Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Tổng vốn huy động cho nông thôn mới của toàn vùng là 92.172 tỷ đồng trong đó vốn ngân sách là 65%, vốn nhân dân góp là 3,8%, còn lại là vốn tín dụng và vốn do doanh nghiệp đóng góp.
Tuy nhiên, các tỉnh miền núi phía Bắc có đặc điểm chung là vùng có điều kiện tự nhiên phức tạp, kết cấu hạ tầng chưa phát triển, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, cư trú phân tán, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn cho nên tiến độ xây dựng nông thôn mới còn chậm so với tiến độ chung của cả nước.
Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh miền núi phía Bắc cần có cơ chế chính sách phù hợp với đặc điểm của vùng và từng địa phương; trong xây dựng nông thôn mới cần xác định địa bàn thôn, bản là địa bàn chủ yếu, quan trọng và phải ưu tiên để thực hiện trước các tiêu chí trên địa bàn thôn, như: Đường giao thông, thủy lợi, nhà ở dân cư, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, hình thức tổ chức sản xuất, trường học, môi trường...
Trên cơ sở thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, các địa phương thực hiện rà soát lại quy hoạch sản xuất, phải xác định rõ cây trồng, vật nuôi có thế mạnh từng xã, từng huyện, đồng thời, quy hoạch phải đáp ứng được nhiệm vụ sản xuất cả trước mắt và lâu dài, hướng tới mở rộng phạm vi trên địa bàn xã, huyện để hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn gắn với thị trường tiêu thụ.
Nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh miền núi phía Bắc rà soát lại quy hoạch sản xuất để thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi phù hợp từng thôn, bản, từng xã; lựa chọn một số cây trồng, vật nuôi chính, có khả năng cạnh tranh để tập trung sản xuất, có giải pháp cụ thể để nâng cao năng suất chất lượng và giá trị gia tăng của nông sản; tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả đã và đang thực hiện tại các xã, nhất là đối với cây trồng, vật nuôi bắt đầu phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa.
Đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, nhằm tạo ra sản phẩm sạch, có chất lượng, giảm giá thành; tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp theo các hình thức sản xuất khác nhau gia trại, trang trại và sản xuất hàng hóa với quy mô phù hợp từng địa bàn, từng dân tộc; ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại chỗ là người dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó tích cực huy động mọi nguồn lực để thực hiện Chương trình; thực hiện tốt việc lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn với nguồn vốn thuộc Chương trình này để phát huy hiệu quả đầu tư. Tăng cường công tác vận động, tuyên truyền các tầng lớp nhân dân để người dân tự nguyện ủng hộ và tham gia xây dựng các công trình trên địa bàn thôn, bản, xã; quản lý chặt chẽ trong quá trình thực hiện đầu tư, xây dựng các công trình, không để xảy ra tiêu cực, lãng phí, tham nhũng làm mất niềm tin của nhân dân.
Phan Hiển