giá cao mối quan hệ đối tác lâu dài với Thừa Thiên Huế - nơi mà công tác bảo tồn Di tích Huế đã được thực hiện với tâm huyết to lớn và gặt hái được những kết quả đáng ghi nhận. 30 năm trước, UNESCO và cộng đồng thế giới đã nhận thấy sự cấp thiết trong việc hợp tác với Việt Nam để gìn giữ và bảo vệ các di sản quý giá này.

Những thách thức mà chúng ta phải đối mặt, với UNESCO và Việt Nam - một quốc gia thành viên quan trọng của UNESCO, chính là công tác bảo tồn, trùng tu và tôn tạo, bảo vệ nguyên trạng di sản thế giới. 

Một nhiệm vụ cũng không kém phần quan trọng chính là các vấn đề của thế giới hiện đại khiến chúng ta phải tích cực hơn, như tăng cường sự chuẩn bị để ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, giúp các di sản thế giới của chúng ta có khả năng phục hồi tốt hơn trước các thảm họa do con người gây ra hoặc trước các thiên tai, đồng thời tối ưu hóa phúc lợi cho người dân. 

Để làm được những điều này, cần có sự tham gia tích cực của cộng đồng, bao gồm cả thanh thiếu niên và phụ nữ sống trong và xung quanh di sản này, ông Jonathan Wallace Baker nêu rõ.

Dấu ấn quan trọng đối với Di tích Cố đô Huế- Ảnh 6.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long và các đại biểu dự lễ đón nhận Bằng công nhận Di sản Tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO cho "Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế" - Ảnh: VGP/Đức Tuân

Dấu ấn quan trọng đối với Di tích Cố đô Huế- Ảnh 7.

Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hoà về đích sớm 9 tháng

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, điện Thái Hòa là kiến trúc quan trọng bậc nhất của Hoàng thành Huế. Đây là nơi tổ chức lễ đăng quang của 13 vị hoàng đế triều Nguyễn; nơi tổ chức các nghi lễ quan trọng nhất của triều đình. 

Ngôi điện này được xây dựng từ mùa xuân 1805 thời Gia Long. Đến thời Minh Mạng, triều đình cho tu bổ cải dựng tại địa điểm mới từ năm 1832, đến năm 1833 thì hoàn thành.

Trải qua nhiều biến cố lịch sử, dưới tác động của thời gian, chiến tranh, khí hậu khắc nghiệt, công trình đã xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt, đợt mưa bão cuối năm 2020 khiến ngôi điện đứng trước nguy cơ cần phải cứu nguy. Bởi thế, việc trùng tu và tôn tạo công trình này là một nhiệm vụ cấp thiết.

Ngày 23/11/2021, lễ khởi công "Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hoà" được thực hiện với tổng vốn đầu tư gần 129 tỷ đồng. Sau 3 năm thi công, với nỗ lực lớn của tập thể đội ngũ làm công tác bảo tồn di sản, dự án đã về đích trước thời hạn 9 tháng.

Dấu ấn quan trọng đối với Di tích Cố đô Huế- Ảnh 8.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long nghe giới thiệu về công tác tu bổ điện Thái Hòa - Ảnh: VGP/Đức Tuân

Dấu ấn quan trọng đối với Di tích Cố đô Huế- Ảnh 9.

 Bắt đầu triển khai tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích điện Cần Chánh

Phát biểu triển khai dự án "Tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích điện Cần Chánh", ông Hoàng Việt Trung cho biết, điện Cần Chánh được xây dựng vào năm 1804, là nơi vua làm việc hàng ngày và là nơi tổ chức lễ Thiết thường triều vào các ngày 5, 10, 20 và 25 âm lịch hằng tháng; nơi tổ chức các lễ Nguyên đán, Vạn thọ đại khánh, cũng như yến tiệc vào các dịp khánh hỷ.

Tháng 2/1947, ngôi điện bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn lại phần nền móng. Trải qua hơn 60 năm nghiên cứu, đặc biệt từ giai đoạn từ năm 2000 đến 2024, công cuộc nghiên cứu phục hồi điện Cần Chánh đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp quý báu, tư liệu có giá trị từ các thành viên Hội đồng Di sản quốc gia, các chuyên gia của UNESCO và các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. 

Đến nay, công cuộc nghiên cứu đã có đủ cơ sở khoa học, căn cứ pháp lý để triển khai dự án phục hồi ngôi điện quan trọng này.

Ông Hoàng Việt Trung khẳng định, dự án sẽ nỗ lực tu bổ, phục dựng lại tổng thể kiến trúc nội ngoại thất và cảnh quan của điện Cần Chánh với tính chất tiệm cận với nguyên bản. Dự án có kinh phí gần 200 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành trong 4 năm.

Dấu ấn quan trọng đối với Di tích Cố đô Huế- Ảnh 10.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương nêu rõ, tỉnh Thừa Thiên Huế cam kết sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, kế hoạch hành động của quốc tế và của Chính phủ về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa - Ảnh VGP/Đức Tuân

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ quyết tâm, nỗ lực triển khai công tác bảo tồn, phục dựng di tích điện Cần Chánh với chất lượng cao nhất.

Tại buổi lễ, gia đình nghệ nhân Kim Hyun Kon (Hàn Quốc) trao tặng Bộ biên khánh cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế để sử dụng trong biểu diễn của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế.

Năm 2010, Trung tâm Nghệ thuật biểu diễn truyền thống quốc gia Hàn Quốc phối hợp nghiên cứu và phục hồi, trao tặng cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế bộ Biên chung (dàn chuông đồng) là loại nhạc cụ quan trọng được sử dụng trong Đại nhạc triều Nguyễn. Bộ Biên chung này do nghệ nhân Kim Huyn Kon (báu vật nhân văn sống của Hàn Quốc) chế tác phục hồi. 

Bộ Biên khánh (dàn khánh đá) thuộc hệ thống nhạc cụ Đại nhạc triều Nguyễn do ông Kim Hyun Kon nghiên cứu, phục hồi trong hơn 2 năm.

Đức Tuân