• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Đẩy nhanh tiến độ 2 tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội

(Chinhphu.vn) – Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, hai tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội không chỉ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Hà Nội mà còn với cả nước. Chính phủ đã và đang nỗ lực để cùng với các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào sử dụng nhằm giảm ùn tắc giao thông cho Thủ đô.

04/02/2017 15:46
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra công trình ga La Khê - tuyến Cát Linh  - Hà Đông. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu ý kiến nói trên khi đi kiểm tra hiện trường và làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành, TP. Hà Nội nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng hai tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội sáng nay 4/2.

Cùng đi có Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, lãnh đạo các Bộ: GTVT, Xây dựng, Tài chính và Văn phòng Chính phủ.

Phó Thủ tướng đã đi kiểm tra công trình nhà ga La Khê trên tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông; công trình nhà ga số 2 trước khi làm việc tại khu vực ga Deport tuyến Nhổn - Ga Hà Nội.

Tại buổi làm việc, cả hai Ban Quản lý dự án đường sắt đều kiến nghị Chính phủ giải quyết những vướng mắc về vốn để bảo đảm dự án có thể hoàn thành đúng tiến độ.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng thời gian qua, mặc dù đã có rất nhiều giải pháp được triển khai thực hiện, nhưng tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Trong khi đó hạ tầng không theo kịp, năng lực của giao thông công cộng hiện mới chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu, phương tiện giao thông cá nhân hiện đang tăng lên rất nhanh.

Trước vấn đề bức xúc về ùn tắc giao thông, ngay trong những ngày trước Tết Nguyên đán vừa qua, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các bộ đã làm việc trực tiếp với Hà Nội và TPHCM để chỉ đạo các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn. Theo đó, trước mắt cần tổ chức giao thông tốt hơn, có biện pháp giảm phương tiện cá nhân đi vào các khu vực dễ ùn tắc. Về dài hạn, phải đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ. Đặc biệt, việc triển khai hệ thống đường sắt đô thị là một trong những giải pháp quan trọng, có tính ổn định bền vững, lâu dài.


Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra đường ray - hiện đã được lắp đặt xong- trên tuyến Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, để xây dựng được hệ thống đường sắt đô thị cần nguồn lực rất lớn. Với 8 tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch của Hà Nội, tính trung bình khoảng 2.200 - 3.000 tỷ đồng/km sẽ tốn khoảng 890.000 tỷ đồng (40 tỷ USD).

Vì vậy, việc sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng hai tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giảm ùn tắc giao thông cho Hà Nội.

Về quá trình thi công hai tuyến đường sắt, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao quyết tâm của Bộ GTVT, UBND TP. Hà Nội cùng sự vào cuộc quyết liệt của các Ban Quản lý, các nhà thầu trong điều kiện rất khó khăn. Tuy nhiên, thực tế là cả hai tuyến đều chậm so với tiến độ, dù đã nhiều lần được điều chỉnh.

Phó Thủ tướng cho rằng, nguyên nhân chính là do thể chế liên quan đến đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đô thị chưa hoàn thiện, đặc biệt là thể chế liên quan đến quản lý đầu tư bằng hình thức hợp đồng tổng thầu EPC. Việc đánh giá, định giá các gói thầu không chính xác, khiến giá thành bị đội lên nhiều lần so với giá trị hợp đồng EPC ban đầu. Bên cạnh đó, kinh nghiệm quản lý dự án còn nhiều hạn chế, đặc biệt là những dự án liên quan đến pháp luật quốc tế.

“Những vướng mắc này khiến chủ đầu tư liên tục phải xin ý kiến, hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, do đó mất rất nhiều thời gian. Thời gian tới, tôi yêu cầu các Bộ, ngành, UBND TP. Hà Nội phải thực sự quyết liệt, rà soát kỹ những khó khăn, vướng mắc của các dự án để có giải pháp tháo gỡ phù hợp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để triển khai đúng tiến độ hai dự án đường sắt đô thị” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trên công trường, công nhân đang tập trung vệ sinh, trước khi lắp đặt những thiết bị hoàn thiện cuối cùng. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Theo Phó Thủ tướng, hai tuyến đường sắt đô thị là những công trình đặc biệt quan trọng, không chỉ của Hà Nội mà của cả nước. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để hai dự án có thể sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại Thủ đô.

Tuy phải đẩy nhanh tiến độ nhưng Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu phải đảm bảo an toàn.

“Yếu tố an toàn phải đặt lên hàng đầu. Trước hết là an toàn lao động, an toàn cho người tham gia giao thông. An toàn môi trường, an toàn cháy nổ. Phải giám sát chặt chẽ, không để xảy ra mất an toàn trên công trường, trong quá trình thi công, vận hành, khai thác sau này”, Phó Thủ tướng nói.

Đối với tuyến Cát Linh - Hà Đông, Phó Thủ tướng yêu cầu phải tập trung quyết liệt để hoàn thiện đúng cam kết tiến độ đã đề ra, đồng thời đảm bảo chất lượng công trình ở mức cao nhất. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước về các công trình xây dựng chủ động tiến hành công tác nghiệm thu song song với quá trình thi công, tạo điều kiện cho chủ đầu tư, nhà thầu tiếp tục triển khai các công việc còn lại.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý chủ đầu tư về chất lượng hoàn thiện, chất lượng kiến trúc các công trình. Theo Phó Thủ tướng, các nhà ga là những công trình công cộng quan trọng, phải đảm bảo tính thẩm mỹ, giá trị văn hoá, do đó cần phải mời những công nhân có trình độ tay nghề cao để hoàn thiện, rút kinh nghiệm chất lượng hoàn thiện chưa cao như tại nhà ga La Khê.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND TP. Hà Nội xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong các khâu GPMB, đấu thầu... đối với tuyến Nhổn - Ga Hà Nội. Trường hợp vượt thẩm quyền, UBND Thành phố đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị TP. Hà Nội tập trung công tác đào tạo nguồn nhân lực để quản lý vận hành các tuyến đường sắt đô thị. Thành phố cũng cần có sự chuẩn bị, phối hợp chặt chẽ để tiếp nhận, khai thác tuyến Cát Linh - Hà Đông từ Bộ GTVT.

“Phải tạo ra văn hoá phục vụ riêng của đường sắt đô thị. Mọi người dân đi tàu phải được phục vụ, ứng xử văn minh”, Phó Thủ tướng nói.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các Bộ, ngành và UBND TP. Hà Nội cần sớm nghiên cứu để có cơ chế huy động nguồn lực xã hội thông qua các hình thức hợp tác công - tư để triển khai các tuyến đường sắt đô thị còn lại theo quy hoạch. Phó Thủ tướng cũng lưu ý cần cố gắng ưu tiên các doanh nghiệp Việt Nam đủ điều kiện tham gia thi công, vừa góp phần giảm giá thành, vừa nâng cao trình độ, năng lực trong xây dựng đường sắt đô thị.

“Khi đó, giá rẻ hơn, lại nâng cao được năng lực của doanh nghiệp Việt Nam, nâng cao tỉ lệ nội địa hóa ở đường sắt đô thị. Toa tàu có thể mua nước ngoài nhưng xây dựng hầm, đường sắt, trụ móng, nhà ga chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Cái gì không làm được mới nhập khẩu nước ngoài, đây cũng là mong muốn của Thủ tướng”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng tặng quà, động viên công nhân trên công trường. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Tháng 9/2017 chạy thử tuyến Cát Linh - Hà Đông

Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông, đến nay, khối lượng xây lắp công trình của dự án đã hoàn thành 90%, trong đó phần hạ tầng chạy tàu cơ bản hoàn thành. Công tác xây lắp cơ bản đáp ứng được tiến độ thi công đã đề ra. Các bên đang tiếp tục bám sát tiến độ thi công tổng thể đã đề ra, đảm bảo hoàn thành toàn bộ công tác xây lắp, trang trí hoàn thiện trong quý I/2017.

Ông Lê Kim Thành, Tổng Giám đốc BQL Dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, mục tiêu đặt ra là hoàn thành, đưa vào chạy thử trong tháng 9/2017. Để bảo đảm mốc tiến độ này, dự kiến sẽ hoàn thiện toàn bộ phần xây lắp trang trí kiến trúc bao gồm cả khu Depot trước ngày 31/3; hoàn thành lắp đặt thiết bị trước ngày 31/7/; đóng điện toàn tuyến ngày 1/9.

“Thời gian vận hành chạy thử liên động toàn hệ thống tối thiểu là 3 tháng nhưng có thể lên tới 6 tháng tùy thuộc kết quả chạy thử trước khi bàn giao công trình đưa vào khai thác”, ông Lê Kim Thành cho biết.


Phó Thủ tướng làm việc với các Ban Quản lý dự án. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội (là đoạn tuyến giai đoạn 1 của tuyến số 3 trong mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội) có chiều dài 12,5 km với 8,5 km đi trên cao và 4 km đi ngầm. Dự án gồm 10 gói thầu được khởi công vào năm 2010, tuy nhiên đến nay, tiến độ chung mới đạt trên 30%.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết tiến độ tổng thể dự án đã bị chậm so với kế hoạch ban đầu. Dự kiến, dự án hoàn thành, đưa vào khai thác từ cuối năm 2021.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, hiện Thành phố đã tháo gỡ cơ bản các khó khăn cho dự án, tập trung điều chỉnh lại tiến độ các gói thầu để đẩy nhanh tiến độ. Trên cơ sở đó sẽ lập kế hoạch chi tiết để tập trung thi công phần ngầm trong năm nay.

Xuân Tuyến - Phan Trang